Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Quy chế Quản lý, sử dụng tài sản công của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 25/06/2021

Quy chế Quản lý, sử dụng tài sản công của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế

QUY CHẾ

Quản lý, sử dụng tài sản công của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế

(Ban hành kèm theo Quyết định số:  399/QĐ-SNNPTNT ngày 28 tháng 6 năm 2019 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Chương I: QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

a) Quy chế này quy định chế độ quản lý, sử dụng tài sản công tại các đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế (sau đây gọi tắt là Sở), bao gồm:

- Trụ sở làm việc và tài sản gắn liền trên đất, cơ sở hoạt động sự nghiệp.

- Giá trị quyền sử dụng đất.

- Phần mềm máy vi tính

- Phương tiện vận tải (xe ô tô các loại, xe máy, ghe, xuồng, ca nô, tài kiểm ngư và các phương tiện vận tải khác).

- Máy móc, trang thiết bị làm việc và trang thiết bị chuyên dùng.

- Tài sản khác.

- Tài sản vô hình.

b) Nguồn hình thành tài sản

- Tài sản nhà nước giao cho Sở Nông nghiệp và PTNT quản lý, sử dụng.

- Tài sản được hình thành từ nguồn ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, tài sản được đầu tư xây dựng mua sắm từ các nguồn thu của đơn vị, từ nguồn quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, quỹ phúc lợi; tài sản được đầu tư xây dựng mua sắm từ nguồn viên trợ, tài trợ, dự án,..

2. Đối tượng áp dụng

Quy chế quản lý tài sản nhà nước được áp dụng đối với các Chi cục trực thuộc Sở, các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở, Công chức, Viên chức, và người lao động trực thuộc Sở.

Điều 2. Căn cứ xây dựng quy chế

- Luật Quản lý, sử dụng tài sản công số 15/2017/QH14 ngày 21/6/2017;

- Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công;

- Nghị định số 152/2017/NĐ-CP ngày 27/12/2017 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp;

- Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg ngày 31/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị;

- Thông tư số 144/2017/TT-BTC ngày 29/12/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công;

- Nghị định số 04/2019/NĐ-CP ngày 11/01/2019 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô;

- Thông tư số 24/2019/TT-BTC ngày 22/4/2019 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung của Nghị định định số 04/2019/NĐ-CP ngày 11/01/2019 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô;

- Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND ngày 30/3/2018 của HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế quy định về phân cấp cấp quản lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế;

- Quyết định số 30/2015/QĐ-UBND ngày 03/8/2015 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

- Quyết định số 42/2018/QĐ-UBND ngày 08/8/2018 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định phân cấp quản lý tài sản nhà nước tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế;

- Quyết định số 2071/2018/QĐ-UBND ngày 18/9/2018 của UBND tỉnh về việc ban hành tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị chuyên dùng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế;

- Quyết định số 07/2019/QĐ-UBND ngày 19/01/2019 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định việc lựa chọn nhà thầu để mua sắm tài sản công nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Chương II: QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG TÀI SẢN

Điều 3. Nguyên tắc trang bị, quản lý và sử dụng tài sản công

1.Việc quản lý sử dụng tài sản công phải thực hiện theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công số 15/2017/QH14 ngày 21/6/2017 và Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn quản lý, sử dụng tài sản công có liên quan.

2. Tài sản công được trang bị cho các đơn vị phải theo đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ của nhà nước (Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg ngày 31/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị; Quyết định số 2071/2018/QĐ-UBND ngày 18/9/2018 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc ban hành tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị chuyên dùng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế).

3. Tài sản được giao cho đơn vị quản lý, sử dụng phải đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả, bảo quản tài sản theo đúng quy định của nhà nước.

4. Việc quản lý, sử dụng tài sản công phải được thực hiện công khai minh bạch. Mọi hành vi vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản công phải được xử lý kịp thời và nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

5. Sửa chữa, bảo dưỡng tài sản công: Việc sửa chữa, bảo dưỡng tài sản công thực hiện theo kế hoạch, được Lãnh đạo đơn vị phê duyệt. Trường hợp tài sản bị hư hỏng đột xuất, bộ phận được giao quản lý tài sản báo cáo kịp thời cho Lãnh đạo đơn vị để tiến hành sửa chữa, đưa tài sản vào tiếp tục sử dụng.

Điều 4. Thẩm quyền quyết định mua sắm, điều chuyển, thanh lý tài sản công

Thẩm quyền quyết định, trình tự, thủ tục mua sắm tài sản công; thuê trụ sở làm việc; cơ sở hoạt động sự nghiệp và tài sản khác; thu hồi tài sản công; điều chuyển tài sản công; bán tài sản công; thanh lý tài sản công; tiêu hủy tài sản công; xử lý tài sản công trong trường hợp bị mất, bị hủy hoại; phê duyệt phương án xử lý tài sản phục vụ hoạt động của dự án: Thực hiện theo Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND ngày 30/3/2018 của HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế; Quyết định số 42/2018/QĐ-UBND ngày 08/8/2018 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định phân cấp quản lý tài sản nhà nước tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Thông tư số 144/2017/TT-BTC ngày 29/12/2017 của Bộ Tài chính.

Điều 5. Mua sắm tập trung

Thực hiện theo Quyết định số 23/2019/QĐ-UBND ngày 20/5/2019 của UBND tỉnh Ban hành danh mục tài sản mua sắm tập trung trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và Quyết định số 24/2019/QĐ-UBND ngày 20/5/2019 của UBND tỉnh Ban hành Quy chế mua sắm tài sản công theo phương thức tập trung trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Điều 6. Xác định giá trị quyền sử dụng đất

- Các đơn vị thuộc Sở phải xác định giá trị quyền sử dụng để tính vào giá trị tài sản của đơn vị mình.

