Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Làng nghề truyền thống chế biến nước mắm Hải Nhuận vươn lên khẳng định thương hiệu nước mắm truyền thống
Ngày cập nhật 19/03/2019

Ngày 15/3/2019, tại Hội trường UBND xã Phong Hải, UBND huyện Phong Điền tổ chức lễ công bố và trao quyết định làng nghề truyền thống chế biến nước mắm Hải Nhuận, xã Phong Hải, huyện Phong Điền, tình Thừa Thiên Huế

Về dự buổi lễ công bố có đồng chí Võ Văn Dự - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT – đại diện cho Lãnh đạo tỉnh, các đồng chí Lãnh đạo của huyện Phong Điền, xã Phong Hải và đông đảo bà còn làm nghề chế biến nước mắm của làng Hải Nhuận.

Tại buổi lễ, UBND huyện Phong Điền đã trao Bằng chứng nhận kèm theo Quyết định số 3079/QĐ-UBND  ngày 28/12/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc công nhận làng nghề truyền thống chế biến nước mắm Hải Nhuận, xã Phong Hải huyện Phong Điền.

Đồng chí Võ Văn Dự thay mặt cho Lãnh đạo tỉnh tặng hoa chúc mừng nhân dân làng Hải Nhuận

Lịch sử phát triển làng nghề chế biến nước mắm Hải Nhuận

Làng Hải Nhuận, xã Phong Hải do các vị tiền bối khai canh khai khẩn đã lập cách đây hơn 300 năm về trước (khoảng năm 1805 - Theo Dư địa chí huyện Phong Điền và lịch sử đảng bộ xã Phong Hải xuất bản tháng 04 năm 2015 Nhà xuất bản Thuận Hóa).

Làng Hải Nhuận, xã Phong Hải, huyện Phong Điền là một làng ven biển cách trung tâm huyện lỵ khoảng 25km về phía Đông Nam, có tọa độ địa lý 107,659o đến 107,682o kinh độ Đông và từ 16,525o đến 16,556o vĩ độ bắc, cách thành phố Huế khoảng 35km về phía Đông Bắc; Có chiều dài hơn 2km bờ biển, bình quân chiêu rộng hơn 1km; diện tích tự nhiên có 425,48 ha, trong đó đất diện tích đất thổ cư có 25,56 ha, đất NTTS có 117 ha, đất lâm nghiệp có141,57 ha, diện tích đất mồ mã bạch sa có 49,13 ha.

Toàn Làng hiện có: 863 hộ với 4.143 khẩu, được chia thành 04 thôn: Thôn Hải Đông, Thôn Hải Phú, Thôn Hải Nhuận và Thôn Hải Thành. Tỉ lệ hộ nghèo 1,86%.

Nhân dân Làng Hải Nhuận sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt, khai thác và chế biển thủy hải sản, nuôi tôm trên cát.Với đặc điểm là một làng ven biển với nhiều loại nghề khai thác biển quanh năm sản lượng thủy hải sản khá phong phú đa dạng, từ đó dân làng Hải Nhuận đã biết cách để ướp cá, làm các loại mắm từ cá trong đó nước mắm là một đặc sản nổi bật của dân làng Hải Nhuận.

Nghề chế biến nước mắm làng Hải Nhuận đã xuất hiện từ ngàn đời nay, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác gắn liền với lịch sử, đời sống văn hóa của làng Hải Nhuận, tồn tại và phát triển cho đến ngày nay, sản phẩm chế biến tuy không cầu kỳ, với những tên gọi rất quen thuộc và dân giã như mắm ruốc, mắm cá, mắm dưa, mắm thính, nước mắm ruốc, nước mắm cá là những món ăn không thể thiếu của người dân trong làng và lan xa tới các vùng quê lân cận.

Thăm gian hàng trưng bày sản phẩm nước mắm tại xã Phong Hải

Quá trình sản xuất chế biến nước mắm của người dân làng Hải Nhuận để ra sản phẩm từ khâu chọn nguyên liệu là những mẻ cá tươi mới đánh bắt, chọn lọc và rửa sạch và trộn với muối biển với tỉ lệ ba cá một muối rồi cho vào lu, sau đó gài miệng lu cho thật kín kẻ, để lu nơi khô ráo, an toàn, hoàn toàn kín gió, sau 12 tháng cá bắt đầu chín rục thành mắm, thì đem ra sàn lọc. Từng giot nước mắm ngân nhỉ kết hớp với nắng nóng tạo nên mùi vị đặc trưng, mang đậm hương sắc của một vùng biển. Chính điều này đã làm cho Làng Hải Nhuận nổi tiếng từ xưa với truyền thống nghề sản xuất, chế biến mắm và nước mắm các loại.

