Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ

 

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.415.083
Truy câp hiện tại 3.233
Cơ giới hóa chế biến rơm cuộn làm thức ăn vỗ béo bò tại tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 18/12/2023

Rơm rạ được xem nguồn thức ăn thô khô chính để nuôi trâu bò, đặc biệt là trong mùa đông. Hiện nay rơm được thu gom bằng máy nên sản lượng thu được rất lớn và thuận tiện cho việc dự trữ để sử dụng quanh năm. Tuy nhiên, trong thời gian qua người dân mới chỉ dùng rơm cuộn ở dạng nguyên để nuôi bò nên hiệu quả đem lại chưa cao.

Đặc điểm của rơm rạ là khô, kềnh càng và chất lượng dinh dưỡng thấp, có thành phần Silic cao (12-16%) là nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ tiêu hóa kém, nếu cho ăn rơm rạ chưa qua chế biến sẽ hạn chế khả năng ăn vào của gia súc. Vì vậy để sử dụng rơm rạ có hiệu quả trong chăn nuôi trâu bò cần phải chế biến với nhiều cách khác nhau nhằm để tăng khả năng ăn vào, tăng dinh dưỡng và tăng khả năng tiêu hóa.

Nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng rơm trong chăn nuôi, năm 2023 Trung tâm Khuyến nông xây dựng mô hình chế biến rơm cuộn (phối trộn với các thành phần khác) để làm thức ăn vỗ béo cho bò. Mô hình được triển khai tại trang trại nuôi bò ở xã Phong Hiền, huyện Phong Điền.

Công nghệ áp dụng vào mô hình là sử dụng máy xay rơm cuộn và cối trộn thức ăn có dung tích 3,5m3. Các nguyên liệu đưa vào phối trộn gồm rơm, bã bia, bã sắn, cám gạo, rỉ mật, cám công nghiệp, muối…Khối lượng nguyên liệu cho 1 mẻ trộn từ 400-500kg, thời gian hoàn thành 1 mẻ trộn từ 40-45 phút. Giá thành thức ăn hỗn hợp sau phối trộn là 2.300 đồng/kg.

Hỗn hợp thức ăn sau chế biến có đặc điểm mềm và ẩm, có mùi thơm dễ chịu, kích thích khả năng ăn vào của bò so với chưa qua chế biến. Kết quả tăng trọng bò đạt 800-900g/ngày và cho lợi nhuận đạt 1,5 triệu/con sau 3 tháng nuôi.

Tại hội nghị tổng kết và tham quan mô hình, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT đã đánh giá cao kết quả đạt được, mô hình góp phần thực hiện chủ trương hiện nay của ngành nông nghiệp và PTNT như đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp tuần hoàn. Mô hình chế biến rơm cuộn góp phần phát triển chăn nuôi trâu bò theo hướng thâm canh và phát triển tổng đàn trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, thông qua việc sử dụng rơm cuộn làm thức ăn cho trâu bò sẽ góp phần hạn chế tình trạng đốt rơm trên đồng gây ra nhiều hệ lụy và lãng phí. Để mô hình được nhân rộng và phù hợp với thực tiễn, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị Trung tâm Khuyến nông và các đơn vị trong ngành cần tuyên truyền, khảo sát, đánh giá nhu cầu, đồng thời lựa chọn ứng dụng công nghệ chế biến rơm phù hợp chăn nuôi quy mô nông hộ hiện nay./.

Các tin khác
Xem tin theo ngày