Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ

 

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.392.602
Truy câp hiện tại 933
Thiên tai bất thường và khốc liệt
Ngày cập nhật 29/12/2017

       (Bài viết của đ/c Trần Quang Hoài, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai đăng trên phongchongthientai.vn): 

   Theo Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn T.Ư, năm 2017, cả nước đã xảy ra 16 cơn bão và sáu áp thấp nhiệt đới (ATNÐ), trong đó có năm cơn bão và ba ATNÐ đổ bộ trực tiếp vào nước ta, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản và cơ sở hạ tầng, làm ảnh hưởng đời sống, môi trường sản xuất, kinh doanh, mục tiêu xoá đói, giảm nghèo và chỉ số tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, thời gian tới, cần có chương trình kiểm soát an toàn thiên tai, với mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.

Kỷ lục mưa lớn, bão mạnh

Bất thường và khốc liệt của mùa mưa, lũ năm nay thể hiện ở việc bão và ATNÐ chia đều cho cả ba miền bắc - trung - nam, thậm chí chỉ còn mấy ngày nữa là bước sang năm mới 2018, trên Biển Ðông vẫn còn xuất hiện thêm hai cơn bão số 15 và 16. Ðáng chú ý, cơn bão số 16, trái quy luật, tốc độ di chuyển rất nhanh trên biển và có phạm vi ảnh hưởng rộng lại xảy ra vào dịp cuối năm, thời điểm ít khi có bão mạnh. Năm 2017 đã xảy ra lũ đặc biệt lớn, xấp xỉ mức lịch sử vào đầu tháng 11 sau bão số 12 tại các tỉnh miền trung, trên sông Bồ (Thừa Thiên - Huế), sông Thu Bồn (Quảng Nam) và sông Vệ (Quảng Ngãi), đã gây ngập sâu tại TP Huế và TP Hội An đúng vào Tuần lễ cấp cao APEC. Tại các tỉnh miền núi phía bắc, lũ quét, sạt lở đất trên diện rộng từ ngày 2 đến 4-8 và từ ngày 10 đến 12-10, trong đó đặc biệt nghiêm trọng tại Mường La (Sơn La), Mù Cang Chải (Yên Bái) và các huyện Tân Lạc, Ðà Bắc, TP Hòa Bình (Hòa Bình). Ngoài ra, mưa lớn trái mùa giữa tháng 10 đã làm lưu lượng nước đổ về các hồ tăng cao đột ngột, có thời điểm đổ về hồ Hòa Bình đến 15.940m3/giây, trong khi các hồ chứa đã tích đầy nước theo quy trình. Và lần đầu sau nhiều năm, hồ Hòa Bình đã phải xả tám cửa đáy với lưu lượng xả lớn nhất là 16.520m3/giây. Mưa lớn đã gây đợt lũ ở mức lịch sử tại một số sông thuộc các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, làm ngập lụt diện rộng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn hệ thống đê điều trong khu vực.

Tình trạng sạt lở không chỉ diễn ra ở các tỉnh miền núi mà tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, sạt lở bờ sông, bờ biển cũng xảy ra nghiêm trọng, uy hiếp trực tiếp tính mạng và tài sản của nhân dân. Theo thống kê sơ bộ, toàn vùng đã có 562 điểm sạt lở, tổng chiều dài hơn 786 km và làm mất đi khoảng 300ha đất/năm, trong đó, đặc biệt nghiêm trọng là tình trạng sạt lở bờ sông Vàm Nao (An Giang), sạt lở kè Gành Hòa (Bạc Liêu)...

Trong năm 2017, nước ta phải hứng chịu nhiều loại hình thiên tai, với cường độ lớn, phạm vi rộng, hậu quả nặng nề hơn, gây thiệt hại nặng về người và tài sản. Theo báo cáo thống kê thiên tai đã làm 386 người chết và mất tích, 664 người bị thương; hơn 8.166 nhà bị sập đổ, cuốn trôi; hơn 588.139 nhà bị ngập, hư hại, tốc mái; 363.502 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 69.757 con gia súc, 2 triệu con gia cầm bị chết; 169.640 ha cây công nghiệp, cây ăn quả và 143.438 ha rừng bị đổ, thiệt hại; 41.375 lồng bè, 60.392 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 3.682 tàu thuyền bị chìm, phá hủy tại nơi neo đậu; 1,145 km đê, kè, kênh mương, bờ sông, bờ biển bị sạt lở; 1.586 km đường giao thông và 6,88 triệu m3 đất đá bị sạt trượt. Tổng thiệt hại ước tính hơn 60 nghìn tỷ đồng (tương đương hơn 2,65 tỷ USD).

Còn nhiều yếu kém, bất cập

Theo Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai (PCTT), thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra năm nay vẫn còn lớn. Một phần do tình hình thiên tai ngày càng lớn cả về cường độ, số lần xuất hiện và trái quy luật; khó dự báo, cảnh báo, nhiều tình huống bất ngờ, vượt quá năng lực chống chịu của các hệ thống phòng, chống. Mặt khác, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách như Luật Ðê điều, Luật Phòng, chống thiên tai và các Nghị định hướng dẫn thi hành sau thời gian thực hiện đã bộc lộ một số yếu kém, bất cập cần sửa đổi, bổ sung. Cơ chế, chính sách còn thiếu đồng bộ, chưa ban hành kịp thời, nhất là cơ chế, chính sách về tài chính; lồng ghép nội dung PCTT vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; huy động sự tham gia của cộng đồng… Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch PCTT còn nhiều nội dung chưa phù hợp, chưa xây dựng được cơ chế quản lý theo hướng tổng hợp như: Quản lý lũ tổng hợp, quản lý tổng hợp lưu vực sông… Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan PCTT chưa được điều chỉnh kịp thời trong điều kiện mới, nhất là do tác động của biến đổi khí hậu, thêm vào đó chưa có tiêu chuẩn bảo đảm các hoạt động của xã hội an toàn trước thiên tai.

