Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Một số mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội sau dịch Covid-19
Ngày cập nhật 27/08/2020

Thực hiện Quyết định số 01/QĐ-UBND ngày 01/01/2020 về việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, các địa phương đã tích cực triển khai kế hoạch năm 2020 ngay từ đầu năm. Một số kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2020 như sau:

Về Tình hình sản xuất, kinh doanh

a) Lĩnh vực dịch vụ

- Hoạt động du lịch: Trong 5 tháng đầu năm, lượng khách du lịch ước đạt trên 1 triệu lượt, giảm 52% so với cùng kỳ; khách lưu trú ước đạt 466 nghìn lượt, giảm 51%; trong đó: khách quốc tế ước đạt 234,8 nghìn lượt, giảm 50%. Doanh thu du lịch ước đạt 919 tỷ đồng, giảm 44%. Riêng trong tháng 5/2020, lượng khách du lịch đến tỉnh ước đạt 65 nghìn lượt giảm 82% so cùng kỳ.

- Hoạt động thương mại, giá cả: Tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 5 ước đạt khoảng 3.138,3 tỷ đồng; lũy kế 5 tháng đầu năm ước đạt 15.938,3 tỷ đồng giảm gần 8,79% so cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa trong tháng 5 ước đạt 2.616,2 tỷ đồng; lũy kế 13.118,2, giảm 2,31% (chiếm hơn 82%).

- Hoạt động nhập xuất khẩu:

+ Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5 ước đạt 34,85 triệu USD, giảm 12,9% so với tháng trước và giảm 56,1% so với cùng kỳ. Lũy kế 5 tháng đầu năm ước đạt 257,7 triệu USD, giảm 40%.

+ Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 5 ước đạt 40,4 triệu USD, tăng 3,9% so với tháng trước và giảm 32,3% so với cùng kỳ. Lũy kế đạt 172,4 triệu USD, giảm 24%;

- Hoạt động vận tải: Trong 5 tháng đầu năm, vận tải hành khách ước đạt 7.352,9 nghìn lượt khách, giảm 27,6% so với cùng kỳ; vận tải hàng hóa ước đạt 5.100,58 nghìn tấn, giảm 5,1%. Doanh thu vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải, bưu chính chuyển phát ước đạt 1.129,1 tỷ đồng; trong đó: doanh thu vận tải hành khách ước đạt 217,4 tỷ đồng, giảm 27,4%; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 808,1 tỷ đồng, giảm 5,5%; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 96,7 tỷ đồng, tăng 9,3%; doanh thu bưu chính chuyển phát ước đạt 6,9 tỷ đồng, tăng 15,5%.

b) Lĩnh vực công nghiệp:

Tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong tháng 5 tiếp tục gặp khó khăn và tăng trưởng thấp do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tỉnh tháng 5 ước tăng 15,4% so với tháng trước và giảm 0,3% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm, IIP tăng 0,2%

c) Lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp

Trồng trọt: Diện tích gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 28.692 ha, giảm 233 ha so với năm trước; năng suất ước đạt khoảng 56,9 tạ/ha, giảm 5,7 tạ/ha so với năm trước; sản lượng lúa ước đạt khoảng 163.402 tấn, giảm 17.424 tấn do ảnh hưởng thời tiết có các trận mưa lớn gây ngập, úng ở cuối vụ.

Diện tích các loại cây trồng khác giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước: Sắn 5.215 ha, giảm 418 ha; Lạc 1.120 ha, giảm 40 ha; Ngô 972 ha, giảm 79 ha; Khoai lang 1.223 ha, giảm 81 ha; Rau các loại 3.777 ha, giảm 44 ha; Cây sen 531,2 ha tăng 349 ha. Cây lâu năm: Bưởi Thanh Trà khoảng 900 ha; Cao su 8.955 ha (trong đó 6.392,6 ha đang khai thác).

Diện tích gieo cấy lúa vụ Hè Thu 2020 theo kế hoạch khoảng 25.879 ha; hiện đã gieo cấy khoảng 3.808 ha (trong đó 158 ha lúa Hè Thu sớm).