Trên địa bàn hiện có khoảng hơn 400 hộ chuyên đánh bắt, mua bán, làm nghề chế biến mắm, nước mắm các loại, trong đó hơn 200 hộ gắn bó tham gia nghề chế biến nước mắm, mỗi năm cung cấp cho thị trường trong và ngoài địa phương hơn 130 ngàn lít nước mắm. Một trong những nét đặc trưng nổi bật của sản phẩm nước mắm làng Hải Nhuận đó chính là mắm làm hoàn toàn từ thủ công, được ủ ròng trong vòng một năm để tinh chế ra loại nước mắm ngon nhất, mặn mà không hóa chất. Sản phẩm của làng đã được Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp quyền bảo hộ nhãn hiệu tập thể Nước mắm Phong Hải (CBCL số 165/2009/YT-TTH – CNTC) cho Hội liên hiệp phụ nữ xã Phong Hải (Văn bằng bảo hộ số 143154, năm 2008).

Nhân dân làng Hải Nhuận đón bằng công nhận làng nghề truyền thống

Tuy nhiên đại đa số bà con nhân dân hiện vẫn còn sản xuất theo phương pháp truyền thống, tự phát, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, nhỏ lẻ, vốn ít, kỷ thuật còn hạn chế và chưa được đào tạo bài bản qua trường lớp. Sản phẩm đầu ra được tiêu thụ còn hạn chế, chủ yếu tập trung bán ở các chợ địa phương nhỏ lẻ, quy mô sản xuất chưa lớn, chưa chuyên nghiệp nên chưa đủ sức mạnh cạnh tranh với các thương hiệu lợn khác.

Mặc dù nhiều khó khăn, hạn chế nhưng trong quá trình sản xuất chế biến nước mắm, Làng nghề nước măm “Làng Hải Nhuận” luôn tuân thủ sản xuất theo đúng quy định của Pháp luật, có tổ chức và hoạt động xã hội về nghề chế biến nước mắm truyền thống. Luôn đảm bảo chấp hành đầy đủ các quy định, chính sách của Nhà nước về vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Các cơ sở chế biến hiện tại luôn tách biệt với khu đông dân cư, hạn chế những mùi thơm khó chịu mà dễ ngửi của mùi nước mắm mang lại, các chất thải từ việc chế biến nước mắm được tận dụng phục vụ trong chăn nuôi và trồng trọt. Chính nhờ làm tốt trong khâu xử lý mà thời gian qua chưa có trường hợp nào phản ánh về ô nhiễm môi trường do quá trình sản xuất chế biến nước mắm gây nên. Góp phần xây dựng cảnh quan Làng Hải Nhuận ngày càng một khang trang, sạch đẹp.

Gian trưng bày sản phẩm truyền thống của làng Hải Nhuận

Để giúp bà con chuyển đổi từ sản xuất truyền thống khép kín sang quy trình sản xuất có áp dụng những tiến bộ các khoa học kỹ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu cạnh tranh ngày càng khắt khe của thị trường, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, chính quyền địa phương và ngành Nông nghiệp và PTNT của tỉnh cần có sự chung tay vao cuộc nhằm giúp cho Làng hiểu rõ và nghiêm chỉnh chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để Làng tiếp tục bổ sung, sửa đổi những điều khoản của quy ước, quy chế phù hợp với cuộc sống hiện tại, xây dựng đời sống lành mạnh, phong phú. Có chính sách để giúp Làng nghề cũng cố và duy trì nghề chế biến nước mắm truyền thống gắn liền với đời sống văn hóa từ xưa của Làng. Vận động những nghệ nhân có tay nghề cao để truyền nghề cho thế hệ con cháu và những người có nhu cầu, tuyệt đối tránh để Làng nghề bị thất truyền.

Xác định sản phẩm truyền thống, sản phẩm chính, nghề kết hợp với việc đầu tư công nghệ để nâng cao năng lực, quy mô và chất lượng sản phẩm. Tranh thủ quảng cáo, quảng bá sản phẩm chế biến nước mắm của “Làng Hải Nhuận” thông qua các Hội chợ Làng nghề tỉnh, huyện; thông qua các hội thi, giới thiệu sản phẩm v.v… kết hợp với xúc tiến thương mại để giới thiệu sản phẩm ở nhiều kênh thông tin đại chúng đặc biệt và trên Internet.

Trần Xuân Triều
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 5.348.857
Truy câp hiện tại 1.258