Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ

 

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.392.602
Truy câp hiện tại 743
Ô nhiễm môi trường do chất thải trong chăn nuôi gia súc, gia cầm và một số biện pháp xử lý
Ngày cập nhật 16/01/2017

I. Ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi gia súc, gia cầm

Theo thống kê tại thời điểm 01/10/2016, tổng đàn trâu toàn tỉnh có 22.442 con, đàn bò có 33.588 con, đàn lợn có 205.649 con, đàn gia cầm có 2.793.320 con.

Chăn nuôi gia súc, gia cầm theo qui mô trang trại, gia trại phát triển mạnh, toàn tỉnh có 1.234 trang trại, gia trại (tăng 23,15% so cùng kỳ). Có 49 trang trại chăn nuôi (gồm có 01 trại bò; 35 trại lợn và 13 trại gia cầm) với doanh thu hàng năm từ 01 tỷ đồng trở lên, đạt theo tiêu chí tại Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT, tăng 58,06% so cùng kỳ. Trong đó có 07 trang trại do Doanh nghiệp đầu tư theo quy mô công nghiệp.

Đa số các trang trại chăn nuôi lợn và gà có quy mô vừa và lớn (Trại lợn nái ngoại có quy mô từ 1.200 – 2.400 con, trại lợn thịt có quy mô từ 1.000 – 8.000 con, trại gà thịt có quy mô 7.000 – 14.000 con) đều hợp tác, liên kết với các Công ty: CP Việt Nam, Thái Việt Swine Line, GreenFeed,…

Chăn nuôi tỉnh nhà đang có những dịch chuyển nhanh chóng từ chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại, công nghiệp; từ chăn nuôi nhỏ lẻ lên chăn nuôi quy mô lớn. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh rất quan tâm tới ngành chăn nuôi để cùng với ngành trồng trọt, thủy sản đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm thông qua những chủ trương, chính sách nhằm định hướng và tạo ra những cơ chế khuyến khích để ngành chăn nuôi phát triển nhanh, mạnh và vững chắc. Tuy nhiên, mặt chưa được của chăn nuôi đó là vấn đề ô nhiễm môi trường. Cộng đồng khoa học trong và ngoài nước đã chỉ rõ gây ô nhiễm môi trường lớn nhất trong nông nghiệp ở Việt Nan là từ trồng trọt và chăn nuôi. Theo báo cáo của Tổ chức Nông Lương Thế giới (FAO), chất thải của gia súc toàn cầu tạo ra 65% lượng Nitơ oxit (N2O) trong khí quyển. Đây là loại khí có khả năng hấp thụ năng lượng mặt trời cao gấp 296 lần so với khí CO2. Cùng với các loại khí khác như CO2, CH4,… gây nên hiệu ứng nhà kính làm trái đất nóng lên.

 

Đàn gia súc, gia cầm thải ra chất thải rắn (phân, chất độn chuồng, các loại thức ăn thừa hoặc rơi vãi), chất thải lỏng (nước tiểu, nước rửa chuồng, nước từ sân chơi, bãi vận động, bãi chăn). Phân của vật nuôi chứa nhiều chất chứa nitơ, phốt pho, kẽm, đồng, chì, Asen, Niken (kim loại nặng)… và các vi sinh vật gây hại khác không những gây ô nhiễm không khí mà còn làm ô nhiễm đất, làm rối loạn độ phì đất, mặt nước mà cả nguồn nước ngầm.

Ngoài thải ra chất thải như nói trên thì gia súc, gia cầm còn bài thải các loại khí hình thành từ quá trình hô hấp của vật nuôi và thải ra các loại mầm bệnh, ký sinh trùng, các vi sinh vật có thể gây hại trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khỏe con người và môi trường sinh thái như: E. coli, Salmonella, Streptococcus fecalis, Enterobacteriae

Theo Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, qua kiểm tra trên 30 cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh trong tháng 5, 6, 7 năm 2016: các cơ sở chăn nuôi này chưa quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, cụ thể là các thủ tục hành chính về môi trường không đầy đủ và đa phần không đầu tư xây dựng các công trình xử lý nước thải, chất thải rắn. Đặc biệt, công trình xử lý chất thải không được đầu tư xây dựng trước khi đưa vào hoạt động. Tất cả các cơ sở được kiểm tra đều vi phạm qui định của pháp luật về bảo vệ môi trường…; Thiếu sự hướng dẫn, kiểm tra và đôn đốc của cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương, chưa xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng thẩm quyền, điều này dẫn đến vi phạm pháp luật về môi trường kéo dài, gây ô nhiễm môi trường/ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (Báo cáo số 159/BC-TNMT-MT ngày 07/9/2016 của Sở Tài nguyên môi trường).

