Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ

 

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.392.602
Truy câp hiện tại 2.425
Tình hình thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP
Ngày cập nhật 21/04/2015

I. Kết quả thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP
1. Kết quả triển khai
Ngay sau khi Nghị định được ban hành, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp với các ban ngành liên quan và UBND huyện Phú Vang, Phú Lộc tích cực triển khai thực hiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin báo cáo kết quả như sau:
 

- Tổ chức 05 Hội nghị tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản cho ngư dân các xã trọng điểm có tàu cá xa bờ, trong có Hội nghị triển khai tại UBND tỉnh.
- Rà soát, đánh giá cơ sở hạ tầng cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão, các cơ sở đóng, sửa chữa tàu cá; hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản, sản xuất giống thủy sản làm cơ sở để đầu tư năm 2015-2020.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn cho chính quyền cấp huyện, cấp xã và ngư dân triển khai Nghị định số 67/2014/NĐ-CP: Hướng dẫn Trình tự, thủ tục và hồ sơ để thực hiện chính sách; điều kiện vay và tổ chức thẩm định.
- UBND Tỉnh quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, xây dựng quy chế làm việc, kế hoạch triển khai thực hiện; thành lập tổ thẩm định, tổ giúp việc cho Ban chỉ đạo UBND Tỉnh.
- Đến nay đã có tổng số 103 cá nhân có đơn đăng ký tham gia đóng mới, nâng cấp tàu cá. Trong đó, đóng mới 48 chiếc (3 cá nhân xin đóng tàu vỏ thép) và 55 cá nhân xin nâng cấp cải hoán tàu cá (Thừa Thiên Huế được phân bổ 45 chiếc).
- UBND tỉnh công bố 02 cơ sở đóng tàu đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá vỏ gỗ có tổng công suất máy chính từ 400 cv trở lên theo Thông tư 26/2014/TT-BNN.
- UBND tỉnh phê duyệt danh sách 24 tàu dịch vụ khai thác hải sản thường xuyên hoạt động dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ có tổng công suất máy từ 400 CV trở lên (Quyết định 2483/QĐ-UBND ngày 24/1/2014). Các tàu này đang hoạt động dịch vụ, bắt đầu thực hiện quy trình hỗ trợ theo quy định.
- Đã tổ chức 03 chủ tàu đến các tỉnh Thái Bình, Nam Định và thành phố Hải Phòng tham quan mô hình tàu vỏ thép và ký hợp đồng nguyên tắc với đơn vị đóng tàu vỏ thép.
- Đến nay, UBND tỉnh phê duyệt danh sách 05 cá nhân tham gia chính sách tín dụng theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ (Quyết định 2484/QĐ-UBND ngày 24/11/2014 - đợt 1/2014, Quyết định 2763/QĐ-UBND ngày 29/12/2014– đợt 2/2014, Quyết định 540/QĐ-UBND ngày 18/3/2015 – đợt 1/2015).
Kết quả giải ngân
Có 05 trường hợp các Ngân hàng thương mại cam kết cho vay: 16.558.000.000 đồng. Trong đó, chỉ mới giải ngân 6.4 tỷ cho 02 trường hợp (01 chiếc đã hạ thủy và 01 gần gần hoàn thiện), số còn lại hơn 10 tỷ của 03 trường hợp đang hoàn thiện hồ sơ và chuẩn bị giải ngân để vay đóng mới.
- Có 07 tàu cá xa bờ tham gia bảo hiểm tai nạn thuyền viên, bảo hiểm thân tàu. Hiện Sở đang tiếp nhận hồ sơ từ  Công ty Bảo Việt Thừa Thiên Huế và phối hợp với Sở Tài chính báo cáo UBND Tỉnh phê duyệt chi trả phí bảo hiểm cho theo quy định của Nghị định 67/2014/NĐ-CP.
2. Đánh giá chung
Thừa Thiên Huế là tỉnh phê duyệt danh sách tàu cá tham gia tín dụng thứ hai (sau Quảng Ngãi), nhưng là tỉnh có tàu cá trong cả nước đầu tiên được Ngân hàng giải ngân. Ngoài ra, là tỉnh đầu tiên công nhận cơ sở đóng tàu đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá vỏ gỗ; phê duyệt danh sách tàu dịch vụ khai thác hải sản thường xuyên hoạt động dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ.
Sở dĩ đạt được kết quả bước đầu khả quan như trên do có sự quan tâm của UBND tỉnh, triển khai quyết liệt của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các đơn vị liên quan, có cách tiếp cận phù hợp, cụ thể:
- Tại điểm quy định về đối tượng “Tổ chức, cá nhân đặt hàng đóng mới tàu, nâng cấp tàu…”. Trong lúc các tỉnh bạn theo số lượng bằng tổ chức cho dân nộp đơn đăng ký, thì Thừa Thiên Huế nhanh chóng rà soát, hỗ trợ cơ sở đóng tàu, ra quyết định công nhận cơ sở đóng tàu đạt chuẩn (dù chỉ 01 cơ sở), tạo điều kiện cho các chủ tàu và cơ sở đóng tàu có ngay đơn hàng đóng mới, kịp thời nộp Phương án sản xuất cho Hội đồng thẩm định cấp huyện và các Ngân hàng thương mại thẩm định cho vay vốn sớm.
- Chủ động hướng dẫn các điều kiện vay (nghề cá có hiệu quả, có khả năng tài chính, có phương án sản xuất kinh doanh) và các thức tổ chức thẩm định.
