Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Chuyển đổi số trong nông nghiệp là gì? Giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số hiệu quả
Ngày cập nhật 28/05/2023

Chuyển đổi số mang ý nghĩa quan trọng với tất cả các ngành trong thời đại 4.0, là xu thế toàn cầu và ngành nông nghiệp Việt Nam cũng không ngoại lệ. Chuyển đổi số trong nông nghiệp đang nắm bắt rất nhiều cơ hội nhưng cũng gặp nhiều rào cản và thách thức. Vậy chuyển đổi số nông nghiệp là gì? Giải pháp nào giúp đẩy mạnh chuyển đổi số trong giai đoạn tới? Cùng tìm hiểu trong bài viết sau.

 

1. Chuyển đổi số trong nông nghiệp là gì?

Chuyển đổi số nông nghiệp là quá trình ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số từ sản xuất đến chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Điểm khác biệt cơ bản giữa nông nghiệp số và nông nghiệp truyền thống chính là ở việc áp dụng các công nghệ kỹ thuật số (dữ liệu lớn, điện toán đám mây, internet vạn vật…) vào toàn bộ hoạt động của ngành, làm thay đổi cách thức quản lý, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ truyền thống sang hiện đại và thông minh.

2. Lợi ích của chuyển đổi số mang lại cho ngành nông nghiệp

Chuyển đổi số giúp giảm thiểu rủi ro, thiệt hại do biến đổi khí hậu.

Nông nghiệp Việt Nam là một trong năm quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất về biến đổi khí hậu, có thể kể đến: bão lũ, dịch bệnh, lưu lượng nước ngọt giảm không đủ để phục vụ sản xuất nông nghiệp, giảm diện tích đất, … Hệ quả là làm giảm năng suất, giảm chất lượng sản phẩm và thậm chí thất thu trong nông nghiệp.

Ứng dụng công nghệ Data Analytics (phân tích dữ liệu) vào phân tích và quản lý, toàn bộ vùng khí hậu sẽ được cảnh báo rủi ro cho người dân sớm (72 giờ trước khi cơn bão đi qua), từ đó sẽ có biện pháp ứng phó kịp thời

Chuyển đổi số giúp nông dân kết nối trực tiếp với người tiêu dùng.

 Thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào các thương lái để mang sản phẩm đến người tiêu dùng thì ngày nay, chuyển đổi số giúp người bán và người mua kết nối trực tiếp với nhau. Điều này đã được chứng minh thực tế trong thời gian dịch Covid-19. Dịch bệnh bùng phát, ảnh hưởng lớn đến lượng tiêu thụ sản phẩm. Nhiều địa phương đã xúc tiến mua bán nông sản qua các kênh thương mại điện tử. Tiêu biểu là tỉnh Bắc Giang, nhờ sự kết nối, mở rộng các kênh tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử thì đến ngày 28/6/2021, vải thiều bán tại thị trường trong nước đạt hơn 131.117 tấn, chiếm tỷ trọng trên 64%. Lượng vải xuất khẩu đạt 72.908 tấn, xấp xỉ 36%.

Nâng cao năng suất lao động

Một vài vùng nông thôn hiện đã áp dụng công nghệ, thay đổi phương thức sản xuất, làm việc trên đồng bằng phương pháp điều khiển từ xa. Thực tế, nhiều địa phương tại Đồng bằng sông Cửu Long đã thí điểm công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp và bước đầu đạt hiệu quả kinh tế cao. Việc canh tác từ khâu làm đất đến việc bón phân, bơm tưới và thu hoạch đều sử dụng các thiết bị hỗ trợ thông minh. Ngoài ra, hệ thống tưới tiêu và giám sát đều được thực hiện qua điện thoại. Những ứng dụng này giúp giảm một nửa chi phí sản xuất và công sức lao động, giảm 50% lượng khí thải nhà kính, tăng năng suất 30%, từ đó giúp tăng thu nhập cho người nông dân.

