Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ

 

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.303.048
Truy câp hiện tại 4.341
Những khó khăn trong tiêu thụ nông sản và đề xuất một số giải pháp trong thời gian tới của tỉnh Thừa Thiên Huế trong điều kiện dịch Covid-19
Ngày cập nhật 18/06/2021

Tình hình sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, phần lớn các sản phẩm nông sản tỉnh Thừa Thiên Huế chủ yếu tiêu thụ nội địa nên ít chịu tác động tiêu cực, ứ đọng hàng hóa xuất khẩu do dịch bệnh Covid 19 gây ra.

Trong 6 tháng đầu năm, sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 16.196 tấn (tăng 35,6% so cùng kỳ), sản lượng trứng đạt khoảng 14,24 triệu quả (tăng 0,2%) so cùng kỳ). Sản lượng lúa ước đạt 188.8334  tấn (tăng 18.253 tấn). Diện tích cây lâu năm tương đối ổn định, trong đó cây ăn quả 3.213 ha (Bưởi Thanh trà 621 ha; Bưởi da xanh 385 ha; Cam 311 ha) và các loại cây khác: Hồ tiêu 275,4 ha, tăng 19,2 ha; Cao su 6.400 ha, giảm 750 ha. Sản lượng thủy sản ước đạt 29.941 tấn tăng 4,0% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng khai thác đạt 22.544 tấn, tăng 3,6%; sản lượng nuôi trồng đạt 7.397 tấn, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước.

Hiện nay, toàn tỉnh có 264 cơ sở sản xuất chế biến, sơ chế nông sản, thủy sản được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và một số cơ sở sơ chế nhỏ lẻ quy mô hộ cá thể chế biến các sản phẩm mắm, nem chả. Tổng sản lượng chế biến thực phẩm nông sản và thủy sản thuộc đối tượng quản lý trên địa bàn toàn tỉnh khoảng 3.400 tấn sản phẩm/năm. Các đơn vị chuyên môn kiểm tra thường xuyên, kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất; kiểm tra việc sử dụng chất cấm, chất độc hại trong sản xuất, chế biến; phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đẩy mạnh xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, tăng cường sử dụng vật tư nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Thực hiện lấy mẫu giám sát các chuỗi sản phẩm an toàn đã được xác nhận;  hậu kiểm đánh giá nguy cơ mất an toàn thực phẩm; kiểm tra, thanh tra các cơ sở về điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Giá thịt lợn hơi hiện nay đang ổn định khoảng trên dưới 70.000 - 75.000 đồng/kg, giá gà lông khoảng 60.000 đồng/kg, giá thịt bò khoảng 240.000 đồng/kg cơ bản phù hợp để cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh. Về thủy sản, hiện nay tỉnh Thừa Thiên Huế có Nhà máy tôm đông lạnh CP tại huyện Phong Điền có thể thu mua sản phẩm tôm chân trắng trong vùng, do vậy tình hình tiêu thụ tôm chân trắng vẫn đảm bảo. Đối với các vùng nuôi khác chủ yếu thu tỉa và tiêu thụ nội địa các loại thủy sản. Các tàu cá vẫn tiếp tục hoạt động sản xuất khai thác thác thủy sản hàng ngày tại các vùng nước nội địa. Giá cả các loại cá khai thác trên biển, đầm phá, sông hồ vẫn giữ nguyên. Tuy nhiên, một số loại như cá nục, cá ngừ tiêu thụ có chậm hơn và giá bán giảm từ 20-30% so với trước khi dịch bệnh xảy ra.

