Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Công điện của UBND tỉnh về việc chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vào địa bàn tỉnh
Ngày cập nhật 17/09/2018

Thực hiện Công điện số 1194/CĐ-TTg ngày 12/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ Về việc tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, Công điện khẩn số 6741/CĐ-BNN-TY ngày 30/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vào Việt Nam và để chủ động kịp thời ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của vi rút Dịch tả lợn Châu Phi vào địa bàn tỉnh thông qua việc buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn và các sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi và thương mại quốc tế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương thực hiện các nội dung sau:

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế:

          a) Tiếp tục tăng cường công tác chống buôn lậu lợn và các sản phẩm của lợn từ nước ngoài vào Việt Nam; tuyệt đối không cho phép buôn bán, vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn bất hợp pháp, không rõ nguồn gốc qua biên giới, kể cả quà tặng, quà biếu của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới; phát hiện và kiên quyết xử lý tình trạng buôn lậu lợn, sản phẩm của lợn theo đúng quy định của pháp luật; tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật.

          b) Chỉ đạo các cấp, cơ quan chuyên môn, các ban ngành liên quan, người chăn nuôi tăng cường theo dõi, giám sát đàn lợn tại địa phương, nếu phát hiện lợn bệnh với các triệu chứng, bệnh tích nghi ngờ của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; hoặc là lợn, sản phẩm lợn nhập lậu trái phép thì cần phải thông tin ngay lên cơ quan chuyên môn cấp trên (Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh) để lấy mẫu xét nghiệm và có biện pháp xử lý kịp thời.

          c) Tiếp tục tổ chức triển khai tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn theo Công văn số 6223/UBND-NN ngày 22/8/2018 của UBND tỉnh về việc triển khai tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng đợt II năm 2018; Công văn 1036/SNNPTNT-CCCNTY ngày 29/8/2018 về việc hướng dẫn quy trình kỹ thuật thực hiện tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng đợt II năm 2018; kéo dài tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng đến ngày 15/10/2018.

          d) Thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc thực hiện việc phòng, chống dịch bệnh tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh và các địa bàn có nguy cơ cao.

          e) Tổ chức tuyên truyền đến cộng đồng dân cư để người dân không tham gia các hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu vào trong nước tiêu thụ; không mua bán, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn không có nguồn gốc rõ ràng, chưa qua kiểm dịch thú y để hạn chế phát sinh và lây lan dịch bệnh.

          2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tiếp tục chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp các ban, ngành thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, hướng dẫn người nuôi lợn thực hiện các biện pháp an toàn sinh học; tăng cường kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh; quản lý, giám sát lâm sàng và lấy mẫu lợn nghi bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và lợn, sản phẩm lợn nhập lậu trái phép gửi mẫu để xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; thực hiện tốt công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng trong chăn nuôi đặc biệt tập trung vào những khu vực có nguy cơ cao như chợ buôn bán, điểm thu gom, cơ sở giết mổ, phương tiện vận chuyển lợn, sản phẩm lợn; thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch, kiểm soát việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên tuyến Quốc lộ 1A (chốt Thừa Lưu, huyện Phú Lộc; chốt Phong Thu, huyện Phong Điền), đường Hồ Chí Minh (huyện A Lưới); không cho nhập lợn và sản phẩm lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc vào địa phương. Tham mưu UBND tỉnh xây dựng “Kế hoạch hành động ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp đối với khả năng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm địa bàn” theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT để làm cơ sở triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả.

          3. Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Du lịch, Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế khẩn trương tổ chức kiểm soát các phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy, đường hàng không và khách du lịch từ các nước đã và đang có dịch bệnh mang thịt lợn, kể cả các sản phẩm của lợn đã qua chế biến chín đến địa bàn tỉnh.

          4. Sở Công thương thường xuyên theo dõi nắm chắc tình hình, diễn biến thị trường đối với thịt lợn và các sản phẩm của lợn để có giải pháp tránh gây bất ổn về thị trường, chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vận chuyển, buôn bán thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn trái phép.

          5. Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng chức năng tiếp tục điều tra, theo dõi nắm tình hình, cập nhật danh sách các đối tượng có biểu hiện hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật nhập lậu, nghi nhập lậu, vận chuyển trái phép; có biện pháp giáo dục, vận động, răn đe nhằm chủ động phòng ngừa, đồng thời tập trung các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với các lực lượng tổ chức đấu tranh bắt giữ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

          6. Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng chỉ đạo lực lượng bộ đội biên phòng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các vụ việc nhập lậu động vật, sản phẩm động vật; phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới về tác hại của việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu trái phép để người dân hiểu, không tham gia, tiếp tay cho buôn lậu.

          7. Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng cần thông tin kịp thời, chính xác cho người dân về diễn biến tình hình bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và các biện pháp phòng, chống dịch. Nội dung tuyên truyền cần nêu rõ tác hại của việc nhập lậu lợn, sản phẩm của lợn làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng; đồng thời hướng dẫn các biện pháp chủ động ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu phi xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh, tránh gây hoang mang trong xã hội.

          8. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí phục vụ công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và đề xuất phương án kinh phí hỗ trợ người chăn nuôi có lợn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi khi phải bắt buộc tiêu hủy.

          Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế thực hiện nghiêm túc các nội dung nêu trên; Thủ trưởng các đơn vị: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Du Lịch, Công thương, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Thông tin và Truyền thông, Cục Hải quan tỉnh, theo chức năng nhiệm vụ đã phân công chủ động phối hợp trong công tác phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đặc biệt là trong công tác kiểm soát buôn bán, vận chuyển lợn bị bệnh, lợn và sản phẩm lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc./.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 5.348.857
Truy câp hiện tại 204