Tăng cường chất lượng sản phẩm nông nghiệp

Các công nghệ ứng dụng trong chuyển đổi số nông nghiệp: Big Data, công nghệ sinh học sẽ giúp bạn phân tích dữ liệu về môi trường, đất đai, ánh sáng và chất lượng các loại cây trồng. Từ đó, người nông dân sẽ có quyết định đúng đắn hơn như lượng phân bón, thời gian canh tác, phun thuốc bảo vệ thực vật, …

3. Chuyển đổi số nông nghiệp bao gồm những hoạt động gì?

Chuyển đổi số ngành nông nghiệp bao gồm các hoạt động cơ bản như áp dụng công nghệ hiện đại trong canh tác, liên kết chuỗi giá trị và thay đổi phương thức quản lý. Cụ thể như sau:

Áp dụng các công nghệ hiện đại trong canh tác nông nghiệp

Hiện nay, có nhiều công nghệ hiện đại được áp dụng trong canh tác nông nghiệp. Tiêu biểu là IoT và cảm biến trên cánh đồng, học máy và phân tích, máy bay không người lái giám sát cây trồng.

Liên kết chuỗi giá trị

Bên cạnh việc ứng dụng công nghệ hiện đại, chuyển đổi số trong nông nghiệp còn phải liên kết các thành phần của hệ sinh thái nông nghiệp một cách tự nhiên theo chuỗi giá trị. Trong đó, trung tâm phát triển giải pháp công nghệ phải nằm ở vị trí trung tâm. Các thành phần khác tương tác với nhau, thúc đẩy trung tâm phát triển giải pháp công nghệ phát triển và tận hưởng các lợi ích mà trung tâm đề ra.

Đồng thời, liên kết chuỗi giá sự còn là sự kết nối giữa các đơn vị với nhau, gồm:

- Kết nối giữa người dân, doanh nghiệp và thị trường

- Kết nối giữa người dân, doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước với thị trường.

Như vậy, giải quyết bài toán chuyển đổi số ở đây chính là giải quyết bài toán về kết nối.

Thay đổi phương thức quản trị hoạt động nông nghiệp

Chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ thể hiện ở việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất, liên kết chuỗi giá trị mà còn thể hiện ở việc thay đổi phương thức quản trị hoạt động của doanh nghiệp. Nhờ đó, doanh nghiệp ngành nông nghiệp có thể điều hành hiệu quả, tăng năng suất tại các bộ phận back off và tiết kiệm chi phí.

Để thay đổi phương thức quản trị hoạt động, doanh nghiệp ngành nông nghiệp cần:

- Số hóa quy trình: Việc số hóa phải được thực hiện ở tất cả các khâu, từ sản xuất, thu hoạch đến nhập kho, phân phối. Đồng thời, doanh nghiệp cần tăng cường liên lạc với các bên liên quan trong hệ thống nông nghiệp. Điều này sẽ giúp tăng khả năng hiển thị dọc theo chuỗi cung ứng. Quy trình hoạt động nông nghiệp của doanh nghiệp cũng minh bạch và hiệu quả hơn.

- Tối ưu công tác hành chính – nhân sự: Doanh nghiệp cần sử dụng các phần mềm quản trị để tối ưu hóa hoạt động. Nhờ đó, các nhà quản lý có thể nắm được thông tin chính, tài sản, kho; quản lý bán hàng tại chi nhánh, cửa hàng…ở khắp mọi nơi. Kế toán viên có thể làm việc từ xa, kết nối dữ liệu với hệ thống CRM, kết nối hóa đơn điện tử, kê khai thuế qua mạng…

- Hiện đại hóa cách thức thực hiện canh tác: Việc áp dụng các công nghệ kỹ thuật mới vào canh tác giúp nông dân đạt được năng suất, hiệu quả cao hơn. Đồng thời, tất cả các bên liên quan trong hệ sinh thái cũng được hưởng lợi ích.

4. Thực trạng chuyển đổi số trong nông nghiệp tại Việt Nam

Hiện nay, ở Việt Nam, sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp được tổ chức theo 3 hình thức là hộ, hợp tác xã và doanh nghiệp. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy Việt Nam có 9.123 nghìn đơn vị sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp tính đến thời điểm ngày 1/7/2020. Trong đó, có trên 9.108 nghìn hộ; 7.418 hợp tác xã; 7.471 doanh nghiệp. Đây là những đơn vị sẽ tham gia trực tiếp vào chuyển đổi số nông nghiệp ở nước ta.