- Căn cứ xác định giá trị quyền sử dụng đất, điều chỉnh giá trị quyền sử dụng đất, hạch toán giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị tài sản thực hiện theo Điều 100, 101, 102, 103 và 104 của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Điều 7. Hạch toán, thống kê, ghi nhận thông tin, kiểm kê tài sản công

- Tài sản công phải được thống kê, hạch toán đầy đủ về hiện vật, giá trị và ghi nhận thông tin phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng tài sản.

- Đơn vị quản lý, sử dụng tài sản công có trách nhiệm thống kê, hạch toán tài sản theo quy định của pháp luật về kế toán, pháp luật về thống kê.

- Đơn vị sử dụng tài sản công phải kiểm kê tài sản công vào thời điểm 31/12 hàng năm. Báo cáo kiểm kê tài sản công được gửi về Sở cùng Báo cáo tài chính năm.

Điều 8. Công khai tài sản công

- Căn cứ dự toán ngân sách được giao, đơn vị công khai dự toán, số lượng, chủng loại, kế hoạch và phương thức đầu tư xây dựng, mua sắm, giao, thuê tài sản công và kết quả thực hiện của đơn vị mình, trừ trường hợp không được công khai theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật của nhà nước.

- Thời điểm công khai chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày dự toán được phân bổ, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hoàn thành việc đầu tư xây dựng, mua sắm, giao, thuê tài sản công.

Điều 9. Báo cáo tài sản công

- Đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công thực hiện báo cáo đối với tài sản công được giao quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về kế toán, thống kê.

- Báo cáo tài sản công gồm

+ Báo cáo kê khai tài sản công;

+ Báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản công.

- Trường hợp đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công không thực hiện báo cáo hoặc báo cáo không đúng thời hạn, cơ quan tài chính nhà nước có quyền yêu cầu Kho bạc Nhà nước tạm đình chỉ thanh toán các khoản chi phí liên quan đến tài sản, Sở không bố trí kinh phí mua sắm tài sản cố định vào dự toán ngân sách năm sau của đơn vị đó; người đứng đầu đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công bị xử lý theo quy định.

- Thời hạn báo cáo kê khai tài sản công: Không quá 30 ngày, kể từ ngày có sự thay đổi. Đối với tài sản đưa vào sử dụng do hoàn thành đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo thì thời gian thay đổi tính từ ngày ký biên bản nghiệm thu đưa vào sử dụng.

- Trình tự, hồ sơ báo cáo kê khai lần đầu và báo cáo kê khai bổ sung, báo cáo kê khai định kỳ, hồ sơ liên quan đến việc hình thành, biến động tài sản công thực hiện theo Điều 127, 128 và 129 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ.

Điều 10. Báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản công

- Hằng năm, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công thực hiện báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản công của năm trước gửi về Sở trước ngày 31 tháng 01 và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

- Đơn vị có trách nhiệm báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản công có thể lựa chọn một trong hai hình thức sau đây:

+ Báo cáo bằng văn bản;

+ Báo cáo điện tử thông qua phần giao diện Báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản công tại Phần mềm Quản lý đăng ký tài sản công. Chữ ký của người lập báo cáo và Thủ trưởng đơn vị được thực hiện thông qua thiết bị bảo mật Chứng thư số.

- Nội dung báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản công

+ Tình hình quản lý, sử dụng tài sản công: Thực trạng công tác quản lý, sử dụng tài sản công của đơn vị; Đánh giá những mặt tích cực, hiệu quả, những tồn tại, sai phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công của đơn vị; Đánh giá tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị của cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhà nước về quản lý, sử dụng tài sản công trong kỳ báo cáo.

+ Kiến nghị các giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng tài sản công.

- Ngoài tài sản công nêu trên, các công cụ dụng cụ, trang thiết bị chuyên dụng phải được theo dõi và quản lý, sử dụng đúng theo các quy định của nhà nước.  

Chương III: TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Trách nhiệm quản lý hướng dẫn, kiểm tra, giám sát

1. Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế thống nhất quản lý, sử dụng tài sản công và phân cấp quản lý tài sản công trong phạm vi quản lý.

2. Phòng Kế hoạch, Tài chính Sở có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc chấp hành chế độ quản lý tài sản công tại các đơn vị trực thuộc Sở theo Quy chế này.

3. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở được giao quản lý, sử dụng tài sản công có trách nhiệm:

- Căn cứ vào chức năng nhiệm vụ được giao, các quy định của Quy chế này, ban hành và tổ chức thực hiện Quy chế Quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý của đơn vị mình và chấp hành việc quản lý, sử dụng tài sản công theo đúng Quy chế này và các Quy định của pháp luật có liên quan.

- Cập nhật đầy đủ, kịp thời dữ liệu cơ sở nhà, đất thuộc đơn vị quản lý vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công và Cơ sở dữ liệu tài sản công tỉnh Thừa Thiên Huế theo quy định.

- Báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản công của năm gửi về Sở trước ngày 31 tháng 01; và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đúng hạn định.

- Chịu trách nhiệm trước Lãnh đạo Sở và pháp luật của nhà nước về quản lý, sử dụng tài sản công tại đơn vị mình.

Trong trường hợp các Nghị định, Thông tư và Quyết định nói trên được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng theo quy định mới được bổ sung, sửa đổi hoặc thay thế.

Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các đơn vị phản ảnh về Phòng Kế hoạch, Tài chính Sở để tổng hợp, nghiên cứu, đề xuất báo cáo Giám đốc Sở xem xét, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 5.348.857
Truy câp hiện tại 644