Chăn nuôi: Sau dịch tả lợn Châu Phi, công tác tái đàn được thúc đẩy, đã tái đàn được khoảng 70.000 con (lợn nái khoảng 9.000 con); 50% số lợn tái đàn được thực hiện tại các doanh nghiệp, trang trại lớn đảm bảo an toàn sinh học với số lượng khoảng 33.490 con; nâng tổng đàn lợn hiện có khoảng 137.830 con, giảm 14,7% so với cùng kỳ; đàn trâu 19.420 con, giảm 5,1%; đàn bò 31.860 con, giảm 7,9%; đàn gia cầm 3.986 nghìn con, tăng 31,4% (đàn gà 3.249 nghìn con, tăng 47,2%). Công tác tiêm phòng, kiểm soát dịch bệnh, giết mổ đang được triển khai thực hiện tốt.

Thủy sản: Diện tích nuôi trồng thủy sản 5 tháng đầu năm ước đạt 1.260 ha, tăng 4,5%. Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 20.594 tấn tăng 4,6%; trong đó: sản lượng khai thác đạt 16.591 tấn, tăng 3,5%; sản lượng nuôi trồng đạt 4.003 tấn, tăng 9,3%.

Dịch bệnh trên tôm nuôi đã xảy ra tại các huyện Phú Vang, Phú Lộc, Hương Trà và Quảng Điền với hơn 183 ha tôm nuôi bị bệnh (61 ha bị bệnh đốm trắng, 121 ha bệnh do môi trường); đã phối hợp với các địa phương tổ chức thực hiện công tác thú y thủy sản trên các diện tích nuôi; khoanh vùng dập dịch, không để lây lan trên diện rộng.

Lâm nghiệp: Trong 5 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã trồng mới 3.786 ha rừng tăng 6,1%. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt 255.836 m3, tăng 1,5%.

Về Tình hình đầu tư và xây dựng:

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện trong 5 tháng đầu năm ước đạt 7.824 tỷ đồng, đạt 29% kế hoạch, tăng 6,8% so với cùng kỳ.

Nguồn vốn đầu tư chủ yếu tập trung vào các dự án chuyển tiếp. Vốn đầu tư ngân sách Nhà nước do Trung ương quản lý tiếp tục đầu tư vào những dự án trọng điểm quốc gia như: Trung tâm Sản phụ khoa bệnh viện TW Huế; Khu kinh tế quốc phòng A So, A Lưới; Trung tâm phục hồi chức năng đoàn 41 Huế; Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân; bể bơi Trung tâm hoạt động Thanh thiếu niên tỉnh; Học viện Âm Nhạc Huế; Nhà hát Sông Hương;…Các dự án trọng điểm quốc gia BT và BOT tiếp tục được hoàn thiện và thi công nhanh: Dự án La Sơn - Túy Loan; hầm Hải Vân giai đoạn II. Công tác bồi thường và hỗ trợ cho các hộ dân thuộc đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I Kinh thành Huế (giai đoạn 1) đã cơ bản hoàn thành.

Tỷ lệ giải ngân theo kế hoạch đầu tư công 5 tháng đầu năm 2020 đạt 33,3% kế hoạch; trong đó: vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương đạt 50,7% KH. Ngân sách Trung ương thực hiện các Chương trình đạt 26% KH; Vốn từ nguồn thu di tích để lại cho đầu tư đạt 37% KH.

Nguồn vốn doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục đầu tư vào các dự án gấp rút hoàn thiện để đưa vào sử dụng: Dự án phức hợp Manor Crown; Khu nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Mỹ An. Nhiều dự án chuyển tiếp được đẩy nhanh tiến độ để đưa vào hoạt động: Các nhà máy thủy điện ALin B1, ALin B2, Rào Trăng 3; Dự án Movenpic Resort Lăng Cô. Bên cạnh đó, đã quyết liệt hỗ trợ, đôn đốc 15 dự án khởi công mới trong năm; đến nay, đã có 02 dự án khởi công mới: dự án chung cư thương mại Minh Linh tại Khu đô thị Đông Nam Thủy An; dự án nhà máy chế biến cát, bột thạch anh ít sắt chất lượng cao (Huế Premium Silica).

