Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thử nghiệm gieo ươm cây con thân thiện với môi trường hướng đến quản lý rừng trồng bền vững trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 31/01/2018

Hàng năm, trên địa bàn tỉnh, diện tích rừng trồng mới và trồng lại ước đạt khoảng từ 6.000 ha, nếu tính trung bình 01 ha rừng trồng cần khoảng 3.000 cây (kể cả tra dặm) thì mỗi năm sẽ có 18 triệu túi polyetylen (PE) phải thải ra môi trường xung quanh, do đó việc gieo ươm cây giống lâm nghiệp TTVMT (không sử dụng túi bầu bằng PE), sử dụng hỗn hợp ruột bầu bằng các loại phụ phẩm lâm, nông sản từ chất hữu cơ và túi bầu bằng giấy tự hoại, có kích thước bầu tương tự như bầu PE nhưng có trọng lượng nhẹ là rất cần thiết, góp phần giảm thiểu đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng rừng trồng, giảm chi phí đầu tư, tăng thu nhập cho người trồng rừng;

Để đẩy mạnh Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 xây dựng 13.000 ha rừng trồng gỗ lớn, trong đó tỷ lệ rừng được cấp chứng chỉ rừng FSC-Forest Stewardship Council (Hội đồng quản trị rừng) là 40% so với diện tích rừng gỗ lớn (tương đương 5.200 ha rừng trồng sản xuất) sử dụng giống lâm nghiệp TTVMT, do đó việc gieo ươm cây giống lâm nghiệp TTVMT sẽ là nhu cầu cấp bách và đáp ứng yêu cầu quản lý rừng bền vững.

Công ty TNHH 1TV Vũ Minh được sự hỗ trợ từ Dự án Mây Tre Keo bền vững-WWF đã thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ sản xuất cây giống lâm nghiệp TTVMT với Trung tâm Khoa học và Sản xuất lâm nông nghiệp Quảng Ninh và đến nay đã xây dựng xưởng sản xuất cây giống lâm nghiệp TTVMT tọa lạc tại thôn Tam Vị, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Công nghệ sản xuất chính là sử dụng dây chuyền các thiết bị cơ giới tạo túi bầu tự hoại với nguyên liệu 100% chất hữu cơ phế thải như mùn cưa, dăm gỗ loại thải, vỏ trấu, xơ dừa, vỏ đậu...Hầu hết các công đoạn gieo ươm đều được cơ giới hóa, tự động hóa từ khâu trộn hỗn hợp ruột bầu cho đến khâu cuộn túi bầu hữu cơ, cắt bầu…

Trang thiết bị sản xuất cây con được Công ty TNHH 1TV Vũ Minh đầu tư theo hướng cơ giới hóa, tự động hóa

Từ khi áp dụng công nghệ mới này cho đến nay, Công ty TNHH 1TV Vũ Minh đã gieo ươm thử nghiệm thành công 500.000 cây giống keo lai với các giống tiến bộ khoa học kỹ thuật như dòng BV10, BV16, BV32, BV33. Cây giống hom keo lai được tuyển chọn từ cây mô đầu dòng trồng làm vườn cây mẹ (vườn cung cấp hom). Hiện cây con gieo ươm đang sinh trưởng và phát triển ổn định, tỷ lệ cây sống trên 95%, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng xuất đi trồng rừng.

Cây con tại vườn ươm đang sinh trưởng ổn định

Thành công này mở ra triển vọng phát triển gieo ươm không chỉ cây keo mà còn nhân rộng ươm các loại cây bản địa phục vụ cung cấp giống cho các chương trình trồng rừng trên địa bàn tỉnh và khu vực Trung Bộ nói chung. Với công nghệ này, có một số ưu điểm nổi bật, đó là:

- Tận dụng được nguồn nguyên liệu hữu cơ sẵn có tại địa phương, hạn chế sử dụng đất đóng bầu phải khai thác từ vùng đồi núi, gây ô nhiễm không khí, nguồn nước và sạt lở đất;