Tóm lại, chăn nuôi phát triển có thể cũng sẽ tạo ra những rủi ro cho môi trường sinh thái và là một trong những nguyên nhân làm trái đất nóng lên nếu vấn đề môi trường chăn nuôi không được quả lý hiệu quả. Nếu các chất thải chăn nuôi, đặc biệt là phân chuồng không được xử lý hiệu quả sẽ là một trong những nguồn gây ô nhiễm lớn cho môi trường, ảnh hưởng xấu đến đời sống, sức khoẻ của cộng đồng dân cư trước mắt cũng như lâu dài. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế xã hội ở nước ta hiện nay nói chung và tỉnh ta nói riêng thì phát triển chăn nuôi sẽ vẫn là sinh kế quan trọng của nhiều triệu nông dân, cung cấp thực phẩm bổ dưỡng cho con người, tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện điều kiện sống cho hầu hết người lao động. Vấn đề đặt ra là phát triển chăn nuôi nhưng phải bền vững để hạn chế tối đa mức độ gây ô nhiễm và bảo vệ được môi trường sinh thái.

 

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 04/2016/TT-BTNMT ngày 29/4/2016 về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường kèm theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi - QCVN 62 - MT:2016/BTNMT. Quy chuẩn này quy định giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm trong nước thải chăn nuôi khi xả ra nguồn tiếp nhận nước thải. Mọi tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động xả nước thải chăn nuôi ra nguồn tiếp nhận nước thải tuân thủ quy định tại quy chuẩn này.

Quy định kỹ thuật đối với cơ sở chăn nuôi có tổng lượng nước thải nhỏ hơn 5 mét khối trên ngày (m3/ngày):

- Cơ sở chăn nuôi có tổng lượng nước thải nhỏ hơn 2 m3/ngày phải có hệ thống thu gom và hệ thống lắng, ủ nước thải hợp vệ sinh.

- Cơ sở chăn nuôi có tổng lượng nước thải từ 2 m3/ngày đến dưới 5 m3/ngày phải có hệ thống thu gom và hệ thống xử lý chất thải đủ công suất như biogas (hệ thống khí sinh học) hoặc đệm lót sinh học phù hợp Tiêu chuẩn quốc gia.

Giá trị C để làm cơ sở tính toán giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm trong nước thải chăn nuôi.

TT

Thông số

Đơn vị

Giá trị C

A

B

1

pH

-

6-9

5,5-9

2

BOD5

mg/l

40

100

3

COD

mg/l

100

300

4

Tổng chất rắn lơ lửng

mg/l

50

150

5

Tổng Nitơ (theo N)

mg/l

50

150

6

Tổng Coliform

MPN hoặc CFU /100 ml

3000

5000

 

(Cột A: quy định giá trị của các thông số ô nhiễm trong nước thải chăn nuôi khi xả ra nguồn nước được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt.

Cột B: quy định giá trị C của các thông số ô nhiễm trong nước thải chăn nuôi khi xả ra nguồn nước không dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt).

 

II. Một số biện pháp xử lý chất thải trong chăn nuôi hạn chế ô nhiễm môi trường

 Nhiều biện pháp xử lý kỹ thuật khác nhau đã được áp dụng nhằm giảm thiểu những tác động xấu đến trường do ô nhiễm từ chất thải chăn nuôi. Trong đó, việc quy hoạch và giám sát quy hoạch cả tổng thể và chi tiết chăn nuôi theo từng huyện, cho từng chủng loại gia súc, gia cầm, với số lượng phù hợp để không quá tải gây ô nhiễm môi trường là biện pháp quan trọng có tầm chiến lược. Kỹ thuật xử lý chất thải chăn nuôi là áp dụng  các phương pháp lý học, hóa học và sinh học để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Thông thường người ta kết hợp giữa các phương pháp với nhau để xử lý chất thải chăn nuôi hiệu quả và triệt để hơn.