Nguồn vốn đầu tư nước ngoài chủ yếu thực hiện các dự án chuyển tiếp: Dự án Laguna giai đoạn 2; Dự án Khu nghỉ dưỡng của Công ty Minh Viễn; Hạ tầng khu công nghiệp của Công ty cổ phần Hello quốc tế Việt Nam; Dự án Nhà máy dệt Sunjin AT&C Vina; dự án Nhà máy chế xuất Billion Max Việt Nam; Nhà máy xử lý rác thải Phú Sơn; Nhà máy của Công ty Kanglongda;…

Công tác bồi thường và hỗ trợ cho các hộ dân thuộc đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I Kinh thành Huế (giai đoạn 1) đã chi trả đền bù và giao đất cho 500 hộ và đã hoàn thành công tác kiểm kê, công khai giá đền bù cho hơn 2.400 hộ còn lại; Đang đề nghị Bộ Quốc Phòng thống nhất di dời trụ sở Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và Bệnh viện 268 ra khỏi đất di tích. Đến nay, đã khởi công xây nhà ở theo mẫu cho 25 hộ nghèo thuộc diện di dời với chính sách hỗ trợ theo hình thức “chìa khóa trao tay”

Về Thu chi ngân sách Nhà nước

Thu ngân sách nhà nước 5 tháng đầu năm ước đạt 3.200 tỷ đồng, bằng 42% dự toán, giảm 2% so với cùng kỳ; trong đó: thu nội địa đạt 3.017 tỷ đồng, đạt 42,6% dự toán, giảm 2%; thu thuế xuất nhập khẩu đạt 175 tỷ đồng, bằng 35,6% dự toán, giảm 5%.

Chi ngân sách nhà nước ước đạt 3.847,3 tỷ đồng, bằng 32% dự toán, trong đó: Chi đầu tư 952,6 tỷ đồng, đạt 22,4% dự toán, chi thường xuyên 2.668,2 tỷ đồng, đạt 39,5% dự toán.

Về Công tác triển khai phòng, chống dịch Covid-19

Tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành và các địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, có hiệu quả việc phòng, chống dịch Covid-19, cụ thể: thành lập Ban Chỉ đạo “Sở Chỉ huy tiền phương phòng chống dịch Covid 19” tổ chức giao ban trực tuyến hằng ngày với các Sở, ngành, địa phương để nắm chắc tình hình dịch bệnh, chủ động xử lý; ngoài bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 và các Trung tâm y tế tuyến huyện, trưng dụng tối đa các cơ sở như trường học, khu nhà ở xã hội, các khách sạn, cơ sở lưu trú làm khu cách ly: Trường Quân sự tỉnh, Khu nghỉ dưỡng 5 sao Sun&Sea Resort, Khu chung cư Hương Sơ, Trường Cao đẳng nghề số 23, Trường trung cấp Công nghệ số 10, Trường Đào tạo và Phát triển Nguồn nhân lực Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam, Trường Nghiệp vụ Thuế, Trung tâm Giáo dục Quốc phòng, Trung đoàn 176, Ký túc xá Trường Bia, …; đã thành lập 05 chốt kiểm soát y tế tại các cửa ngõ “ra vào” tỉnh để đo thân nhiệt nhằm kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập địa bàn; tăng cường cơ sở vật chất, bảo đảm hậu cần tại các khu cách ly và chế độ cho đội ngũ cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang, bác sỹ, nhân viên ngành y tế, … nhằm sẵn sàng phục vụ quy mô bảo đảm đến 10 nghìn giường cho người cách ly. Kịp thời cho học sinh, sinh viên nghỉ học; đồng thời tổ chức học trực tuyến để chuẩn bị cho các kỳ thi quốc gia. Thực hiện giãn cách xã hội trong tháng 4, cao điểm dịch Covid-19, thông báo tạm dừng, đóng cửa đóng cửa các cơ sở kinh doanh ngành dịch vụ,…

Đã thực hiện chi trả 217,15 tỷ đồng trong hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 trong đó: 44,15 tỷ đồng theo Nghị quyết số 37/NQ-CP của Chính phủ về một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 và tam ứng ngân sách tỉnh 173 tỷ đồng để chi trả cho các đối tượng: người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ.