- Phối hợp với các Ngân hàng thương mại tiếp cận các chủ tàu có tiềm năng làm điểm.
- Phương án Ngân hàng thương mại thẩm định hồ sơ cho vay vốn cùng thời điểm cấp huyện thẩm định phương án sản xuất là phù hợp. Kết quả cho thấy, ngay sau khi UBND Tỉnh phê duyệt danh sách, việc hợp đồng với ngân hàng và giải ngân cho vay nhanh chóng.
3. Những hạn chế, khó khăn
- Tiềm lực tài chính trong dân của tỉnh Thừa Thiên Huế có hạn, nên sau khi có thông tin bắt buộc đầu tư máy thủy mới (tức là suất đầu tư tăng cao, nếu sử dụng máy mới loại tốt của Nhật, Mỹ...), nhiều chủ tàu đã có dấu hiệu chững lại, chờ đợi thêm thông tin, chưa quyết định đầu tư như dự kiến ban đầu.
- Cơ sở đóng sửa tàu cá tại Thừa Thiên Huế đang còn hạn chế, trong 5 cơ sở hiện có, mới chỉ 02 cơ sở đạt chuẩn đóng sửa tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP; do đó các tàu được phê duyệt có thể phải đóng ở tỉnh khác, gây khó khăn trong quản lý và tốn kém cho ngư dân.
- Một số Ngân hàng thương mại còn cứng nhắc xác định vốn đối ứng của chủ tàu phải bằng tiền trong tài khoản. Trong lúc đó, ngư dân trong thực hiện kế hoạch phát triển tàu cá của mình, thường mua sắm từng bước, như: đã mua gỗ cho phần vỏ chính, vàng lưới, bộ máy chính. Do lần đầu tiên thẩm định cho vay đóng tàu nên một số ngân hàng còn lúng túng trong việc giải ngân.
- Chưa triển khai được tàu cá vỏ thép: do chưa có mô hình tàu cá vỏ thép trong thực tế ở địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, nên phát triển tàu cá vỏ thép có khó khăn.
- Công ty Bảo hiểm Bảo Việt triển khai bán bảo hiểm cho ngư dân chậm nên ngư dân chưa hưởng chính sách bảo hiểm.
II. Kế hoạch thực hiện Nghị định trong thời gian tiếp theo
1. Triển khai chính sách đầu tư hạ tầng
Cơ sở hạ tầng nghề cá trong thời gian đến được xác định là mũi đột phá trong phát triển thủy sản. Triển khai đầu tư một số công trình hạ tầng mới và nâng cấp:
- Khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão kết hợp mở rộng cảng cá Thuận An.
- Tiếp tục hoàn thiện khu neo đậu tránh trú bão Lộc Trì.
- Nạo vét khu vực cảng cá Thuận An và Tư Hiền.
Ngoài ra, cũng chú trọng đầu tư một số công trình hạ tầng cơ sở vùng nuôi tập trung tại các huyện Phong Điền, Phú Vang.
2. Triển khai chính sách tín dụng:
- Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị định, cập nhật các văn bản mới trên Website của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các cơ quan báo, đài của tỉnh và địa phương; hướng dẫn các chủ tàu trình tự thủ tục đóng mới tàu vỏ thép.
- Tuyên truyền cho bà con ngư dân mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ mới trong khai thác (hầm bảo quản, máy dò ngang, đèn led tiết kiệm năng lượng), đặt biệt là triển khai Quyết định 68 về giảm tổn thất trong nông nghiệp.
- Hướng dẫn ngư dân kỹ thuật khai thác, sử dụng các máy móc, công nghệ bảo quản; tổ chức đào tạo vận hành tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới; tổ chức sản xuất theo tổ đội gắn với dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển; cung cấp thông tin dự báo ngư trường kịp thời cho ngư dân.
- Phối hợp với UBND huyện, Ngân hàng, Bảo hiểm hướng dẫn các thủ tục cho ngư dân  đơn giản nhất, tháo gỡ khó khăn, giảm thời gian trong quá trình thẩm định, giải ngân.
- Tiếp tục hỗ trợ các cơ sở đóng tàu đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá vỏ gỗ có tổng công suất máy chính từ 400 cv trở lên theo Thông tư 26/2014/TT-BNN.
III. Các kiến nghị đề xuất:
Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Tham mưu Chính phủ ưu tiên nguồn vốn bố trí đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu của cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, hạ tầng vùng nuôi, vùng sản xuất giống tập trung.
Đề nghị UBND Tỉnh:
- Ngoài ngân sách Trung ương đầu tư cho Cảng cá Thuận An mở rộng, hạ tầng vùng nuôi tôm thẻ chân trắng ở Phong Hải, Phong Điền; UBND Tỉnh ưu tiên dành ngân sách đầu tư nâng cấp, nạo vét ở cảng cá Thuận An, khu neo đậu Phú Hải, cửa Tư Hiền, đặc biệt luồng trong đầm phá trước chợ Vinh Hiền ra Đầm Cầu Hai.
- Đầu tư hạ tầng vùng nuôi tập trung, đồng thời huy động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân cùng với nhà nước đầu tư hạ tầng vùng nuôi tập trung theo hình thức công-tư.
- Có chính sách cấp đất, hỗ trợ vốn cho việc phát triển cơ sở đóng sửa tàu thuyền đánh cá cỡ lớn tại Phú Lộc.

Các tin khác
Xem tin theo ngày