- Giá thể ruột bầu chủ yếu là chất hữu cơ có khối lượng nhẹ hơn khoảng 3 lần so với cây con túi bầu bằng đất nên rất thuận lợi cho việc vận chuyển cây con đi trồng rừng;

- Vỏ bầu cây giống được làm từ nguyên liệu giấy tự hoại vì vậy trong quá trình đem trồng không cần phải xé vỏ bầu nên bộ rễ cây trồng được đảm bảo;

- Giá thể ruột bầu là chất hữu cơ có chức năng duy trì độ ẩm và tơi xốp do đó bộ rễ cây con phát triển mạnh với nhiều nốt sần cố định đạm, cây trồng phát triển tốt;

- Cải thiện điều kiện đất đai, khí hậu do không sử dụng túi bầu bằng PE thải ra môi trường xung quanh gây ô nhiễm môi trường sinh thái;

- Công suất máy sản xuất bầu cây đạt khoảng 30.000 - 40.000 bầu một ngày với 04 công nhân nhanh hơn gấp 4 lần so với người dân đóng bầu đất truyền thống.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có một số hạn chế, đó là:

- Thực hiện việc gieo ươm cây con TTVMT phải đầu tư vốn ban đầu tương đối lớn, nên chỉ phù hợp với loại hình doanh nghiệp sản xuất cây giống quy mô lớn, hợp tác xã; các hộ gia đình gieo ươm cây giống khó có thể đầu tư. Nếu quy mô đầu tư nhỏ, cây con sẽ có giá thành cao hơn so với cây con bằng túi bầu PE (ước tính cao hơn khoảng 200 đồng/cây).

- Dây chuyền sản xuất để tạo ra hỗn hợp ruột bầu bằng phế phẩm hữu cơ gây ảnh hưởng nhỏ đến môi trường do nhiều hạt bụi bay vào không khí, đặc biệt khi sản xuất với quy mô lớn. Hiện tại, vườn ươm của Công ty TNHH 1TV Vũ Minh ở tương đối xa khu dân cư và chung quanh có rừng trồng bao bọc, nên ít ảnh hưởng đến môi trường. Tuy nhiên,  khi mở rộng nhiều cơ sở gieo ươm theo mô hình này, vấn đề xử lý môi trường không khí cần phải chú ý. Việc chọn vị trí vườn ươm nên ở nơi xa khu dân cư tập trung và chung quanh có dải cây chắn gió bụi.

Với những ưu điểm nổi bật phân tích như trên, hoạt động gieo ươm cây theo TTVMT có một số lợi ích nhận định bước đầu như sau:

* Về kinh tế

- Thích ứng nhanh với điều kiện lập địa trồng rừng, cây con sinh trưởng, phát triển ổn định nhờ sống trong môi trường giá thể tơi xốp, đủ dinh dưỡng nên cây sinh trưởng tốt, cân đối, hệ rễ phát triển đều xuất hiện rất nhiều nốt sần cố định đạm đối với các dòng keo;

- Khu vực trồng rừng trên địa bàn tỉnh tập trung chủ yếu là địa hình đồi núi, đường sá đi lại khó khăn, do đó việc vận chuyển cây trồng rất dễ gây vỡ bầu nên cần thiết phải sử dụng cây con có kích thước bầu nhỏ, trọng lượng nhẹ;

- Cây giống rất nhẹ, chỉ từ 60 -70 gam/cây, giảm khoảng 2/3 trọng lượng so với bầu đất truyền thống (03 bầu hữu cơ bằng 01 bầu đất), nên rất thuận lợi khi vận chuyển; khi trồng không phải xé bầu nên cây trồng ít bị tổn thương cơ giới, phát triển tốt, tỷ lệ cây sống sau trồng rất cao, trên 95%, rừng đồng đều, nên giảm chi phí tra dặm và giảm chi phí vận chuyển cây con cả thủ công và cơ giới;