Tỉnh đang triển khai rà soát, điều chỉnh giảm mức thu đối với 22 khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng dịch covid-19.

Trong 05 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 2.607 lao động. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 số lượng lao động bị ngừng việc đến tháng 4 gần 7.000 lao động, trong đó có khoảng 2.500 được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Giải quyết hưởng chế độ Bảo hiểm thất nghiệp tăng 103% so với cùng kỳ, đã giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho 3.529 người với tổng số tiền chi là 50,815 tỷ đồng, số người đề nghị được hỗ trợ học nghề là 66 người với số tiền chi là 254,7 triệu đồng.

Đã tích cực thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, đã thực hiện chi trả cho 03 Nhóm đối tượng theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19: người có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội với 134.907 đối tượng được hỗ trợ, tổng kinh phí trên 149 tỷ đồng trong thời gian 03 tháng. Các đối tượng khác theo Nghị quyết số 42/NQ-CP đang tiếp nhận hồ sơ: người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương: 183 người; hộ kinh doanh: 394 hộ; người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp: 58 người; người lao động làm việc không có HĐLĐ: 11.289 người. Trong đó: Đã thẩm định, rà soát, niêm yết danh sách; 52 hộ kinh doanh; 6715 người NLĐ làm việc không có HĐLĐ.

Trong những tháng còn lại của năm 2020, để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục những hậu quả do dịch Covid-19, tỉnh Thừa Thiên Huế tập trung ưu tiên các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đảm bảo hài hòa 3 mục tiêu đó là: Phòng chống dịch hiệu quả; đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội và duy trì, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

1. Tiếp tục ưu tiên cho công tác phòng, chống và ngăn chặn, kiểm soát tốt dịch Covid-19

Các cấp, các ngành và các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh về việc phòng, chống dịch Covid-19. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, công khai, minh bạch thông tin trên các phương tiện truyền thông liên quan đến tình hình, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng. Kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm những hành vi xuyên tạc, đưa tin sai sự thật về tình hình dịch Covid-19 tạo môi trường ổn định phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chủ động rà soát và chuẩn bị các kịch bản trong trường hợp dịch Covid-19 bùng phát và lây lan trong cộng đồng. Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 3809 /UBND-GD ngày 08/5/2020.

2. Tập trung ưu tiên các giải pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh

Tập trung xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả Chỉ thị 11/CT-TTg, ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19; Nghị quyết số 42/NQ-CP, ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện của các Bộ, ngành Trung ương. Hoàn thành việc rà soát các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo quy định của Chính phủ để hỗ trợ kịp thời, đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để sót đối tượng, không để xảy ra việc lợi dụng, trục lợi chính sách trên địa bàn trước ngày 31/5/2020.

3. Tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị; xây dựng các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới

Tập trung hoàn chỉnh các Đề án trình các cơ quan Trung ương: Đề án Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế; cơ chế chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên Huế; Đề án điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Huế và sắp xếp, thành lập các phường; Đề xuất các tiêu chí về phân loại đô thị và đơn vị hành chính đối với Thừa Thiên Huế trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế; Đề án xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên Huế,…

Chủ động làm việc, phối hợp các bộ, ngành Trung ương bám sát các nội dung kiến nghị tại Thông báo số 55/TB-VPCP, ngày 20/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với tỉnh. Tiến hành đánh giá tình hình và kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2016 - 2020; xây dựng kế hoạch kinh tế - xã hội và đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

