Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ

 

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.357.414
Truy câp hiện tại 12.099
Đẩy mạnh thực thi sáng kiến REDD+
Ngày cập nhật 20/12/2017

TTH - Từ năm 2016, Thừa Thiên Huế chính thức tham gia các hoạt động thực hiện sáng kiến giảm phát thải từ hạn chế gây mất rừng và suy thoái rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các-bon rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng (REDD+). Khác với chi trả dịch vụ môi trường rừng đã được triển khai thực hiện trong thời gian qua, REDD+ được chi trả dựa trên kết quả lượng giảm phát thải, hấp thụ (tích lũy) các-bon trên một diện tích rừng đã được đo đạc, báo cáo và kiểm chứng.

Hướng dẫn kỹ thuật giám sát rừng bằng máy tính bảng

Từ bước khởi động

Ngày16/12/2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3325 về kế hoạch hành động “Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các-bon rừng (REDD+) tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016-2020” (gọi tắt là PRAP).

PRAP hướng tới mục tiêu góp phần thực hiện thành công Chương trình hành động Quốc gia về REDD+; giúp Thừa Thiên Huế hoàn thành mục tiêu kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2009-2020, ổn định độ che phủ rừng từ 57-58%; tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, bảo tồn đa dạng sinh học, cải thiện sinh kế, an sinh xã hội; giảm thiểu tác động, ứng phó biến đổi khí hậu, đảm bảo phát triển bền vững.

Để thực hiện hiệu quả PRAP, tỉnh cần tổng kinh phí đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng được huy động và lồng ghép từ các nguồn lực khác nhau, bao gồm nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện các hoạt động như: giao đất, giao rừng, khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng, phát triển sinh kế và huy động từ các tổ chức trong nước, người dân và từ các nguồn tài trợ quốc tế khác.

Thông qua chương trình REDD+, Thừa Thiên Huế đã xây dựng 2 mô hình trồng rừng gỗ lớn với diện tích 55 ha tại huyện A Lưới và thị xã Hương Trà; triển khai hoạt động tỉa thưa rừng trồng keo để trồng xen cây bản địa với diện tích 363 ha tại Công ty TNHH NN MTV Lâm nghiệp Nam Hòa và 3 Ban Quản lý Rừng phòng hộ: Bắc Hải Vân, Hương Thủy, A Lưới.

Nhiều hoạt động được triển khai

Thừa Thiên Huế là 1 trong 6 tỉnh được dự án (DA) “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực thi REDD+ tại Việt Nam- giai đoạn 2” (gọi tắt là FCPF 2) tổ chức triển khai các hoạt động DA. Để thực hiện hiệu quả DA tại địa phương, các cán bộ FCPF 2 đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động sẵn sàng thực hiện REDD+. Trong đó, đã tổ chức 6 cuộc hội thảo truyền thông nâng cao nhận thức về REDD+ cho 212 đại biểu là cán bộ, người dân chủ chốt trong vùng ưu tiên giảm phát thải tại 4 huyện: A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc, Phong Điền và 2 thị xã: Hương Trà, Hương Thủy.

Nhóm DA đã phối hợp với DA Quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững (SNRM) tổ chức 1 lớp tập huấn Tiểu giáo viên cho 22 học viên về kỹ thuật thực hiện giám sát rừng bằng máy tính bảng tại TP. Huế và 3 lớp mở rộng cho 69 học viên tại các Hạt Kiểm lâm: Hương Thủy, Hương Trà, A Lưới. Các học viên tham dự đến từ các cơ quan lâm nghiệp cấp tỉnh, cấp huyện và các chủ rừng lớn trên địa bàn tỉnh. Họ là những hạt nhân để tham gia đo đạc lượng giảm phát thải và tích lũy các-bon rừng cho chương trình FORMIS (hệ thống thông tin quản lý rừng) của Việt Nam và đặc biệt là phục vụ chương trình giảm phát thải của 6 tỉnh Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2023.

Dự án còn tổ chức các cuộc tham vấn về giải pháp ngoài ngành lâm nghiệp liên quan đến thực hiện REDD+ tại 6 huyện, thị xã: A Lưới, Nam Đông, Phong Điền, Phú Lộc, Hương Trà, Hương Thủy và 1 cuộc tại tỉnh để xác định các nguyên nhân gián tiếp ảnh hưởng đến gia tăng lượng phát thải khí nhà kính.

Các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật như tập huấn trồng rừng gỗ lớn, khôi phục và tu bổ rừng tự nhiên đang được triển khai thực hiện từng bước góp phần tăng trữ lượng các-bon rừng trên địa bàn. Hoạt động đảm bảo an toàn- xã hội tiếp tục được triển khai tại vùng DA nhằm đảm bảo việc thực hiện tốt các yêu cầu của nhà tài trợ và quyền lợi của người dân địa phương. Song song với đó là việc hỗ trợ đổi mới các công ty lâm nghiệp nhà nước, ban quản lý rừng theo hướng cung cấp dịch vụ REDD+ và tăng cường thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản.

Chương trình giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ đang được hoàn thiện văn kiện để trình Ngân hàng Thế giới phê duyệt trong thời gian tới, mở ra triển vọng nâng cao thu nhập và hưởng lợi từ nguồn giảm phát thải và tích lũy các-bon cho người dân và các đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh.

Thời gian tới, một số DA đang và sắp triển khai như DA: Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp, Trường Sơn Xanh, BCC, tăng cường sản xuất lâm sản có trách nhiệm khu vực Tiểu vùng Mekong... cùng với sự hỗ trợ của FCPF 2 sẽ góp phần thực thi hiệu quả Chương trình hành động quốc gia về REDD+; Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, đồng thời cùng các tỉnh khác trong cả nước thể hiện trách nhiệm và nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính, góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Thực hiện REDD+ (giai đoạn 2016-2017), tỉnh đã chú trọng đẩy mạnh một số hoạt động giảm phát thải, tăng cường trữ lượng các-bon rừng và đến nay đã đạt được một số kết quả chính. Diện tích rừng tự nhiên cơ bản được bảo vệ tốt, công tác phòng cháy chữa cháy rừng được triển khai thực hiện hiệu quả. Diện tích rừng trồng mới và trồng lại rừng sau khai thác là 9.743 ha, trong đó diện tích rừng trồng phòng hộ, đặc dụng là 374 ha, diện tích rừng trồng sản xuất là 9.369 ha. Dự án cũng đã hỗ trợ cấp chứng chỉ FSC cho 5.971 ha, trong đó diện tích của 609 hộ gia đình là 2.875 ha và diện tích của Công ty TNHH NN MTV Lâm nghiệp Tiền Phong là 3.096ha.

Bài, ảnh: Hoài Nguyên

Các tin khác
Xem tin theo ngày