Thực trạng chuyển đổi số tại các doanh nghiệp nông nghiệp

Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ & CSIRO năm 2019, có 35% các doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư vào công nghệ mới và 69% ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong số các doanh nghiệp được khảo sát, có 63% doanh nghiệp cho rằng phân tích dữ liệu theo thời gian thực có tầm quan trọng cao trong hoạt động sản xuất và 43% doanh nghiệp gặp khó khăn về ngân sách cho chuyển đổi số.

Thực trạng chuyển đổi số nông nghiệp tại các hộ nông dân

Theo thống kê, chỉ có 15% hộ nông dân có kế hoạch đầu tư vào công nghệ mới và 18% hộ ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất kinh doanh. 46% hộ được khảo sát cho rằng công nghệ tự động hóa có tầm quan trọng cao trong hoạt động sản xuất và 39% hộ nông dân gặp khó khăn trong việc tiếp cận trông tin.

Các doanh nghiệp nông nghiệp ưu tiên tự động hóa, máy móc, cảm biến và thu thập dữ liệu. Trong khi đó các hộ kinh doanh nông nghiệp ưu tiên các công nghệ hỗ trợ việc đưa ra quyết định tức thời và giải quyết các vấn đề quản lý hàng ngày.

Một số thành tựu chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp

Đến nay, các giải pháp chuyển đổi số trong nông nghiệp và công nghệ đã được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản.

Theo Ban chỉ đạo Tổng điều tra nông thôn – nông nghiệp và thủy sản Trung ương, các giải pháp chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp – lâm nghiệp – ngư nghiệp như sử dụng nhà kính, nhà lưới, nhà màng đã được ứng dụng ở nhiều địa phương. Tiêu biểu là các tỉnh thành phố như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, Lâm Đồng.

Vào ngày 1/7/2016, Việt Nam đã có 5.897,5 ha nhà kính, nhà lưới, nhà màng ở 327 xã. Trong số đó, có 2.854,3 ha (48,4%) trồng hoa; 2.144,6 ha (36,4%) trồng rau; 661,1 ha (11,2%) gieo trồng cây giống; 237,5 ha (4%) nuôi trồng thủy hải sản.

Chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp đã giúp kết nối 9 triệu hộ nông dân với các doanh nghiệp chế biến, thương mại và 100 triệu người tiêu dùng trên cả nước, hàng tỷ người dùng trên thế giới. Nhờ đó, ngành nông nghiệp Việt Nam có thể thay đổi từ mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả sang mô hình sản xuất mới, có sự liên kết chuỗi giá trị. 

5. Khó khăn khi thực hiện chuyển đổi số ngành nông nghiệp

- Nhận thức và trình độ của nông dân còn hạn chế.

- Quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ và phân tán.

- Nhiều người dân và cả doanh nghiệp thiếu vốn để ứng dụng chuyển đổi số.

- Cơ sở dữ liệu khoa học đồng bộ về môi trường, thị trường, công nghệ còn thiếu. Việc tổng hợp dữ liệu cũng gặp nhiều khó khăn.

6. Một số giải pháp chuyển đổi số trong nông nghiệp

Doanh nghiệp có thể áp dụng một số giải pháp chuyển đổi số nông nghiệp như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, áp dụng công nghệ vào quản lý đất đai, nâng cao khả năng tiếp cận vốn, xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là giải pháp tiên phong giúp chuyển đổi số thành công

- Xây dựng chính phủ điện tử và chuyển đổi số trong công tác quản lý để việc đề xuất, chỉ đạo, thực hiện các chính sách chuyển đổi số nông nghiệp hiệu quả.

- Khuyến khích doanh nghiệp, lao động trẻ tham gia chuyển đổi số.

- Đào tạo các chuyên gia chuyển đổi số trong nông nghiệp giỏi cả lý thuyết lẫn thực hành.