          Sản xuất nông sản trên địa bàn tỉnh chủ yếu tiêu thụ nội địa; một vài đơn vị gia công, xay xát, sản xuất gạo, lúa giống, tinh bột sắn cung cấp cho thị trường trong nước, không có đơn vị xuất khẩu gạo sang thị trường nước ngoài. Có 04 công ty xuất khẩu thủy sản Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam- Chi nhánh đông lạnh Thừa Thiên Huế, Công ty CP phát triển thủy sản Huế, Công ty CP xuất nhập khẩu Sông Hương, Công ty CP thủy sản Phú Thuận An chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm tôm, mực sushi xuất khẩu qua các thị trường EU, Nhật, Hàn Quốc, Argentina (giá trị xuất khẩu ước tính từ 55 - 60 triệu USD/năm) vẫn đang hoạt động, chủ yếu xử lý các đơn hàng tồn đọng.

Những khó khăn trong tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và đề xuất một số kiến nghị, giải pháp thời gian tới: (1) Diện tích các loại cây trồng trên địa bàn còn phân tán, nhỏ lẻ, diện tích canh tác bình quân trên hộ thấp nên khó hình thành vùng sản xuất tập trung theo quy mô lớn. Diện tích vùng nguyên liệu các sản phẩm nông sản đặc sản chậm phát triển do thiếu hụt nguồn cung giống tốt để trồng mới và thay thế như bưởi thanh trà, sen,….; thiếu nguồn cung nông sản đặc sản đầu vào tốt và ổn định; tổn thất sau thu hoạch còn lớn. (2) Các chuỗi nông sản đặc sản bước đầu đã được hình thành thu hút được người tiêu dùng quan tâm với sự tham gia của nhiều tác nhân nhưng thiếu tính hợp tác và liên kết bền vững. Chất lượng đặc sản vẫn còn thấp, không ổn định do không có sự kiểm soát nghiêm ngặt về nguyên liệu, qui trình sản xuất, phân loại, bảo quản, đóng gói, xây dựng thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ,…(3) Việc áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới vào trồng trọt và bảo vệ thực vật có hiệu quả còn hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng năng suất, chất lượng của các loại cây trồng.

Một số giải pháp trong tiêu thụ nông sản trong thời gian tới: (1) Tập trung mọi nguồn lực chỉ đạo sản xuất thắng lợi vụ Hè Thu 2021, góp phần thực hiện thành công kế hoạch năm 2021 mà UBND tỉnh giao cho ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cụ thể: sản lượng thóc đạt 328,3 nghìn tấn; lạc đạt 7,36 nghìn tấn…). (2) Chỉ đạo thực hiện một số chính sách khuyến khích phát triển sản suất nông nghiệp thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025. (3) Tăng cường công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo định kỳ, giám sát chặt chẽ đồng ruộng ngay từ đầu vụ; theo dõi diễn biến thời tiết, tình hình sinh trưởng phát triển của cây trồng; phối hợp với chính quyền địa phương chỉ đạo, hướng dẫn nông dân chủ động thực hiện các biện pháp quản lý và phòng trừ sinh vật gây hại kịp thời. (4) Đẩy mạnh áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP); đa dạng sản phẩm nông sản sản xuất theo hướng hữu cơ; phát triển thương hiệu một số sản phẩm trồng trọt chủ lực và nông sản đặc sản (bưởi thanh trà, sen Huế, bò vàng A Lưới, cá dìa…). Tiếp tục chỉ đạo thực hiện các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất trồng trọt; các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất, hiệu quả. (5) Nhân rộng và phát triển hình thức liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản, thủy sản theo chuỗi thông qua hợp đồng mà doanh nghiệp giữ vai trò hạt nhân cung ứng đầu vào sản xuất và thu mua cho nông dân. Tăng cường sự liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi dựa trên sự liên kết theo chiều dọc giữa các nhóm hộ - công ty – hệ thống bán lẻ (siêu thị, cửa hàng,…). (6) Tăng cường kiểm tra việc sản xuất kinh doanh phân bón, giống; phát hiện, xử lý kịp thời những trường hợp kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, các loại phân bón không rõ nguồn gốc, giống kém chất lượng./.

 

Nguyễn Phước Thọ
Các tin khác
Xem tin theo ngày