Trong tổ chức bộ máy, chưa có cơ quan chuyên trách với các phòng tham mưu chuyên sâu tại các tỉnh, bộ phận, cán bộ chuyên trách cấp huyện, cấp xã dẫn đến không đủ khả năng triển khai toàn diện Luật PCTT. Thành viên Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các bộ, ngành và địa phương làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, chưa dành nhiều thời gian cho công tác, dẫn đến một số tình huống xử lý chưa kịp thời, chưa triển khai được đầy đủ các nhiệm vụ, thêm vào đó, cán bộ cấp huyện, xã còn hạn chế về năng lực. Hạn chế từ con người cho tới trang thiết bị, công cụ hỗ trợ..., cho nên chưa đủ năng lực cũng như chuyên tâm theo dõi, giám sát, cảnh báo và tham mưu kịp thời.

Một nguyên nhân nữa dẫn đến thiệt hại do thiên tai gây ra ngày càng nặng nề là do thiếu nguồn lực và hạn chế của cơ sở hạ tầng. Việc phát triển các thiết chế hạ tầng mới như đường giao thông, hạ tầng lớn khác chưa tính đến yếu tố rủi ro thiên tai, dẫn đến mất an toàn cho bản thân công trình, dự án và gia tăng rủi ro cho khu vực lân cận. Khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, công trình PCTT còn hạn chế. Hệ thống cảnh báo, thông tin, truyền thông tới cộng đồng, nhất là vùng sâu, vùng xa hết sức khó khăn do địa hình chia cắt, dân cư phân tán. Thiếu nguồn lực để thực hiện công tác di dân vùng thiên tai; thực hiện chương trình di dân theo Quyết định 1776/QÐ-TTg. Mặt khác, ứng dụng khoa học, công nghệ còn hạn chế, do thiếu thông tin trực tuyến và đường truyền, thông tin liên lạc thường bị gián đoạn khi có thiên tai, cho nên khi chỉ đạo ứng phó thiên tai xảy ra trên diện rộng, nhất là điều hành liên hồ chứa có độ chính xác không cao. Trong khi nguồn kinh phí đầu tư cho công tác phòng ngừa và hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai còn rất thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu của các địa phương.

Cần có chương trình kiểm soát an toàn thiên tai

Theo dự báo của các cơ quan quốc tế và trong nước, tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng làm cường độ thiên tai trung bình có xu thế gia tăng, tần suất thiên tai lớn xuất hiện dày hơn, xuất hiện nhiều đợt thiên tai cực đoan trái với quy luật trước đây. Vì vậy, ngày 3-7-2017, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Tổng cục PCTT trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhằm tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban chỉ đạo T.Ư về PCTT hiệu quả hơn.

Tuy nhiên về lâu dài, để hướng tới mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, cần tiếp tục xây dựng chương trình tuyên truyền giảm nhẹ rủi ro thiên tai đến từng gia đình, với mục đích giảm thấp nhất nguy cơ bị ảnh hưởng, nguy cơ di cư và mất nơi ở. Ðồng thời tổ chức xây dựng kế hoạch PCTT tổng thể trên cơ sở hệ thống thông tin đa chiều. Mọi hoạt động kinh tế - xã hội phải bảo đảm giảm nhẹ rủi ro thiên tai, phải hiểu rõ cơ chế hình thành, xu thế, xây dựng kịch bản với rủi ro thiên tai. Luật Phòng, chống thiên tai quy định trách nhiệm xây dựng và nội dung chính của Kế hoạch PCTT tại các cấp. Theo đó, Kế hoạch PCTT phải được xây dựng tại các cấp địa phương, cấp bộ và cấp quốc gia theo chu kỳ kế hoạch 5 năm, tương ứng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và được điều chỉnh hằng năm.

Việt Nam là quốc gia đang phát triển với nhiều hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng, nhưng cần bảo đảm hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, không được gây ra những rủi ro mới. Cần có chương trình kiểm soát an toàn thiên tai đối với các hoạt động phát triển, đầu tư xây dựng mới cơ sở hạ tầng hoặc hoạt động có nguy cơ phát sinh rủi ro, đồng thời nâng cao nhận thức chung thông qua những bài học kinh nghiệm đã tổng hợp qua nhiều giai đoạn trong nước và thế giới. Các hoạt động khoa học-công nghệ của Việt Nam trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai cần làm rõ, nhấn mạnh nguy cơ để tăng hiểu biết về rủi ro thiên tai, áp dụng các giải pháp giảm nhẹ dựa vào hệ sinh thái, quản lý tổng hợp ở cả cấp quốc gia và địa phương.

Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhưng dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ðảng, Nhà nước và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương và toàn xã hội, công tác PCTT trong thời gian tới sẽ đi dần vào nền nếp, chuyển từ “bị động” sang “ chủ động”, hướng tới mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, góp phần giữ gìn thành quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

 

Chi cục Thủy lợi
Các tin khác
Xem tin theo ngày