Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Những kinh nghiệm cần rút ra sau vụ việc người dân khiếu nại tố cáo tại Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Hải Vân
Ngày cập nhật 12/07/2019

Công tác trồng rừng, chăm sóc rừng, quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung và địa bàn Bắc Hải Vân nói riêng luôn gặp nhiều những khó khăn, trờ ngại, thách thức. Trong đó, việc giải quyết các quyền lợi cho người dân sinh sống trên địa bàn là một vấn đề phức tạp, luôn chứa đựng những nguy cơ nảy sinh mâu thuẫn

Trong những tháng đầu năm 2019, Sở Nông nghiệp và PTNT đã nhận được nhiều nội dung tố cáo, khiếu nại của người dân liên quan đến công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ rừng tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Hải Vân và một số cá nhân liên quan.

 

Để giải quyết nội dung khiếu nại, tố cáo của người dân, ngày 11/4/2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Quyết định số 151/QĐ-SNNPTNT ngày 11/4/2019 về việc thụ lý giải quyết tố cáo đối với Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Hải Vân và một số cá nhân là ông Trần Văn Lộc, Giám đốc BQL; ông Nguyễn Ngọc Vấn, Trưởng phòng Quản  lý bảo vệ rừng.

Qua quá trình xác minh, làm rõ các vấn đề mà người dân khiếu nại, tố cáo, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết luận về một số nội dung như sau:

1. Nội dung người dân tố cáo Ban quản lý Rừng phòng hộ Bắc Hải Vân không thực hiện việc trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng theo thiết kế được phê duyệt năm 2000 tại khu vực Đằm Hội, đường Mụ Nhờ, Lạnh Nghạch, Hóc Đá Bàn thuộc TDP Hói Dừa, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc.

Kết quả kiểm tra, xác minh tại hiện trường, sau khi đối chiếu với hồ sơ bản đồ thiết kế trồng rừng cho thấy toàn bộ diện tích mà người dân tố cáo trùng khớp với diện tích được thiết kế trồng rừng của Dự án 661 vào năm 2000 và năm 2001 thuộc Ban quản lý Dự án trồng rừng phòng hộ Bắc Hải Vân với tổng diện tích là 76 ha.

Toàn bộ diện tích trên được trồng và đưa vào nghiệm thu năm 2001. Chủ đầu tư là Ban quản lý Dự án trồng rừng phòng hộ Bắc Hải Vân, sau đó được Sở Nông nghiệp và PTNT cấp kinh phí để chăm sóc và khoán QLBV trong 03 năm từ 2002-2004.

          Đến năm 2007 Ban quản lý Dự án trồng rừng phòng hộ Bắc Hải Vân đã bàn giao rừng cho BQL. Tại thời điểm bàn giao đối với rừng trồng Bản địa xen Keo, mật độ cây hiện còn là Keo 630 cây/ha và Bản địa 280 cây/ha, đối với rừng trồng thuần Bản địa mật độ cây là 390 cây/ha.

Hiện trạng rừng tại khu vực mà người dân tố cáo có cây Bản địa được trồng hiện còn rải rác trên các lô, mật độ không đồng đều, cây còi cọc, sinh trưởng phát triển kém, phần lớn nằm dưới tán thực bì. Riêng các lô được thiết kế trồng Bản địa xen Keo không phát hiện cây Keo.

Theo giải trình của BQL, nguyên nhân là do sau cơn bão số 6/2006 làm gãy ngọn nhưng tại thời điểm đánh giá bàn giao cây Keo vẫn sống, sau đó một thời gian cây chết dần do gãy ngọn, rỗng ruột, thực bì chèn ép. Đối với cây Bản địa không phát triển được là do thực bì ở băng chừa phát triển mạnh, chèn ép dẫn đến cây sinh trưởng kém và một số cây bị chết dần; mặt khác khu vực này thuộc quy hoạch rừng sản xuất nên không có kinh phí đầu tư chăm sóc rừng sau khi hết định mức (03 năm).