4. Tập trung hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm

Rà soát lại cơ cấu đầu tư, ưu tiên đầu tư các dự án chuyển tiếp phát triển hạ tầng đẩy mạnh phát triển sản xuất và các dự án cấp thiết trong nguồn lực có hạn. Rà soát lại mức độ cần thiết các dự án vốn ngân sách địa phương khởi công mới năm 2020. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư để triển khai thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm. Thực hiện việc điều chuyển nguồn vốn đầu tư công cho công trình, dự án khác nếu chủ đầu tư không làm tốt công tác giải phóng mặt bằng. Rà soát giãn tiến độ, khởi công 11 công trình, dự án chưa thực sự cần thiết. Trong năm 2020, tập trung ưu tiên nguồn lực tiếp tục triển khai đề án di dời các hộ dân khu vực I di tích Kinh thành Huế, di dời đất quốc phòng (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và hộ dân sinh sống tại khu vực Mang Cá) và các dự án cải thiện môi trường nước: Hoàn thành di dời các hộ thuộc khu vực Thượng thành và ổn định dân cư tại khu tái định cư Hương Sơ, An Hòa.

Tập trung hỗ trợ, giám sát, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ khởi công, thi công các dự án đã được cấp chủ trương đầu tư

Tiếp tục thi công hoàn thành các tuyến đường trong đô thị và kết nối với các địa phương trên địa bàn

Rà soát, giám sát tiến độ các dự án ngoài ngân sách theo Nghị quyết số 08/NQ-HĐND. Tiếp tục bổ sung, điều chỉnh quy định trình tự, thủ tục thực hiện, giám sát, quản lý dự án đầu tư và xây dựng không sử dụng vốn nhà nước trên địa bàn theo Nghị định số: 25/2020/NĐ-CP, ngày 28/02/2020 của Chính phủ về Quy định chi tiết thi hành một số điều của luật đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư

5. Phát triển công nghiệp, nông nghiệp và các lĩnh vực kinh tế khác

Tiếp tục quan tâm hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn hoạt động ổn định, hiệu quả và hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư đến nghiên cứu, khảo sát triển khai thực hiện các dự án. Rà soát về thực trạng, nhu cầu nguyên vật liệu đầu vào, để xuất các giải pháp để đa dạng hóa, bảo đảm đủ nguồn cung cho hoạt động sản xuất trong nước; dự báo nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế; có biện pháp hỗ trợ đảm bảo nguyên vật liệu cho sản xuất kinh doanh và phương án tổ chức sản xuất, phân phối, lưu thông, cung ứng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng; củng cố thị trường nội địa, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho hoạt động bán lẻ. Tập trung vào công tác phát triển thị trường gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản suất kinh doanh,...

Xây dựng kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, đa dạng hoá các thị trường xuất, nhập khẩu và tìm thị trường mới; tích cực khai thác cơ hội của các hiệp định thương mại tự do (FTA); chuẩn bị các điều kiện cần thiết, chủ động triển khai các kế hoạch, giải pháp xuất khẩu hàng hoá sang thị trường EU sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ giữa năm 2020.

Thực hiện Đề án phát triển công nghiệp nông thôn và Chương trình đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác tuyên truyền các chính sách hỗ trợ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đến các cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã,...trong bối cảnh thị trường nông sản đang bị tác động, ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19

6. Đẩy mạnh phát triển du lịch và ưu tiên các loại hình dịch vụ phục vụ du lịch

Chuẩn bị sẵn sàng các gói kích cầu du lịch để triển khai thực hiện đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm khôi phục phát triển ngành du lịch sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát; trước mắt, rà soát và có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch.

7. Thực hiện điều hành thu chi ngân sách hiệu quả

Tập trung ưu tiên các nhóm giải pháp nhằm tăng thu ngân sách như: (1) Đấu giá, đầu thầu các dự án trọng điểm; (2) Rà soát quỹ đất vàng, có giá trị lớn (các khu đất, trụ sở trục đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Hà Nội) để định giá tài sản theo giá thị trường và thực hiện bán đấu giá quyền sử dụng đất; (3) đẩy nhanh tiến độ thu tiền sử dụng đất (1 lần) các dự án lớn ở Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và các dự án nghĩa trang Hương An viên, nghĩa trang Thủy Dương; (4) Đôn đốc triển khai các dự án đầu tư công để tăng thu vãng lai trên địa bàn (thuế VAT).

Trần Xuân Triều
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 5.348.857
Truy câp hiện tại 2.723