Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ

 

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.337.587
Truy câp hiện tại 1.539
Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai năm 2020
Ngày cập nhật 18/05/2020

Chiều ngày 15/5/2020, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020 theo hình thức trực tuyến đến cấp huyện. Chủ trì Hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường. Tại điểm cầu Thừa Thiên Huế có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cùng đại diện lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBMT tổ quốc Việt Nam tỉnh các sở, ngành có liên quan.

 

Đầu cầu trung ương- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị

Năm 2019, thiên tai trong khu vực và trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, cực đoan, bất thường với tổng số 600 đợt thiên tai quy mô cấp quốc gia và khu vực. Tổng thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra trong năm 2019 trên thế giới khoảng 150 tỷ USD. Tại Việt Nam, thiên tai năm 2019 không diễn ra dồn dập và khốc liệt nhưng mang nhiều yếu tố cực đoan, dị thường trên khắp các vùng miền cả nước với 16/21 loại hình thiên tai, trong đó có 11 trận rủi ro thiên tai cấp độ 3: 8 cơn bão và 4 ATNĐ; ngoài ra còn có 222 trận dông, lốc sét; 10 trận lũ quét, sạt lở đất; 4 đợt rét đậm, rét hại; 13 đợt nắng nóng; 63 trận mưa lớn, ngập lụt; 13 trận động đất; triều cường, sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển tại nhiều khu vực ở đồng bằng sông Cửu Long… Thiệt hại do thiên tai năm 2019 đã được giảm thiểu tối đa, đặc biệt là về người: 133 người chết và mất tích. Tổng thiệt hại về kinh tế trên 7.000 tỷ đồng, đã giảm nhiều so với thiệt do thiên tai gây ra năm 2018 (ước tính gần 20.000 tỷ đồng).

Từ đầu năm 2020 đến nay, thiên tai tiếp tục diễn biến cực đoan, bất thường; trên cả nước đã xảy ra 7 đợt dông lốc, mưa đá diện rộng (nhiệt độ ngày 24/4 tại Hà Nội xuống 16,5 độ C, thấp nhất 50 năm gần đây); hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long; 11 trận động đất; sạt lở bờ sông, bờ biển, lún sụt diễn biến phức tạp tại đồng bằng sông Cửu Long. Tính đến hết tháng 4/2020, thiên tai đã làm 11 người chết, mất tích, trên 44.000 nhà bị sập đổ, hư hại, tốc mái; trên 100.000 ha lúa và hoa màu bị ảnh hưởng. Tổng thiệt hại về kinh tế gần 3.183 tỷ đồng.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, từ nay đến cuối năm 2020, xuất hiện khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông, trong đó có khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, bão tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía nam trong những tháng nửa cuối năm 2020; lũ tại các sông khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ ở mức BĐ1-2, trên các sông suối nhỏ có thể ở mức BĐ3, lũ sông Cửu Long muộn và ở mức BĐ1-BĐ2. Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn năm nay cũng đã tạo ra một lịch sử mới, khốc liệt hơn cả đợt hạn mặn lịch sử năm 2015-2016, cho thấy sự biến đổi thời tiết vô cùng phức tạp.

Điểm cầu tại tỉnh Thừa Thiên Huế - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, là tỉnh nằm ở miền Trung Việt Nam, nơi giao thoa giữa 2 miền Nam - Bắc nên hằng năm tỉnh Thừa Thiên Huế thường chịu ảnh hưởng của nhiều loại thiên tai; vì vậy công tác phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn được các cấp ủy Đảng, Chính quyền đặc biệt quan tâm. Hằng năm, các cấp đều xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai và xây dựng các kịch bản để chủ động ứng phó. Trong các năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương, tỉnh Thừa Thiên Huế đã lồng ghép, huy động mọi nguồn lực, các dự án, đề án, chương trình, như: chương trình Nông thôn mới, chương trình di dân vùng sạt lở, lũ quét; chương trình nâng cấp đê biển, chương trình nâng cấp hồ chứa, đặc biệt là dự án Vận hành hồ chứa nước trong tình huống khẩn cấp và quản lý lũ hiệu quả bằng hệ thống thông tin quản lý thiên tai toàn diện do JICA tài trợ để thực hiện vận hành các hồ chứa nước quan trọng đặc biệt, hồ chứa nước lớn và thực hiện Quy trình liên hồ chứa trên lưu vực sông Hương theo Quyết định số 1606/QĐ-TTg ngày 13/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ. 

Nhờ làm tốt công tác chuẩn bị, sự phối hợp nhịp nhàng của các cấp, các ngành và của người dân nên đã hạn chế được tối đa thiệt hại về bão lũ gây ra, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại tỉnh đã có những bước phát triển đáng kể, chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, địa phương đã thực hiện tốt “phương châm 4 tại chỗ” (chỉ huy, lực lượng, phương tiện, hậu cần) và đã phát huy thêm phương châm thứ năm đó là “tự quản tại chỗ” trong công tác phòng chống thiên tai, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội ngày càng bền vững.

Dưới tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển tại khu vực miền Trung nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng đang diễn biến rất phức tạp, bờ biển của tỉnh hiện còn hơn 30 km bị sạt lở nặng, trong đó có 10km bị sạt lở nghiêm trọng gây thiệt hại về cơ sở hạ tầng thiết yếu, cảnh quan, môi trường. Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đề nghị trong thời gian đến, Chính phủ, các bộ ngành Trương ương tiếp tục quan tâm hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên Huế và các tỉnh khu vực miền Trung đầu tư xử lý cấp bách các khu vực sạt lở bờ sông, bờ biển nhằm ổn định đời sống nhân dân, đảm bảo an toàn tàu thuyền ra vào cửa biển. Quan tâm bố trí chương trình, nguồn lực cho công tác phòng chống thiên tai, tương tự như Chương trình xây dựng nông thôn mới để thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Đồng thời đề nghị Trung ương tiếp tục quan tâm tăng cường hỗ trợ công tác dự báo, đặc biệt là dự báo mưa để chủ động trong điều tiết trong phục vụ sản xuất và phòng chống thiên tai.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, các bộ, ngành và địa phương đã tích cực, chủ động trong công tác này. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Thiên tai diễn biến ngày càng cực đoan, dị thường và trái quy luật, do vậy công tác phòng chống thiên tai là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục; Đảng, Nhà nước và các địa phương đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác này.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát, cập nhật hoàn thiện kịch bản, phương án ứng phó với thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; sẵn sàng vật tư, trang thiết bị, nhân lực để chủ động ứng phó kịp thời các tình huống thiên tai gây ra. Tập trung nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo, trong đó cần nâng cao năng lực đội ngũ  làm công tác phòng chống thiên tai các cấp, bổ sung các trạm quan trắc khí tượng thủy văn, hiện đại hóa công nghệ dự báo. Nâng cao năng lực tham mưu, chỉ đạo điều hành, hiệu lực, hiệu quả của hệ thống cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai tại các cấp; đầu tư cơ sở vật chất, hiện đại hóa trang thiết bị, công nghệ, cơ sở dữ liệu. Khẩn trương kiểm tra, rà soát đầu tư nâng cao khả năng chống chịu trước thiên tai của công trình kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hệ thống đê điều, hồ đập, khu tàu thuyền neo đậu tránh bão. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ; tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, nhất là quan trắc, giám sát, dự báo phục vụ sự chỉ đạo, ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.

 

 

Chi cục Thủy lợi
Các tin khác
Xem tin theo ngày