- Tăng cường truyền thông, tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn kỹ năng cho nông dân.

- Đào tạo người dân về việc sử dụng sàn thương mại để quảng bá sản phẩm.

- Kết nối các tổ chức như hội Phụ nữ, hội Nông dân và hợp tác xã để giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình áp dụng công nghệ.

- Khuyến khích người dân sử dụng các thiết bị điện tử hiện đại, tham gia thảo luận về cách ứng dụng công nghệ cao …

- Mời các nông dân đã chuyển đổi số thành công chia sẻ kinh nghiệm của mình.

Giải pháp về đất đai

- Khuyến khích tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp.

- Tăng cường ứng dụng các giải pháp công nghệ trong sản xuất nông nghiệp như: Giải pháp GIS, theo dõi tính trạng đất môi trường …

- Chính quyền địa phương tham gia vào việc liên kết, làm hợp đồng chuyển nhượng đất giữa nông dân và doanh nghiệp.

Giải pháp về vốn đầu tư

Để nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn, chính phủ ban ngành và chính quyền các tỉnh cần:

- Đơn giản hóa thủ tục, quy trình; tăng cường số lượng các khu, vùng nông nghiệp; doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được cấp phép công nhận.

- Tăng cường triển khai việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất nông nghiệp.

- Công nhận các tài sản trong sản xuất là tài sản thế chấp: Ao nuôi, nhà kính…

- Hỗ trợ nông dân lập kế hoạch kinh doanh và trả nợ.

- Xây dựng chính sách để thu hút các tập đoàn nước ngoài đầu tư vốn FDI cho các dự án chuyển đổi số nông nghiệp ở Việt Nam.

- Để doanh nghiệp chủ động tiếp cận nguồn vốn rồi mới đưa ra chính sách hỗ trợ.

Xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu

Thực hiện chuyển đổi số, kinh tế số trong nông nghiệp phải dựa trên nền tảng dữ liệu.

- Thay đổi thổi thói quen ghi chép nhật lý canh tác và nhật ký chăn nuôi của nông dân trên giấy rồi số hóa trên thiết bị điện tử bằng cách tập huấn, hướng dẫn nông dân tham gia mô hình ghi nhật ký sản xuất.

- Các cơ quan quản lý cần thống kê chi tiết các dữ liệu quan trọng liên quan đến phạm vi quản lý của mình.

- Cần tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn, trong đó tập trung vào đất trồng lúa, cây ăn quả, cây công nghiệp, đất rừng, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản ....

- Thiết kế mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp.

- Tăng cường việc cung cấp thông tin về môi trường, đất đai, thời tiết để giúp người nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng. Đồng thời, các cơ quan quản lý cần hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số.

- Thiết kế phần mềm quản trị dữ liệu và phân công cá nhân, tổ chức ở địa phương sử dụng phần mềm để thu thập, cập nhật, khai thác, quản lý và bảo quản cơ sở dữ liệu.

7. TOP 6 xu hướng chuyển đổi số tác động đến chuỗi giá trị ngành nông nghiệp Việt Nam

Nhà máy thông minh trong công nghiệp chế biến

Xây dựng và phát triển nhà máy thông minh trong sản xuất chế biến nông sản, thực phẩm giúp tối ưu hóa quá trình vận hành, ra quyết định dựa trên dữ liệu, giảm thiểu chi phí và sự phụ thuộc vào con người, giúp tối ưu hiệu suất. Đồng thời, nhà máy thông minh còn giúp kiểm soát tối đa các tiêu chuẩn về môi trường, an toàn, vệ sinh, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, v.v hướng đến sản xuất xanh và bền vững.

Các công nghệ trong Nhà máy thông minh:

- Iot trong công nghiệp

- Phân tích dữ liệu lớn

- Công nghệ điện toán đám mây

- Ứng dụng robotics hay trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence)

- Học máy (Machine Learning)

Nông nghiệp chính xác

Trong chăn nuôi: Chăn nuôi chính xác giúp thu thập và phân tích dữ liệu lớn về sức khỏe và hành vi vật nuôi theo thời gian thực, nhằm tối ưu mô hình chăn nuôi. Xu hướng này mang lại khả năng truy xuất nguồn gốc, giám sát dịch bệnh và ngăn ngừa thiệt hại kinh tế, đặc biệt có lợi cho các doanh nghiệp cung cấp trọn gói từ nông trại đến bàn ăn.

