Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ

 

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.297.323
Truy câp hiện tại 1.255
ĐẨY MẠNH KỶ CƯƠNG, KỶ LUẬT HÀNH CHÍNH VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ, HIỆU LỰC HOẠT ĐỘNG BỘ MÁY QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Ngày cập nhật 05/02/2023

Từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn nhấn mạnh và đề cao việc giữ vững kỷ luật, kỷ cương. Trong Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 1930) quy định: “Bất cứ về vấn đề nào đảng viên đều phải hết sức thảo luận và phát biểu ý kiến, khi đa số đã nghị quyết thì tất cả đảng viên phải phục tùng mà thi hành”. Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam do Đại hội XI của Đảng thông qua khẳng định: “Đảng là một tổ chức chặt chẽ thống nhất ý chí và hành động”, và “Đảng viên có nhiệm vụ: 1. Tuyệt đối trung thành với mục đích lý tưởng cách mạng của Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước”. Nhờ sự gương mẫu, tự giác, tuyệt đối chấp hành kỷ luật của đội ngũ đảng viên, mà Đảng ta đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành những thắng lợi to lớn, vẻ vang.

Sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập, ngày 26/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Quốc lệnh quy định về 10 điểm thưởng, 10 điểm phạt. Quốc lệnh khẳng định, giữ vững kỷ cương, kỷ luật là vấn đề trọng đại, liên quan đến vận mệnh quốc gia, dân tộc: “Trong một nước thưởng phạt phải nghiêm minh thì nhân dân mới yên ổn, kháng chiến mới thắng lợi, kiến quốc mới thành công”. Kế thừa và phát triển tư tưởng đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật (Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định, thông tư, chỉ thị) quy định về các biện pháp xử lý hình sự, hành chính, kinh tế, dân sự, kỷ luật để bảo đảm giữ vững kỷ luật, kỷ cương xã hội nói chung; trong công tác lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện chủ trương, luật pháp, chính sách, thực thi công vụ nói riêng để vừa giữ vững kỷ luật, kỷ cương, vừa không ngừng mở rộng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa. Trong lĩnh vực công vụ, công chức, Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và Luật Viên chức năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) cũng đã quy định tăng thời hiệu xử lý đối với tính chất của từng loại hành vi vi phạm gắn với hậu quả pháp lý mà cán bộ, công chức phải gánh chịu; bổ sung quy định không tính thời hạn giải quyết các vụ việc theo thủ tục tố tụng vào thời gian để xác định thời hiệu và quy định xóa tư cách chức vụ đối với người có vi phạm trong thời gian công tác nhưng đã thôi việc, nghỉ hưu.

Khẳng định tính chất và tầm quan trọng của vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 5/9/2016 “Về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp”. Chỉ thị nêu rõ, việc chấp hành sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ của một số cơ quan chưa nghiêm... Công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chưa được quan tâm đúng mức, việc phát hiện vi phạm, xác định trách nhiệm và xử lý chưa kịp thời, chưa nghiêm. Công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý của nhiều bộ, cơ quan, địa phương về kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa được quan tâm đúng mức... đã ảnh hưởng đến kỷ luật, kỷ cương nền hành chính, ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân và doanh nghiệp, tác động xấu đến kỷ cương xã hội, cần được kiểm điểm nghiêm khắc, rút kinh nghiệm và khẩn trương khắc phục.

Trên cơ sở chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các sở, ban, ngành cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian qua đã có sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của người đứng đầu và cán bộ, công chức, viên chức; các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đã tích cực chỉ đạo, quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các Chỉ thị của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về chấn chỉnh và tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ trong cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh. Từ đó, tạo được bước chuyển biến tích cực về nhận thức, nâng cao tinh thần trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật, kỷ cương hành chính trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Tuy vậy, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như sau:

- Việc quán triệt và tổ chức thực hiện các văn bản của nhà nước về kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp của một số cơ quan, đơn vị còn hình thức và thiếu thường xuyên. Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương chưa kịp thời bổ sung các nội dung theo các văn bản vào quy chế làm việc của cơ quan. Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa trở thành một nếp sống thường xuyên của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Ý thức chấp hành nội quy, quy chế làm việc của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa thật sự nghiêm túc; vẫn còn tình trạng đi muộn, về sớm, sử dụng thời gian làm việc vào việc riêng. Việc đeo thẻ cán bộ, công chức, viên chức trong giờ làm việc tại công sở có nơi, có lúc còn thiếu thường xuyên. Vẫn còn hiện tượng cán bộ, công chức, viên chức hút thuốc lá không đúng nơi quy định.