2. Nội dung người dân tố cáo ông Trần Văn Lộc, Giám đốc BQL đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm khoảng trên 10 ha rừng tại khu vực Đằm Hội, đường Mụ Nhờ, Lạnh Nghạch, Hóc Đá Bàn thuộc TDP Hói Dừa, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc để trồng rừng làm của riêng.

Kết quả kiểm tra, xác minh tại hiện trường và giải trình của ông Trần Văn Lộc, Giám đốc BQL:

- Ở các khu vực Đằm Hội, Hóc Đá Bàn, đường Mụ Nhờ, đường Lạnh Nghạch bản thân tôi không lấn chiếm đất rừng tự nhiên của Nhà nước để trồng rừng cho cá nhân. Trong khoảng thời gian từ 2004 - 2005, gia đình tôi có mua một số diện tích đất trồng rừng của các hộ dân ở thôn Hói Dừa để trồng rừng sản xuất nhằm góp phần thu nhập cho gia đình, tổng diện tích đất rừng mua là 18,1 ha, toàn bộ diện tích trên đều có giấy tờ mua bán cụ thể.

- Đối với diện tích 1,179 ha rừng trồng Keo tại khu vực Đằm Hội: Nhằm hạn chế việc lấn chiếm rừng của người dân, năm 2013 đơn vị đã tổ chức trồng rừng trên một số diện tích mà người dân đã phát lấn chiếm sau khi xử lý nhằm bổ sung mật độ và chống lấn chiếm theo phương án của BQL.

- Đối với diện tích 1,32 ha rừng trồng Keo tại khu vực Hóc Đá Bàn: Đơn vị xây dựng Phương án trồng rừng chống lấn, chiếm và giao cho ông Nguyễn Ngọc Vấn tự bỏ vốn ra để trồng và chăm sóc một chu kỳ và chỉ hưởng lợi từ việc tỉa thưa với trữ lượng 60% còn lại 40% để lại phục hồi rừng cho Nhà nước.

3. Nội dung người dân tố cáo ông Vấn cán bộ BQL đã chiếm đất rừng tại khu Đằm Hội để trồng rừng làm của riêng.

Kết quả kiểm tra, xác minh: Tại khu vực Đằm Hội, ông Vấn có trồng rừng Keo với diện tích 0,86 ha là rừng riêng của cá nhân ông Vấn, không nằm trong phạm vi quản lý của BQL.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra xác minh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận thấy những nội dung khiếu nại, tố cáo của người dân có những chỗ đúng và cũng có những chỗ chưa đúng với thực tế

- Đối với nội dung tố cáo BQL không thực hiện việc trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng theo thiết kế được phê duyệt năm 2000 tại khu vực Đằm Hội, đường Mụ Nhờ, Lạnh Nghạch, Hóc Đá Bàn thuộc TDP Hói Dừa, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc.

Thực tế hiện trạng rừng được kiểm tra chỉ có cây Bản địa hiện còn rải rác trên các lô, mật độ không đồng đều, cây còi cọc, sinh trưởng phát triển kém, phần lớn nằm dưới tán thực bì. Riêng các lô được thiết kế trồng Bản địa xen Keo không phát hiện cây Keo nên khi nhìn vào hiện trạng rừng hiện tại người dân cho rằng khu vực đó không trồng rừng.

Nguyên nhân là do sau khi nhận bàn giao rừng từ Hạt Kiểm lâm huyện Phú Lộc, BQL không thực hiện kiểm tra, đánh giá chất lượng rừng trồng để báo cáo cấp có thẩm quyền kịp thời xử lý. Những sai sót trên trước hết trách nhiệm thuộc về Giám đốc, Phó Giám đốc, Trưởng phòng chuyên môn và các cá nhân có liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng tại đơn vị.

- Tuy nhiên nội dung tố cáo hằng năm BQL vẫn lập ra một tổ để có cơ sở báo cáo nhận tiền bảo vệ rừng làm thiệt hại tiền của Nhà nước là sai

- Đối với nội dung tố cáo ông Trần Văn Lộc, Giám đốc BQL đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm khoảng trên 10 ha rừng tại khu vực Đằm Hội, đường Mụ Nhờ, Lạnh Nghạch, Hóc Đá Bàn thuộc TDP Hói Dừa, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc để trồng rừng làm của riêng. Nội dung tố cáo này là tố cáo đúng một phần.