Trong canh tác nông nghiệp: Canh tác chính xác giúp kiểm soát tốt hơn các biến số có ảnh hưởng sự phát triển của cây

Công nghệ hiện đại được sử dụng trong nông nghiệp chính xác:

- Cảm biến thu thập dữ liệu theo thời gian thực

- Thiết bị IoT giám sát

- Sử dụng vệ tinh, máy bay không người lái

- Hệ thống GIS

- Bản đồ mặt đất…

Sự phát triển của hệ sinh thái nông nghiệp số

Hệ sinh thái trong nông nghiệp số bao gồm sự tham gia, tăng cường hợp tác của nhiều chủ thể trong nền kinh tế như:

- Chính phủ đưa ra các quy định, tiêu chuẩn công nghệ, định hướng chỉ đạo, xây dựng hạ tầng Công nghệ thông tin phục vụ phát triển nông nghiệp số

- Công ty công nghệ, phát triển các ứng dụng có tính thực tiễn trong nông nghiệp

- Hộ nông dân/ doanh nghiệp canh tác, nuôi trồng/ doanh nghiệp chế biến trực tiếp ứng dụng công nghệ trong sản xuất

- Doanh nghiệp phân phối, bán lẻ mở rộng kinh doanh trên nền tảng số ví dụ: thương mại điện tử, live-streaming, …

- Tổ chức tài chính tài trợ thông qua các phương thức số

- Người tiêu dùng trải nghiệm sản phẩm trên nền tảng số

- Tổ chức nghiên cứu, giáo dục, đào tạo các kỹ năng số

Ứng dụng AI trong nông nghiệp

Công nghệ AI kết hợp cùng các thiết bị cảm biến IoT là những công nghệ đang được ứng dụng khá phổ biến trong nhiều ngành nghề, góp phần cho sự phát triển bền vững. Ngành nông nghiệp cũng không đứng ngoài vòng ảnh hưởng này. Theo MarketAndMarkets, giá trị của AI trong ngành nông nghiệp được ước tính tăng từ 1 tỷ đô vào năm 2020 đến 4 tỷ đô vào năm 2026 với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm đạt 25,5% trong giai đoạn 2020-2026.

Thương mại điện tử và mô hình bán hàng đa kênh

Báo cáo Thương mại điện tử (TMĐT) các nước Đông Nam Á năm 2019 của Google, Temasek và Brain&Company dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình cho cả giai đoạn tới 2025 của TMĐT Việt Nam là 29%, đạt 43 tỷ USD và đứng thứ 3 trong khối ASEAN.

TMĐT bước đầu sẽ giúp nâng cao nhận diện thương hiệu sản phẩm, trong khi có tiềm năng lớn giúp tăng nguồn doanh thu trong thị trường trong và ngoài nước.

Tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng bằng công nghệ

Theo báo cáo của PwC từ 2020, 78% các đơn vị sản xuất hướng tới việc điều chỉnh mô hình hướng tới dịch vụ nhiều hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu khách hàng. Khách hàng hiện nay ngày càng có những tiêu chuẩn, yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm, dịch vụ, chú trọng hơn tới dinh dưỡng và sức khỏe.

Do đó việc tiến tới tối ưu trải nghiệm khách hàng sẽ giúp các doanh nghiệp chăm sóc “sức khỏe tinh thần” của khách hàng, qua đó gia tăng gắn kết và độ trung thành với thương hiệu.

Như vậy, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của ngành nông nghiệp Việt Nam và thế giới. Để chuyển đổi số thành công, ngành nông nghiệp cần phải triển khai các giải pháp trên nhiều phương diện và phối hợp với nhiều cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp, nông dân…

Nguồn: digital.fpt.com.vn

TÔN THẤT NIỆM - VPS
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 5.914.170
Truy câp hiện tại 11.842