- Việc phân công công việc cho cán bộ, công chức, viên chức của một số cơ quan, đơn vị còn chung chung, thiếu kiểm tra, đôn đốc nên hiệu quả công việc chưa cao. Năng lực, phẩm chất, trách nhiệm và ý thức phục vụ nhân dân của số ít cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. Tính chủ động trong công tác tham mưu triển khai công việc tại một số đơn vị chưa cao. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa được duy trì thường xuyên, chưa thật sự quyết liệt; còn tình trạng nể nang, né tránh, bao che, không báo cáo cấp trên những hành vi vi phạm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức do mình quản lý vẫn còn diễn ra và chưa có biện pháp mạnh để xử lý những trường hợp vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính, số người vi phạm bị xử lý kỷ luật vẫn còn thấp…

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên và tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh trong năm 2023, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có Công văn số 734/UBND-NV ngày 02/02/2023 về việc đẩy mạnh kỷ cương, kỷ luật hành chính và nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động bộ máy quản lý nhà nước. Qua đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt một số nội dung sau:

1. Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện các quy định của Đảng và Nhà nước về chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính. Tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp; Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 02/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030; Chỉ thị số 07-CT/TU ngày 25/4/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong Đảng và cơ quan hành chính Nhà nước; Chỉ thị số 26/CT-UBND ngày 25/12/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động bộ máy quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh; các Quyết định của UBND tỉnh: Quyết định số 48/2018/QĐ-UBND ngày 31/8/2018 ban hành Quy định về Quy tắc ứng xử; Quyết định số 22/2019/QĐ-UBND ngày 16/02/2019 về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định số 48/2018/QĐ-UBND ngày 31/8/2018; Quyết định số 2022/QĐ-UBND ngày 22/8/2022 của UBND tỉnh quy định về thời gian làm việc hành chính trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

2. Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm đạo đức công vụ và văn hóa công sở. Nâng cao tính tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ.

3. Nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành quy chế, quy trình làm việc nội bộ, chương trình, kế hoạch công tác của cơ quan, đơn vị và của từng cá nhân để đảm bảo triển khai đầy đủ, kịp thời nhiệm vụ được giao; quy định rõ thẩm quyền trách nhiệm trong thực hiện, phối hợp thực hiện nhiệm vụ của từng tổ chức, cá nhân và định kỳ hàng tháng, cuối năm có đánh giá, phân loại rõ kết quả thực hiện. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ tốt cho công tác quản lý, điều hành và thực hiện nhiệm vụ, công vụ; giảm hội họp, thời gian giải quyết công việc.

4. Nâng cao chất lượng hiệu quả các cuộc thanh tra, kiểm tra. Tăng cường thanh tra công vụ và kiểm tra đột xuất việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính. Tập trung kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu trong việc triển khai thực hiện các quy định về kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan, đơn vị trực thuộc, kiểm tra những vấn đề đang được dư luận quan tâm như: Đạo đức nghề nghiệp, văn hóa công sở, quy tắc giao tiếp ứng xử nơi công sở, việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân.

5. Thực hiện đồng bộ các biện pháp đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, loại bỏ những TTHC gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, các Trung tâm Hành chính công cấp huyện và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã. Kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà trong giải quyết công việc cho tổ chức, cá nhân. Xử lý nghiêm việc chậm trễ trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đặc biệt là các vấn đề xã hội quan tâm.

6. Khắc phục kịp thời các tồn tại, hạn chế đã được các đoàn kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính chỉ ra. Đồng thời, tăng cường kiểm tra việc thực hiện các kết luận kiểm tra tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc, cán bộ, công chức, viên chức và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Xem nội dung Công văn số 734/UBND-NV tại tập tin đính kèm./.

Tập tin đính kèm:
TÔN THẤT NIỆM - VPS
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày