Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Một số thành tựu nổi bật trong phát triển nông nghiệp nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế thời gian qua và các định hướng phát triển nông nghiệp giai đoạn 2021-2025
Ngày cập nhật 17/08/2021

Sau gần 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và 5 năm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhờ sự chỉ đạo sâu sát của Trung ương, của tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị các cấp và nổ lực của người dân, Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt một số thành tựu nổi bật sau:

Sản xuất nông lâm ngư nghiệp trên địa bàn tỉnh có những bước phát triển khá toàn diện, nông nghiệp và kinh tế nông thôn chuyển biến rõ rệt theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị nông sản; an ninh lương thực của tỉnh luôn đảm bảo; kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư đồng bộ và ngày càng hoàn thiện hơn làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc; đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần được nâng cao, tình hình an ninh trật tự được cũng cố và giữ vững.
Nhiều chỉ tiêu quan trọng đã đạt và vượt mục tiêu đề ra đến năm 2020, cụ thể: Sản lượng lương thực có hạt đạt 32,6 vạn tấn (chỉ tiêu 31-32 vạn tấn); diện tích lúa đạt 54.125 ha (kế hoạch đến 2020: 52.000 ha); sản lượng thóc 32 vạn tấn, đạt chỉ tiêu đề ra, trong đó sản lượng lúa chất lượng cao đạt 10,3 vạn tấn, vượt với chỉ tiêu đề ra 8-10 vạn tấn. Diện tích trồng rừng hàng năm đạt 6.200 ha (mục tiêu đề ra 4.000- 4.500 ha), độ che phủ rừng ổn định 57,38% (chỉ tiêu 57-58%). Sản lượng thủy sản đạt 57.000 tấn, tăng 5% so với năm 2015. 
Về Chương trình xây dựng nông thôn mới
Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và nhân dân về xây dựng nông thôn mới đã có những chuyển biến khá sâu sắc và rõ nét, đã huy động hệ thống chính trị các cấp tham gia vào Chương trình xây dựng nông thôn mới, hình thành được bộ máy tổ chức từ tỉnh xuống cấp huyện, xã, thôn, bản. Đời sống của người dân nông thôn từng bước được nâng cao. Tính đến nay (8/2020), toàn tỉnh đã có 61/97 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí, đạt tỷ lệ 62,9%; số tiêu chí bình quân đạt 17,24 tiêu chí/xã.
Hai đơn vị cấp huyện: thị xã Hương Thủy hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019 và huyện Quảng Điền đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 (đang trình Trung ương thẩm định công nhận). 
Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn toàn tỉnh tăng từ 12,6 triệu đồng/năm (2010) lên 33,5 triệu đồng (2020), gấp 2,66 lần so với năm 2010. Theo kết quả tổng điều tra hộ nghèo theo chuẩn mới, cuối năm 2020 khu vực nông thôn toàn tỉnh có 8.386 hộ nghèo (tỷ lệ 4,85%), giảm 5,44% so với năm 2016 (10,29%). Đến nay, đã có 76/97 xã đạt tiêu chí, đạt tỷ lệ 78,4%.
Những giải pháp, định hướng lớn của ngành nông nghiệp trong thời gian tới 
Từ những kết quả đạt được trong thời gian qua và thực trạng của ngành nông nghiệp hiện nay, để nâng cao hiệu quả và bảo đảm tính bền vững trong phát triển kinh tế nông nghiệp thời gian tới cần tâp trung triển khai những giải pháp trọng tâm theo định hướng và quan điểm chỉ đạo: “Phát triển sản xuất nông nghiệp là then chốt, xây dựng nông thôn mới là căn bản, nông dân giữ vai trò chủ thể”. Cụ thể triển khai đồng bộ các giải pháp sau: 
- Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ, giải pháp cơ bản và lâu dài trong xây dựng nông thôn mới. Theo đó, tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ, phát triển mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ an toàn sinh học; tăng cường sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, triển khai có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn; đẩy mạnh các hình thức hợp tác, liên kết phát triển các mô hình du lịch sinh thái, du lịch làng nghề,... để phát triển kinh tế nông thôn theo hướng bền vững.
- Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng cơ bản ở nông thôn: Ưu tiên nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh đáp ứng yêu cầu mức đạt chuẩn mới; chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn kết nối với đô thị, kết nối liên xã, liên huyện. Đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực xây dựng nông thôn mới; lồng ghép các nguồn lực để thực hiện chương trình; nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách để khuyến khích huy động nguồn lực tại chỗ, nguồn lực huy động từ các tổ chức, doanh nghiệp, người dân trong xây dựng nông thôn mới.
- Tập trung phát triển mạnh các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực theo 3 cấp độ: Sản phẩm thuộc danh mục chủ lực quốc gia (Gạo, tôm, thịt lợn, thịt và trứng gia cầm, rau quả, gỗ và các sản phẩm từ gỗ); sản phẩm chủ lực cấp tỉnh (Cá vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai, Tôm (tôm sú, tôm thẻ chân trắng); sản phẩm chế biến: Tôm chua, ruốc, mắm các loại; lúa gạo chất lượng cao, Bưởi Thanh trà, Sen Huế, Tinh dầu tràm, tinh dầu sả và các loại tinh dầu từ dược liệu,…) và nhóm sản phẩm đặc sản, có giá trị cá biệt cấp vùng, miền, địa phương, gắn với chương trình “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP”.
- Ưu tiên thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch theo vùng chuyên canh quy mô lớn; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị; phát triển các cơ sở bảo quản, chế biến nông sản, kết nối với hệ thống cung ứng nông sản; tạo dựng thương hiệu nông, lâm thủy sản của tỉnh trong chuỗi giá trị quốc gia, hướng tới chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực có lợi thế khác biệt, có sức cạnh tranh cao. 
Bạch Ngọc Bảo Quang
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 5.348.857
Truy câp hiện tại 1.601