1. Quy hoạch chăn nuôi

Chăn nuôi gia súc, gia cầm phải được quy hoạch phù hợp theo địa bàn cả về số lượng, chủng loại để không bị quá tải gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt là những khu vực có sử dụng nguồn nước ngầm hoặc nguồn nước sông hồ cung cấp cho nhà máy nước sinh hoạt thì công tác quy hoạch chăn nuôi càng phải quản lý nghiêm ngặt. Khi xây dựng trang trại chăn nuôi cần phải đủ xa khu vực nội thành, nội thị, khu đông dân cư đồng thời đúng thiết kế, đảm bảo mật độ và diện tích chuồng nuôi, ố trí, sắp xếp các dãy chuồng nuôi hợp lý và phải được đánh giá tác động môi trường trước khi xây dựng trang trại.

Người chăn nuôi phải thực hiện tốt quy định của pháp luật về môi trường. Các cấp chính quyền và cơ quan chức năng cần hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện đúng theo quy hoạch, quy định của pháp luật về môi trường. Việc quy hoạch chăn nuôi và rà soát lại quy hoạch phải thực hiện định kỳ vì đây là biện pháp vĩ mô quan trọng góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

2. Xử lý chất thải chăn nuôi bằng Hệ thống khí sinh học Biogas

 

Trong thực tiễn, tùy điều kiện từng nơi, từng quy mô trang trại có thể sử dụng loại hầm (công trình) khí sinh học cho phù hợp. Xử lý chất thải chăn nuôi bằng công trình khí sinh học được đánh giá là giải pháp hữu ích nhằm giảm khí thải methane (Khí có khả năng gây hiệu ứng nhà kính) và sản xuất năng lượng sạch. Hiện nay, việc sử dụng hầm Biogas đang được người chăn nuôi quan tâm vì vừa bảo vệ được môi trường vừa có thể thay thế chất đốt hoặc có thể được sử dụng cho chạy máy phát điện, tạo ra điện sinh hoạt gia đình và điện phục vụ trang trại. Các loại hầm Biogas đang sử dụng phổ biến ở Việt Nam gồm hầm Biogas sử dụng bạt chống thấm HDPE, hầm Biogas sử dụng Composite, hầm Biogas làm bằng Betong.

3. Xử lý chất thải bằng chế phẩm sinh học

a. Xử lý môi trường bằng men sinh học

Từ đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước người ta đã sử dụng các chất men để giảm ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi được gọi là “Chế phẩm EM (Effective Microorganisms) có nghĩa là vi sinh vật hữu hiệu”. Người ta sử dụng men sinh học rất đa dạng như dùng bổ sung vào nước thải, dùng phun vào chuồng nuôi, vào chất thải để giảm mùi hôi, dùng trộn vào thức ăn…

b. Chăn nuôi trên đệm lót sinh học

 

Chăn nuôi trên đệm lót sinh học là sử dụng các phế thải từ chế biến lâm sản (phôi bào, mùn cưa…) hoặc phế phụ phẩm trồng trọt (thân cây ngô, đậu, rơm, rạ, trấu, vỏ cà phê… ) cắt nhỏ để làm đệm lót có bổ sung chế phẩm sinh học. Sử dụng chế phẩm sinh học trên đệm lót là sử dụng “bộ vi sinh vật hữu hiệu” đã được nghiên cứu và tuyển chọn chọn thuộc các chi Bacillus, Lactobacillus, Streptomyces, Saccharomyces, Aspergillus… với mong muốn là tạo ra lượng vi sinh vật hữu ích đủ lớn trong đệm lót chuồng nhằm tạo vi sinh vật có lợi đường ruột, tạo các vi sinh vật sinh ra chất ức chế nhằm ức chế và tiêu diệt vi sinh vật có hại, để các vi sinh vật phân giải chất hữu cơ từ phân gia súc gia cầm, nước giải giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Chăn nuôi trên đệm lót sinh học giảm gây ô nhiễm môi trường và phù hợp nhất đối với mô hình chăn nuôi nông hộ. Tuy nhiên điều đáng lưu ý là đệm lót sinh học kỵ nước, sinh nhiệt nên địa hình cao ráo và việc làm mát, tản nhiệt khi thời tiết nóng cần phải được quan tâm. 

