Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ

 

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.339.354
Truy câp hiện tại 2.644
Kết luận Hội nghị sơ kết công tác Quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm 2016
Ngày cập nhật 27/07/2016

Ngày 08 tháng 7 năm 2016, tại Sở Nông nghiệp và PTNT Thừa Thiên Huế, đồng chí Hồ Vang -  Phó Giám đốc Sở đã chủ trì Hội nghị sơ kết công tác Quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm 2016.

Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo Sở Y tế, Sở Công thương, Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (PC49); lãnh đạo các chi cục: An toàn vệ sinh thực phẩm, Quản lý thị trường, Chăn nuôi và thú y, Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản, Kiểm lâm, Thủy sản, Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Thủy lợi, Phát triển nông thôn; đại diện lãnh đạo Phòng Kế hoạch tài chính và Thanh tra Sở nông nghiệp và PTNT; đại diện lãnh đạo các phòng Nông nghiệp và PTNT, phòng kinh tế các huyện, thị xã và thành phố Huế.

Sau khi nghe báo cáo Sơ kết công tác Quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2016 của Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản; ý kiến thảo luận của các địa phương và các thành viên dự họp, thay mặt lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, đồng chí Hồ Vang kết luận như sau:

Thống nhất như báo cáo đánh giá tình hình công tác Quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2016. Cụ thể như sau:

  1. Từ đầu năm đến nay, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương,  Chỉ thị 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, Kế hoạch hành động Năm cao điểm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp của UBND tỉnh, các đơn vị trong ngành đã chủ động tham mưu, ban hành các văn bản liên quan để triển khai thực hiện, đã tăng cường công tác tuyên truyền trong lĩnh vực an toàn thực phẩm; một số địa phương đã ban hành Chương trình hành động hoặc Kế hoạch triển khai,… nên công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản đã đạt được một số kết quả tích cực, từng bước nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người sản xuất.
  2. Trong sản xuất và cung ứng sản phẩm an toàn:
  •  Đã mở rộng diện tích sản xuất nông sản hữu cơ, sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP (Tập đoàn Quế Lâm đã mở rộng sản xuất lúa hữu cơ lên 30 ha, xã Phong Hiền (huyện Phong Điền) sản xuất lúa hữu cơ 30ha, …); các vùng rau VietGAP ở xã Quảng Thọ (30ha), Quảng Thành (17ha) được duy trì và phát triển tốt. Mặt khác đang triển khai xây dựng vùng rau VietGAP tại xã Hương An, Thị xã Hương Trà với diện tích 12 ha; mở rộng vùng sản xuất rau an toàn ở xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền với diện tích 18 ha .
  • Trên địa bàn thành phố Huế đã hình thành một số cửa hàng bán sản phẩm nông sản có nguồn gốc, nổi bật là Tập đoàn Quế Lâm đang đầu tư xây dựng 01 cửa hàng phân phối nông sản hữu cơ tại đường Phan Đình Phùng, thành phố Huế.
  1. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đã được các đơn vị chú trọng,  phối hợp triển khai khá tốt như các hoạt động giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ, chứng nhận đánh bắt thủy sản xa bờ, lấy mẫu nông lâm thủy sản giám sát,…Thanh tra Sở và các Chi cục đã chủ động triển khai nhiều cuộc thanh tra đột xuất và phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, việc kiểm tra định kỳ, đúng thời gian và đúng tần suất đã giúp nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm sản và thủy sản phát hiện, sửa chữa sai lỗi, góp phần tích cực để nhiều cơ sở nâng hạn đánh giá, xếp loại từ B lên A và từ C lên B. Kết quả là:
  • Số cơ sở vi phạm giảm so với cùng kỳ 2015;
  • Số mẫu giám sát để kiểm nghiệm tăng so với cùng kỳ năm 2015, tương đương 70% tổng lượng mẫu giám sát của năm 2015;
  • 100% mẫu giám sát chất cấm trong chăn nuôi  tại các lò mổ, cơ sở chăn nuôi, xe chở gia súc ngoại tỉnh về giết mổ tại tỉnh Thừa Thiên Huế đều âm tính với chất Sabultamol (53 mẫu).
  • 100% mẫu rau lấy kiểm nghiệm không phát hiện tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (40 mẫu).
  • Đã phối hợp với các địa phương triển khai khá tốt việc ký cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, với số lượng 2.940 cơ sở.

Những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2016 là nhờ sự nổ lực của các đơn vị trong ngành, sự quan tâm phối hợp của các đơn vị như Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Chi cục Quản lý thị trường, Phòng Cảnh sát môi trường (PC49), các Ban quản lý chợ và các địa phương, …

  1. Tuy vậy, công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như sau:
  • Vẫn có trường hợp cơ sở sử dụng chất Vàng ô trong chế biến măng;
  • Nhiều cơ sở được thanh, kiểm tra chưa chấp hành tốt điều kiện vệ sinh trong sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản;
  • Chưa hình thành được các cửa hàng bán sản phẩm an toàn có xác nhận, chưa có cửa hàng nông sản có quy mô lớn để giới thiệu, cung cấp các sản phẩm an toàn, tin cậy cho người tiêu dùng.
  • Việc triển khai Thông tư 51/2014/TT-BNNPTNT ngày 27/12/2014 quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và phương thức quản lý đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ chưa được các địa phương quan tâm.
  • Tỷ lệ mẫu thịt giám sát nhiễm vi sinh cao (76,9%).
  • Công tác tổng hợp, báo cáo của các chi cục trong ngành chưa đầy đủ và đúng hạn; thiếu nhiều số liệu thống kê, đánh giá.

5. Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị các chi cục, các địa phương tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

5.1. Tiếp tục tăng cường các hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát. Đặc biệt chú trọng công tác thanh tra đột xuất, bao gồm các cơ sở nuôi trồng thủy sản, nhất là việc sử dụng kháng sinh, chất cải tạo, xử lý môi trường.

Hoạt động giám sát cần thực hiện đúng theo Thông tư 08/2016/TT-BNNPTNT ngày 01/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định giám sát an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản.

5.2. Tăng cường các hoạt động hướng dẫn, sản xuất sản phẩm an toàn

- Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cả trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.

- Hình thành chuỗi cửa hàng cung ứng sản phẩm an toàn có xác nhận: Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản triển khai hướng dẫn cho các cửa hàng lập hồ sơ đề nghị xác nhận sản phẩm an toàn.

- Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) tăng cường hướng dẫn người dân thực hiện IPM- Quản lý dịch hại tổng hợp, nhất là sản xuất rau; quản lý và tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trong việc hướng dẫn người dân sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng”, không lạm dụng thuốc BVTV.

- Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp các địa phương làm việc với các cơ sở giết mổ tập trung đầu tư sửa chữa, nâng cấp cơ sở giết mổ đảm bảo đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Tiếp tục triển khai ký cam kết chăn nuôi không sử dụng chất cấm.

5.3. Đề nghị các địa phương quan tâm triển khai thực hiện Thông tư 51/2014/TT-BNNPTNT ngày 27/12/2014 quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và phương thức quản lý đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ.

5.4. Tăng cường công tác tuyên truyền

- Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản phối hợp các đơn vị truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền.

- Đề nghị Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ phối hợp với ngành nông nghiệp đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền đến hội viên nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người sản xuất.

Nội dung thông báo này đã được đồng chí Hồ Vang – Phó Giám đốc Sở xem lại và thông qua. Sở Nông nghiệp và PTNT thông báo để các cơ quan, đơn vị biết, thực hiện./.

Các tin khác
Xem tin theo ngày