+ Việc ông Trần Văn Lộc đã chỉ đạo BQL xây dựng 02 phương án trồng rừng chống lấn chiếm để tổ chức trồng rừng và giao cho cá nhân ông Vấn bỏ vốn để trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng là không đúng chủ trương tại Công văn số 1008/TT-SNNPTNT ngày 15/9/2011 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc trồng rừng sản xuất xen kẽ trong rừng phòng hộ.

+ Việc ông Trần Văn Lộc đã chỉ đạo trồng rừng với diện tích 1,179 ha tại khu vực Đằm Hội chồng lấn lên diện tích thiết kế trồng rừng của Dự án 661 năm 2001 và giao cho ông Vấn trồng rừng với diện tích 1,32 ha tại khu vực Hóc Đá Bàn trên diện tích mất rừng khi chưa thực hiện thủ tục thanh lý rừng trồng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước là không đúng (quy định tại Điều 11, Quy chế quản lý rừng ban hành kèm theo Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ).

- Tố cáo sai:

Diện tích 6,964 ha rừng trồng Keo tại các khu vực Đằm Hội, đường Mụ Nhờ, đường Lạch Nghạch, Hóc Đá Bàn thuộc tổ dân phố Hói Dừa mà người dân tố cáo là thuộc sở hữu của các ông Nguyễn Đắc Thành, Nguyễn Ngọc Vấn, Trần Văn Lộc là diện tích nằm ngoài phạm vi quản lý của BQL. 

- Đối với nội dung tố cáo ông Vấn cán bộ BQL đã chiếm đất rừng tại khu Đằm Hội để trồng rừng làm của riêng.

          Căn cứ kết quả kiểm tra, xác minh cho thấy: Tại khu vực Đằm Hội, ông Vấn có trồng rừng Keo với diện tích 0,86 ha là rừng của cá nhân ông Vấn, không nằm trong phạm vi quản lý của BQL. Vậy nội dung tố cáo này là tố cáo sai.

Những biện pháp xử lý và bài học kinh nghiệm cần phải rút ra sau khi giải quyết khiếu nại tố cáo của người dân:

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu BQL thực hiện:

- Tiến hành rà soát toàn bộ diện tích rừng trồng Dự án 661 trong phạm vi quản lý của BQL, đánh giá chất lượng rừng trồng và hiện trạng hiện tại, báo cáo Sở Nông nghiệp và PTNT và tham mưu phương án giải quyết đúng quy định của pháp luật.

- Tiến hành kiểm tra, rà soát toàn bộ diện tích rừng trồng mà BQL đã tự xây dựng phương án trồng rừng chống lấn, chiếm trong thời gian qua, báo cáo Sở Nông nghiệp và PTNT và đề xuất biện pháp khắc phục kịp thời, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

- Thu hồi toàn bộ diện tích rừng trồng 1,179 ha tại khu vực Đằm Hội và 1,32 ha tại khu vực Hóc Đá Bàn để bổ sung vào nguồn vốn Ngân sách Nhà nước. Tổ chức quản lý bảo vệ toàn bộ diện tích rừng trồng trên, nghiêm cấm các hành vi tác động đến rừng cũng như khai thác rừng.

- Thu hồi Quyết định số 54/QĐ-BQL ngày 02/4/2019 về việc giải quyết khiếu nại của công dân (lần đầu) để ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại mới đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

- Tổ chức họp toàn thể cơ quan để kiểm điểm trách nhiệm, đối với Giám đốc BQL và các cá nhân có liên quan để xảy ra những sai sót như phần kết luận nội dung tố cáo.

Thông qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân như đã nêu trên, các Ban quản lý rừng trên địa bàn tỉnh cần rút kinh nghiệm sâu sắc, chấn chỉnh công tác chỉ đạo, quản lý rừng thuộc địa bàn của mình để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, minh bạch, rõ ràng và giải quyết rõ những thắc mắc, kiến nghị của người dân.

 
Trần Xuân Triều
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 5.348.857
Truy câp hiện tại 4.458