4. Xử lý chất thải bằng ủ phân hữu cơ (Compost)

Sử dụng chủ yếu bã phế thải thực vật, phân của động vật mà thông qua hoạt động trực tiếp hay gián tiếp của vi sinh vật phân hủy và làm tăng cao chất lượng của sản phẩm, tạo nên phân bón hữu cơ giàu chất dinh dưỡng cung cấp cho cây trồng.

Nhờ quá trình lên men và nhiệt độ tự sinh của đống phân ủ sẽ tiêu diệt được phần lớn các mầm bệnh nguy hiểm, thậm chí ủ phân có thể  phân hủy được cả xác động vật chết khi lượng phế thải thực vật đủ lớn. Trong phân ủ có chứa chất mùn làm đất tơi xốp, tăng dung lượng hấp thụ khoáng của cây trồng, đồng thời có tác dụng tốt đến hệ vi sinh vật có ích trong đất. Phân ủ còn có tác dụng tốt đối với tính chất lý hoá học và sinh học của đất, không gây ảnh hưởng xấu đến người, động vật và giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường sinh thái.

5. Xử lý bằng công nghệ ép tách phân

Đây là công nghệ hiện đại được nhập vào nước ta chưa lâu nhưng rất hiệu quả và đang được nhiều nhà chăn nuôi quan tâm áp dụng. Dựa trên nguyên tắc “lưới lọc” máy ép có thể tách hầu hết các tạp chất nhỏ đến rất nhỏ trong hỗn hợp chất thải chăn nuôi, tùy theo tính chất của chất rắn mà có các lưới lọc phù hợp. Khi hỗn hợp chất thải đi vào máy ép qua lưới lọc thì các chất rắn được giữ lại, ép khô và ra ngoài để xử lý riêng còn lượng nước theo đường riêng chảy ra ngoài hoặc xuống hầm khí sinh học xử lý tiếp. Độ ẩm của sản phẩm (phân khô) có thể được điều chỉnh tùy theo mục đích sử dụng. Quá trình xử lý này tuy đầu tư ban đầu tốn kém hơn nhưng rất hiện đại, nhanh, gọn, ít tốn diện tích và đang là một trong những biện pháp hiệu quả nhất đối với các trang trại chăn nuôi lợn, trâu bò theo hướng công nghiệp hiện nay. 

6. Xử lý nước thải bằng ô xi hóa

Phương pháp này thường được dùng đối với các bể lắng nước thải. 

- Xử lý bằng sục khí. 

- Xử lý bằng ô-zôn (O3). 

- Xử lý bằng Hiđrô perôxit (H202)

5. Công tác vệ sinh chuồng trại

Ngoài việc hàng ngày tiến hành dọn vệ sinh phân rác và nước tiêu vật nuôi, thì cần định kỳ hàng tuần quy định 1 ngày thực hiện tổng vệ sinh chuồng trại và khu vực chăn nuôi, thu gom rác về nơi quy định để xử lý và phun khử trùng khu vực chăn nuôi bằng thuốc sát trùng để tiêu diệt nguồn mầm bệnh cư trú hoặc tiềm ẩn trong môi trường.

6. Trồng cây xanh

Xung quanh khu vực chăn nuôi tiến hành trồng cây xanh để tạo bóng mát và chắn được gió lạnh, gió nóng, ngoài ra cây xanh còn quang hợp hút khí CO2 và thải khí O2 rất tốt cho môi trường chăn nuôi. Nên trồng các loại cây như: nhãn, vải, keo dậu, muồng…

7. Hồ sinh học

Được sử dụng đối với chất thải ở dạng lỏng. Có thể kết hợp nuôi cá và dùng một số loại cây thủy sinh như bèo tây, rau muống… Các yếu tố này làm sạch nước thải chăn nuôi.

Bảo vệ môi trường là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân. Trong thực tế để xử lý chất thải chăn nuôi có hiệu quả người ta kết hợp giữa các phương pháp với nhau để xử lý chất thải chăn nuôi hiệu quả và triệt để hơn.

Thân Trọng Tuyến - Chi cục Chăn nuôi và Thú y
Các tin khác
Xem tin theo ngày