Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ

 

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.330.648
Truy câp hiện tại 21.139
Giải pháp hạn chế sử dụng thuốc Bảo vệ thực vật trong trồng rau
Ngày cập nhật 23/04/2015

Rau là thành phần không thể thiếu trong bữa ăn hằng ngày của người Việt Nam. Thời gian qua, nghành trồng rau tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những bước tiến đáng kể về năng suất và chất lượng. Tuy nhiên, việc dùng thuốc bảo vệ thực vật quá liều, dư lượng thuốc hóa học, đặc biệt là thuốc trừ sâu trong rau là điều trăn trở và đáng quan tâm của người làm công tác quản lý cũng như người tiêu dùng hiện nay.

Đa số các vùng trồng rau tại các huyện Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền đã xuất hiện từ lâu đời, hoạt động sản xuất chủ yếu theo kinh nghiệm, kiến thức kỹ thuật, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật còn nhiều hạn chế. Chính vì thế cũng chưa được người nông dân quan tâm đúng mức. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng cách không chỉ gây lãng phí cho người nông dân mà còn mang đến những tác hại về sức khỏe, ô nhiễm môi trường và không đạt hiệu quả phòng trừ bệnh như mong muốn. Ở nhiều vùng trồng rau, thời gian cách ly sau khi phun thuốc hầu như không đảm bảo và tùy thuộc vào tâm lý của người trồng rau, tức là muốn cách ly bao lâu thì thực hiện như vậy.  
Theo báo cáo của Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản tại Hội nghị trực tuyến về An toàn thực phẩm ngày 06/02/2015 về chỉ tiêu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau, trên toàn quốc tỷ lệ mẫu rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật luôn ở mức cao (5,34%), chứa nhiều nguy cơ không đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, kết quả phân tích các chỉ tiêu an toàn thực phẩm trong rau chưa phát hiện trường hợp tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (Số liệu 2012-2014). Đây là tín hiệu tốt so với thực trạng chung của cả nước, tuy nhiên, do kinh phí giám sát còn nhiều hạn chế, việc lấy mẫu chỉ mang tính đại diện, số lượng rất ít nên không đảm bảo đánh giá chính xác tình hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại địa phương. Mặc khác, rau là thực phẩm được tiêu thụ nhanh chóng trong ngày nên việc giám sát an toàn thực phẩm trước khi đưa ra thị trường bằng hình thức kiểm nghiệm vẫn đang tồn tại nhiều hạn chế nhất định.
Để đạt hiệu quả đảm bảo an toàn thực phẩm đối với sản phẩm rau, giải pháp được ưu tiên thực hiện và mang tính khả thi cao là: đảm bảo an toàn thực phẩm ngay trong khâu sản xuất, trồng trọt nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng và an toàn. Giải pháp này mang tính phòng ngừa nguy cơ ngay trên đồng ruộng. Người nông dân ngoài tuân thủ việc sử dụng hóa chất BVTV theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và đúng cách) còn phải biết tìm hiểu các kiến thức kỹ thuật mới; sử dụng phân bón hợp lý, cân đối; tăng cường tỷ lệ phân vi sinh và phân hữu cơ; không sử dụng phân gia súc gia cầm tươi hoặc phân rác chưa ủ hoai để bón cho rau; thu gom và tiêu hủy tàn dư cây trồng sau mỗi vụ thu hoạch để cắt cầu nối của dịch hại giữa các vụ gieo trồng; tuyệt đối không vứt bao bì thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi trên đồng ruộng…
Để hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm chi phí sản xuất, người nông dân có thể áp dụng một số biện pháp sau:
1. Đa dạng hoá chủng loại rau:
Việc đa dạng hoá các loại rau – luân phiên thay đổi chủng loại trong các năm, là một trong những biện pháp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đặc biệt là hạn chế được việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Vì kẻ thù của cây rau (sâu, động vật ký sinh…) sẽ biến mất trước khi loài rau yêu thích được gieo trở lại, bởi loài rau ấy không được gieo trồng quá lâu nên sâu bọ không có điều kiện sinh sôi, phát tán rộng.
2. Định hướng chọn loại rau:
Trong tự nhiên, một số loài rau có khả năng chống chịu tốt với sâu, bệnh. Giải pháp này tỏ ra rất hiệu quả trong trường hợp muốn hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và không quá đặt nặng mục tiêu đạt sản lượng cao, khá phù hợp với quy mô sản xuất nhỏ lẻ ở địa bàn tỉnh ta. Khi đó, người nông dân có xu hướng lựa chọn những giống rau ít bị sâu bệnh, thu hoạch ngắn ngày để bổ sung vào nguồn thu nhập từ nông nghiệp của mình.
3. Diệt cỏ dại tận gốc:
Thường chúng ta diệt cỏ chỉ xới trên mặt hoặc phun thuốc, nhổ bằng tay… Tuy nhiên, cỏ có hệ rễ rất phát triển, có khả năng tái sinh rất nhanh, với phần rễ củ còn lại, dù là ít hoặc bị tổn thương. Cỏ dại lại là môi trường tốt để sâu bệnh phát triển. Chính vì vậy, trước khi trồng, phải diệt cỏ tận gốc, moi cả rễ…. nhằm ngăn cỏ dại tranh chất dinh dưỡng của cây rau…
4. Tăng cường công tác dự tính dự báo:
Một số bệnh phát sinh, phát triển và nhanh chóng phá hoại rau ngay khi vừa xuất hiện. Do đó, cần phun thuốc kịp thời khi thời tiết có dấu hiệu thuận lợi cho sự phát triển của mầm bệnh. Tiến tới dự báo tình hình sâu, bệnh thông qua hệ thống mô hình hoá rủi ro có tính đến những dữ liệu cụ thể (giống cây, đặc điểm thời tiết của địa phương, thời điểm gieo trồng và nảy mầm, tưới tiêu…) cho phép giảm đáng kể lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng.
5. Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng :
Khi sâu, bệnh đã đến ngưỡng phải phun trừ, bà con nông dân phải tuân thủ theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn, sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng: Đúng thuốc, Đúng liều lượng và nồng độ, Đúng lúc, Đúng cách.
Ngoài ra, trong việc lựa chọn thuốc, bà con có thể ưu tiên lựa chọn các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc vi sinh để hạn chế tồn dư, bảo đảm an toàn đối với thực phẩm
Như vậy, muốn đạt được mục tiêu đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất rau, đồng thời hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thì người nông dân là nhân tố quyết định quan trọng từ các khâu chọn giống, canh tác đến thu hoạch. Việc hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng rau nếu được thực hiện sâu rộng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế và đảm bảo hài hòa với yếu tố an toàn thực phẩm./.
 

Chi cục Quản lý chất lượng NLS và TS
Các tin khác
Xem tin theo ngày