Trong các công nghệ cao được ứng dụng vào nuôi trồng thủy sản thì công nghệ giám sát, quản lý môi trường vùng nuôi tự động là một trong những hướng đi được tập trung nghiên cứu và phát triển tuy nhiên, kinh phí để đầu tư ban đầu cho công nghệ là khá lớn khiến cho các hộ nuôi trồng thủy sản chưa mạnh dạn đầu tư.
Với mục đích hỗ trợ người nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ giám sát, quản lý môi trường vùng nuôi tự động, năm 2023 từ nguồn kinh phí sự nghiệp Trung tâm Khuyến nông đã triển khai thực hiện mô hình “Thử nghiệm ao nuôi tôm thẻ thông minh ứng dụng công nghệ IoT và trí tuệ nhân tạo trong giám sát và tương tác tự động”. Mô hình được thực hiện với quy mô 0,3 ha cho 01 hộ tại xã Điền Hương, huyện Phong Điền, thời gian thực hiện từ tháng 6 đến tháng 12 năm 2023.
Trung tâm Khuyến nông đã hỗ trợ cho hộ thực hiện: 01 hệ thống tủ điều khiển các thiết bị + tủ điện nguồn (IP67), 01 bộ đọc cảm biến ORP + cảm biến đo ORP, 01 bộ đọc cảm biến pH, Oxy + cảm biến đo pH, Oxy; 01 sim dịch vụ 4G (1 năm); 01 hệ thống phần mềm kết nối trung tâm (App, Gateway ..). Hộ dân đối ứng kinh phí để mua thiết bị vệ sinh cảm biến và chi trả chi phí vận chuyển, lắp đặt, hướng dẫn sử dụng. Hệ thống quan trắc tự động đã được lắp đặt bàn giao để đưa vào sử dụng vào ngày 28/8/2023. Giống tôm thẻ, thức ăn hóa chất để thực hiện mô hình nuôi do người dân tự đối ứng 100%.
Sau 6 tháng thực hiện mô hình, hệ thống quan trắc tự động đã được lắp đặt hoàn chỉnh và vận hành hiệu quả. Hệ thống đã giúp quan trắc tự động các chỉ số môi trường như: DO (oxy hòa tan), pH, t0, ORP (chỉ số oxy hóa khử) của ao nuôi. Các chỉ số quan trắc có thể được theo dõi thông qua trang web trên máy tính và trên ứng dụng trên điện thoại giúp người nuôi có thể thuận tiện trong việc quản lý các yếu tố môi trường từ xa từ đó có thể phát hiện sớm sự thay đổi bất lợi các yếu tố môi trường và đưa ra các biện pháp điều chỉnh kịp thời giúp tôm nuôi sinh trưởng và phát triển tốt. Kết quả nuôi tôm thẻ: tỉ lệ sống 65%, trọng lượng: 50 con/kg, sản lượng 3.900 kg, năng suất: 13 tấn/ha, đều đạt và vượt yêu cầu mô hình đề ra.
Để phát triển và nhân rộng mô hình trong thời gian tới cần tiếp tục nâng cấp các tính năng ứng dụng để có thể cảnh báo và đưa ra các điều chỉnh kịp thời khi các yếu tố môi trường vượt ngưỡng, tăng thêm các chỉ tiêu quan trắc nhất là các chỉ tiêu về khí độc; Tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho các người nuôi có nhu cầu phát triển các hệ thống quan trắc tự động ứng dụng công nghệ IoT và trí tuệ nhân tạo trong giám sát và tương tác tự động; Các hộ thực hiện mô hình cần tích cực hơn trong việc đầu tư và tranh thủ các nguồn lực để ứng dụng công nghệ cao vào nuôi trồng thủy sản./.