Ngày 02/11/2018, Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị đánh giá, giới thiệu các mô hình Khuyến nông năm 2018 với sự chủ trì của ông Hồ Vang- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT. Tham dự Hội nghị còn có các đại biểu đại diện các cơ quan đơn vị: Sở Kế hoạch và đầu tư; Hội Nông dân, Hội Phụ nữ tỉnh; đại diện UBND, phòng Nông nghiệp và PTNT, phòng kinh tế, trạm khuyến nông - lâm- ngư các huyện, thị xã; đại diện các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT, Công ty Giống cây trồng vật nuôi; đại diện các HTX sản xuất nông nghiệp và nông dân trên địa bàn tỉnh.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung hỗ trợ xây dựng nhiều mô hình trình diễn như khảo nghiệm các giống mới, các mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. công nghệ mới; mô hình sản xuất theo hướng an toàn… đã đóng góp tích cực vào sự phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh nhà. Việc xây dựng các mô hình trình diễn đã tạo điều kiện thuận lợi để người nông dân tiếp cận và áp dụng có hiệu quả những kỹ thuật mới vào sản xuất, góp phần tăng thu nhập và cải thiện đời sống. Qua đánh giá, các mô hình khuyến nông đã đạt được những kết quả tốt, nhiều mô hình được đánh giá cao, là cơ sở thực tế để ngành và các địa phương có định hướng phát triển trong thời gian tới. Trong đó, nhiều mô hình có khả năng nhân rộng như: mô hình sản xuất giống lúa mới KH1; mô hình áp dụng 3 giảm 3 tăng (trong đó có IPM) trong sản xuất lúa; mô hình áp dụng biện pháp tổng hợp để xử lý rơm rạ sau thu hoạch vụ Đông Xuân; mô hình nuôi gà lông màu vùng đặc biệt khó khăn.
Được biết, năm 2019, các hoạt động khuyến nông sẽ tiếp tục tập trung triển khai và góp phần thực hiện tốt các chương trình trọng điểm của ngành nông nghiệp; tập trung vào các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, Viet GAP, các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tại hội nghị, các đại biểu tham dự khẳng định, để các mô hình khuyến nông thực hiện có hiệu quả và ngày càng nhân rộng, trong thời gian tới cần phải: Bám sát với nhu cầu của sản xuất, giải quyết được những vấn đề cụ thể của thực tế sản xuất đặt ra; đáp ứng được nhu cầu nguyện vọng của người nông dân, phù hợp với điều kiện tự nhiên và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương; Chọn hộ đảm bảo tiêu chí, đảm bảo có đủ nhân lực và vật lực để đáp ứng yêu cầu của mô hình, có khả năng duy trì áp dụng kỹ thuật, phát triển quy mô sau khi kết thúc mô hình; Người nông dân được hỗ trợ về kinh phí, kỹ thuật, được tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng, được tuyên truyền để thay đổi dấn tập quán canh tác; Chú trọng đến công tác tuyên truyền quảng bá nhân rộng, chuyển tải kịp thời nguồn thông tin trên các phương tiện truyền thông. Tăng cường tư vấn, cung cấp thông tin về thị trường tiêu thụ nông sản hàng hoá cho nông dân, từng bước tháo gỡ “nút thắt” trong sản xuất nông nghiệp tránh tình trạng “được mùa thì mất giá”.