Bộ rễ có nhiều nốt sần cố định đạm, nhẹ hơn 1/3 lần so với túi bầu bằng PE

* Về xã hội - môi trường

- Cải thiện điều kiện đất đai do không sử dụng túi bầu bằng PE thải ra môi trường xung quanh và sử dụng túi bầu bằng chất hữu cơ giàu chất dinh dưỡng với nhiều nốt sần cố định đạm, có khả năng cải tạo đất, chống xói mòn;

- Tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương; hạn chế, tiến tới chấm dứt sử dụng đất đóng bầu phải khai thác từ vùng đồi núi sẽ gây ô nhiễm không khí, nguồn nước và sạt lở đất;

 

Nhiều túi bầu PE thải ra môi trường xung quanh gây ô nhiễm môi trường khi trồng rừng bằng cây giống có túi bằng PE

- Đáp ứng các yêu cầu quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC, PEFC.

Mô hình này cho thấy khả năng ứng dụng kết quả gieo ươm cây con TTVMT trên địa bàn tỉnh là hoàn toàn có tính khả thi, bởi vì:

- Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 150 cơ sở gieo ươm cây con, chủ yếu sản xuất cây con theo phương pháp truyền thống, hầu hết các cơ sở gieo ươm đều có kiến thức cơ bản về kỹ thuật gieo tạo cây con; do đó, quá trình chuyển hướng từ gieo ươm cây con bằng túi bầu PE sang gieo ươm cây con TTVMT sẽ tương đối đơn giản, khả năng tiếp cận công nghệ mới một cách nhanh chóng;

- Trang thiết bị đầu tư cho hoạt động gieo ươm cây con TTVMT như máy trộn hỗn hợp ruột bầu, máy cắt và đóng bầu..., kèm theo đó là những thao tác vận hành máy móc tương đối đơn giản, ít tốn công sức, hiện tại một số xưởng cơ khí trên địa bàn tỉnh có thể sản xuất và cung cấp cho các cơ sở gieo ươm có nhu cầu tổ chức sản xuất, không cần thiết phải nhập từ các địa phương khác, do đó việc chuyển giao công nghệ sẽ rất thuận lợi, dễ áp dụng tại địa phương. Đối với hộ gia đình gieo ươm quy mô nhỏ, không nhất thiết phải đầu tư máy móc, thiết bị mà vẫn sản xuất được cây TTVMT bằng cách mua lại túi bầu hữu cơ của doanh nghiệp đã đúc sẵn và cắt để gieo ươm.

- Vỏ bầu bằng giấy tự hoại trước đây phải nhập từ Trung Quốc với giá thành rất cao nhưng hiện nay có thể mua từ Việt Nam với giá thành thấp hơn nhiều;

- Nguyên liệu đóng bầu (dăm gỗ, vỏ trấu, mùn cưa, vỏ đậu...) là những phế phẩm hữu cơ tương đối phổ biến và sẵn có tại địa phương, dễ tìm kiếm và không phải nhập từ các địa phương khác;

- Nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng được nâng cao, do đó phương pháp gieo ươm cây con TTVMT chắc chắn sẽ được người dân hưởng ứng và tham gia tích cực, kéo theo thị trường tiêu thụ sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới;

- Bảo vệ môi trường trong hoạt động trồng rừng là điều kiện tiên quyết trong vấn đề hội nhập quốc tế, do đó trồng rừng bằng cây con TTVMT là lựa chọn tốt nhất nhằm đáp ứng một trong các yêu cầu quản lý rừng bền vững, tham gia chứng chỉ rừng FSC, hướng tới mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, tiến đến thực hiện hiệu quả Chương trình hành động REDD+ cấp tỉnh.

Với những thành công bước đầu, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tiếp tục theo dõi để đưa ra những khuyến cáo cần thiết và có những giải pháp nhằm hướng đến mục tiêu nhân rộng mô hình công nghệ mới này cho nhiều đối tượng liên quan theo hướng xã hội hóa công tác gieo ươm và sử dụng giống lâm nghiệp TTVMT./.

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 5.348.857
Truy câp hiện tại 496