Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Tỉnh Thừa Thiên Huế thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang – Cầu Hai
Ngày cập nhật 18/03/2020

 

    Ngày 20 tháng 02 năm 2020, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Phan Ngọc Thọ đã ký ban hành Quyết định số 495/QĐ-UBND về việ thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang – Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên Huế.

 

   Hệ sinh thái đầm phá Tam Giang – Cầu Hai là một hệ sinh thái quan trọng và độ đa dạng sinh học rất cao trong cả nước cũng như khu vực Đông Nam Á nói chung. Đầm phá Tam Giang – Cầu Hai có diện tích 22.000 ha mặt nước, trải dài 68 km chạy qua địa bàn 4 huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và thị xã Hương Trà. Tính đa dạng cao về sinh cảnh, sự biến động theo mùa và thường xuyên của chế độ thủy lý, thủy hóa, nguồn dinh dưỡng tại chỗ và sông suối tải vào phong phú mà hệ sinh thái động vật đầm phá rất giàu về thành phần loài, đặc biệt là động vật thủy sinh. Trong đó, động vật phù du có mật độ phân bố dao động từ 16.000 (cửa Thuận An, Tư Hiền) đến 67.967 (đầm Cầu Hai) và 73.722 (cửa sông Ô Lâu) ct/m3. Mật độ phân bố động vật đáy biến động theo mùa (mùa khô tăng lên), theo khu vực và đạt giá trị từ 575 (đầm Thủy Tú) đến 1.753 (cửa sông Ô Lâu) và 2.665 (đầm Cầu Hai) ct/m3.

   Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang – Cầu Hai là khu bảo tồn cấp tỉnh, được thành lập với các đặc điểm vị trí, ranh giới và diện tích:

a. Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang – Cầu Hai bao gồm 02 phân vùng: Ô Lâu, Cồn Tè - Rú Chá và 23 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nằm trong ranh giới hành chính của 23 xã, thị trấn thuộc 05 huyện, thị xã: Phong Điền (03 xã: Điền Lộc, Điền Hòa và Điền Hải); Quảng Điền (05 xã, thị trấn: Quảng Thái, Quảng Lợi, Quảng Ngạn, Quảng An và thị trấn Sịa); Phú Vang (06 xã, thị trấn: Phú Xuân, Phú Diên, Vinh Xuân, Vinh Phú, Vinh Hà, thị trấn Phú Đa); Phú Lộc (07 xã, thị trấn: Vinh Hưng, Vinh Giang, Vinh Hiền, Lộc Bình, Lộc Điền, Lộc Trì và thị trấn Phú Lộc) và; thị xã Hương Trà (02 xã: Hương Phong và Hải Dương).

b. Tổng diện tích Khu bảo tồn đất ngập nước Tam Giang – Cầu Hai là 2.071,5 ha, bao gồm phân vùng Ô Lâu (1.270,2 ha), phân vùng Cồn Tè – Rú Chá (187,1 ha) và 23 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản (614,2 ha). Trong đó:

Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt: 799,1 ha;

Phân khu phục hồi sinh thái: 1.242,9 ha;

Phân khu dịch vụ - hành chính: 29,5 ha.

c. Vùng đệm của khu bảo tồn đất ngập nước Tam Giang – Cầu Hai bao gồm toàn bộ diện tích đất mặt nước xung quanh đầm phá, tiếp giáp với phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phân khu phục hồi sinh thái là 17.945 ha. Vùng sinh cảnh liên kết của khu bảo tồn có diện tích là 69.684 ha bao gồm diện tích theo địa giới hành chính của 33 xã xung quanh đầm phá.

Trong đó UBND tỉnh đã nhấn mạnh, làm rõ mục đích thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai như:

  a. Bảo tồn, phục hồi được sinh cảnh, các hệ sinh thái đặc thù, quan trọng, đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản của đầm phá Tam Giang - Cầu Hai bao gồm:

    - Hệ sinh thái thảm cỏ biển tại khu vực Cồn Tè (Hương Trà);

    - Thảm thủy sinh nước ngọt tại cửa sông Ô Lâu (Phong Điền);

    - Hệ sinh thái rừng ngập mặn tại khu vực Rú Chá (Hương Trà).

b. Bảo vệ, phục hồi và phát triển quần thể của các loài chim hoang dã, quý hiếm, có giá trị bảo tồn, đặc biệt các loài chim di trú; phục hồi và phát triển phân vùng Ô Lâu trở thành “sân chim” tiêu biểu của khu vực và toàn quốc.

c. Bảo vệ và phục hồi các loài thủy sản quý hiếm, có giá trị bảo tồn và giá trị kinh tế đặc trưng cho đầm phá Tam Giang – Cầu Hai.

d. Tăng cường khả năng chống chịu của các hệ sinh thái trong khu bảo tồn, thích ứng với những biến động tự nhiên của đầm phá và biến đổi khí hậu.

e. Đảm bảo sự tham gia của cộng đồng tại địa phương trong quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên đất ngập nước.

g. Phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững; cộng đồng địa phương được tham gia quản lý, khai thác, sử dụng bền vững các giá trị của khu bảo tồn.

h. Hỗ trợ nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội cho các nhà khoa học, các nhóm người yêu thiên nhiên trong nước và quốc tế nghiên cứu khoa học sinh học, sinh thái học và bảo tồn.

   Hiện tại để khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước đi vào hoạt động sẽ cần một thời gian dài, tuy nhiên với tinh thần và quyết tâm cao của Lãnh đạo UBND tỉnh cùng các cấp ngành, diện mạo khu bảo tồn sẽ mau chóng được hình thành.

Tập tin đính kèm:
Huỳnh Văn Quang
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 5.362.855
Truy câp hiện tại 4.000