Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Những điểm mới trong Luật Thủy sản năm 2017 chuẩn bị có hiệu lực
Ngày cập nhật 11/12/2018

Luật Thủy sản được Quốc Hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành năm 2017 sẽ có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2019 với 9 chương, 105 điều; giảm 1 chương và tăng 43 điều so với Luật Thủy sản 2003.

So với Luật Thủy sản ban hành năm 2003 bộ luật mới có những điểm sửa đổi bổ sung mới tiến bộ hơn như:

1. Quy định về đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Điều 10). Theo đó, người dân, hội, hiệp hội… tham gia cùng với chính quyền cơ sở quản lý hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đồng thời nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân trong hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản, từng bước thực hiện chủ trương xã hội hóa, tăng cường vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong quản lý hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản, là giải pháp hữu hiệu giảm xung đột lợi ích trong cộng đồng và góp phần phát triển bền vững, tiến tới giảm dần áp lực tham gia quản lý của Nhà nước và tăng cường vai trò tự quản lý của người dân. Nếu được thực hiện đầy đủ thì đây sẽ là một nhân tố rất quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngành thủy sản đồng thời giảm nguồn lực của Nhà Nước vào việc quản lý nguồn lợi thủy sản.       

2. Bổ sung quy định về quy hoạch về bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản, điều tra đánh giá nguồn lợi thủy sản (Điều 11 và 12). Bao gồm: Căn cứ lập quy hoạch; nội dung quy hoạch; việc lập, phê duyệt, điều chỉnh, công bố quy hoạch; Mục đích điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản… Định kỳ 5 năm thực hiện điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản để bảo vệ và khai thác có hiệu quả, bền vững nguồn lợi thủy sản.

3. Bổ sung quy định về Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tại Điều 21 và khuyến khích thành lập Quỹ cộng đồng (Điều 22). Quỹ này đã được tỉnh Thừa Thiên Huế đề ra vào những năm 2013 với nguyên tắc tự nguyện của ngư dân đóng góp vào để phục vụ công tác tuần tra, bảo vệ ngư trường phòng chống các nghề khai thác cấm như giã cào, xung điện, lưới quét…

4. Về nuôi trồng thủy sản, được quy định tại Chương III, từ Điều 23 đến Điều 47. Luật đã quy định chi tiết hơn và không bỏ sót các đối tượng nuôi, hình thức nuôi và mục đích của việc nuôi trồng thủy sản...

5. Về cấp phép khai thác thủy sản (Điều 49), Luật quy định về hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản, sản lượng khai cho phép khai thác và đánh giá nguồn lợi thủy sản cho các địa phương.

Việc phân cấp triệt để cho các tỉnh, địa phương quản lý và cấp phép, cấp hạn ngạch cho các tàu cá là điểm tiến bộ và rõ ràng hơn so với Luật năm 2003. Trên cơ sở các thông báo về điều tra của các địa phương sẽ điều chỉnh sản lượng tối đa cho phép khai thác từ vùng lộng trở vào. Còn vùng khơi nhà nước sẽ cân chỉnh. Đồng thời, UBND cấp tỉnh xác định hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản và sản lượng cho phép khai thác theo loài tại vùng ven bờ và vùng lộng thuộc phạm vi quản lý. Thông qua quản lý theo hạn ngạch nhằm kiểm soát cường lực khai thác, quản lý phát triển tàu cá bền vững. Quy định về Quản lý tàu cá và quy định về xã hội hóa đăng kiểm tàu cá cũng được quy định chi tiết trong Luật lần này.

6. Luật Thủy sản 2017 đã luật hóa các nội dung liên quan đến chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) trong đó có khuyến nghị của EC.

Cụ thể, các khuyến nghị đó được thể hiện trong các nội dung sau: Quy định số lượng và phân bổ hạn ngạch giấy phép khai thác của tàu theo nghề trên các vùng biển và phân cấp cho địa phương để cấp phép cho từng tàu cá; quy định nội dung quản lý đầu ra theo hạn ngạch các loài di cư và các loài có tính kết đàn. Về quy định các hành vi khai thác IUU và chế tài nghiêm khắc với chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm, mức xử phạt cao nhất đối với cá nhân lên đến 1 tỷ đồng.

7. Chương VII quy định cụ thể về thu mua, sơ chế thuỷ sản; chế biến thủy sản; bảo quản nguyên liệu thuỷ sản, sản phẩm thuỷ sản; xuất khẩu, nhập khẩu nguyên liệu thuỷ sản và sản phẩm hàng hoá thuỷ sản; chợ đấu giá thủy sản và quản lý chất lượng an toàn thực phẩm thuỷ sản. Bổ sung quy định về sơ chế, thu gom thủy sản, cụ thể như sau: Sắp xếp lại thứ tự các điều luật theo chuỗi sản xuất từ thu mua, sơ chế đến chế biến, bảo quản, xuất khẩu, nhập khẩu nguyên liệu thủy sản và sản phẩm thủy sản, chợ đấu giá thủy sản và quản lý an toàn thực phẩm thủy sản. Bổ sung quy định mới về mua, bán, sơ chế, chế biến thủy sản, sản phẩm thủy sản (Điều 96)...

8. Một điểm quan trọng mới trong Luật Thủy sản năm 2017 là lần đầu tiên nhắc đến Khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đây là một điểm mới rất quan trọng cho thấy thành quả của tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc đi đầu về công tác bảo vệ nguồn lợi. Bởi hình thức xây dựng Khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Khu bảo tồn kiểu nhỏ) hầu như chưa được nhắc đến trong các văn bản pháp luật, các quy định Trung Ương. Tuy nhiên sau nhiều năm tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai đã đạt được nhiều hiệu quả trong công tác bảo vệ nguồn lợi, được nhiều địa phương và các dự án trong cả nước, quốc tế quan tâm.

Chính vì vậy từ khi Luật cụ thể hóa vấn đề này, chắc chắn việc thành lập các Khu bảo vệ  thủy sản sẽ được quan tâm nhiều hơn và hoàn thiện hơn.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 5.348.857
Truy câp hiện tại 3.228