Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Phát huy vai trò của doanh nghiệp trong xây dựng nông thôn mới
Ngày cập nhật 09/06/2016

Sau 5 năm (2010 - 2015) thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nông thôn Việt Nam đã có những bước chuyển mình đáng kể. Những kết quả đạt được đã phản ánh sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình đồng hành cùng các địa phương thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức, cần có sự nghiên cứu và hỗ trợ phù hợp từ phía Nhà nước.

Từ Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới

Là nước nông nghiệp với gần 70% dân cư sống ở nông thôn, phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Vì vậy, Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương và chính sách lớn để phát triển nông nghiệp, nâng cao đời sống của người nông dân, phát triển kinh tế - xã hội nông thôn. Trực tiếp và toàn diện nhất là Nghị quyết số 26-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. “Phát triển nhanh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học - công nghệ, tạo đột phá để hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa nông thôn. Tăng đầu tư ngân sách cho nghiên cứu, chuyển giao khoa học - công nghệ để nông nghiệp sớm đạt trình độ tương đương với các nước tiên tiến trong khu vực; ưu tiên đầu tư ứng dụng công nghệ sinh học để chọn, tạo ra nhiều giống cây trồng, vật nuôi và quy trình nuôi trồng, bảo quản, chế biến, tạo đột phá về năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Xây dựng các chính sách đãi ngộ thỏa đáng để khai thác, phát huy tốt các nguồn lực khoa học - công nghệ, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu, chuyển giao khoa học - công nghệ… Tăng cường năng lực của hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, thú y, bảo vệ thực vật và các dịch vụ khác ở nông thôn; xây dựng các vùng sản xuất nông sản an toàn, công nghệ cao…”(1). Đây là một Nghị quyết quan trọng, đề ra các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp toàn diện, cơ bản cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân ở Việt Nam theo hướng bền vững. 

Nhằm góp phần thực hiện và triển khai hiệu quả Nghị quyết trên, ngày 04-6-2010, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 800/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020” với 19 tiêu chí cụ thể, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, cải thiện điều kiện sống và tăng thu nhập cho nông dân. Mục tiêu hướng tới là khu vực nông thôn mới có kết cấu hạ tầng hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường. Như vậy, có thể khẳng định Chương trình xây dựng nông thôn mới là một nội dung trọng tâm, xuyên suốt của Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, những năm qua, quá trình xây dựng nông thôn mới đã đạt được thành tựu khá toàn diện, thu hút được sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó không thể không kể đến vai trò của các doanh nghiệp. Đây là lực lượng nòng cốt, tham gia tích cực và có hiệu quả thiết thực, đặc biệt là trong thực hiện các đề án phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Và để hỗ trợ doanh nghiệp Chính phủ đã có Nghị định số 210/2013/NĐ-CP về Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, bằng những hành động, việc làm thiết thực, hiệu quả nhiều doanh nghiệp đã hỗ trợ các địa phương triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cả về vật chất cũng như đầu tư trực tiếp về nông thôn.

Vai trò của doanh nghiệp trong xây dựng nông thôn mới

Theo Báo cáo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2015, ngày 08-12-2015, sau 5 năm triển khai thực hiện, Chương trình đã đạt được những kết quả rất to lớn, bộ mặt nông thôn đã đổi thay tích cực; mức thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn đã đạt 24,4 triệu đồng/năm (tăng khoảng 1,9 lần so với năm 2010); phong trào xây dựng nông thôn mới đã được người dân và các doanh nghiệp hưởng ứng và trở thành phong trào rộng khắp cả nước.

Tính đến hết tháng 11-2015, cả nước có 1.298 xã (14,5%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; số tiêu chí bình quân/xã là 12,9 tiêu chí (tăng 8,2 tiêu chí so với năm 2010); số xã khó khăn nhưng có nỗ lực vươn lên (xuất phát điểm dưới 3 tiêu chí, nay đã đạt được 10 tiêu chí trở lên) là 183 xã.

Ở cấp huyện, đã có 11 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là: Huyện Xuân Lộc, Thống Nhất, thị xã Long Khánh (Đồng Nai), Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè (Thành phố Hồ Chí Minh), Đông Triều (Quảng Ninh), Hải Hậu (Nam Định), Đơn Dương (Lâm Đồng), Đan Phượng (TP. Hà Nội), thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang).

Đặc biệt, trong 5 năm, cả nước đã huy động được khoảng 851.380 tỷ đồng đầu tư cho Chương trình. Trong đó, ngân sách nhà nước (bao gồm các chương trình, dự án khác) 266.785 tỷ đồng (31,34%), tín dụng 434.950 tỷ đồng (51%), doanh nghiệp 42.198 tỷ đồng (4,9%), người dân và cộng đồng đóng góp 107.447 tỷ đồng (12,62%). Có những doanh nghiệp nhỏ như Doanh nghiệp Long Bình (tỉnh An Giang) hằng năm tiêu thụ nông sản cho nông dân tới 150 tỷ đồng, tài trợ đến 52 tỷ đồng trực tiếp cho địa phương xây dựng nông thôn mới. Doanh nghiệp Phan Hải ở Quảng Bình đã tài trợ 70 tỷ đồng cho các công trình hạ tầng nông thôn mới ở địa phương…

Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn như Tập đoàn TH True Milk, Hoàng Anh Gia Lai đầu tư vào nông nghiệp, làm thay đổi cơ cấu sản xuất và tư duy phát triển nông nghiệp vùng nông thôn, giúp tạo thêm việc làm cho hàng trăm ngàn lao động nông thôn với thu nhập ổn định. Liên kết với nông dân/các tổ chức của nông dân gắn với chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân, bao tiêu nông sản, tham gia tích cực phát triển chuỗi giá trị, khai thác tốt hơn và nâng cao giá trị thặng dư gia tăng cho nông sản, tăng thu nhập cho người dân,… Xa hơn nữa là góp phần tích cực thúc đẩy tích tụ ruộng đất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo nên một đội ngũ nông dân lao động công nghiệp như của các công ty Vinamilk, Mía đường Lam Sơn, Bảo vệ Thực vật An Giang…; trực tiếp tham gia tổ chức sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp góp phần nâng cao giá trị gia tăng, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Nhiều mô hình liên kết sản xuất trong nông nghiệp đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, bảo đảm cung ứng dịch vụ đầu vào và thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra của sản xuất. Nhiều doanh nghiệp đã đóng vai trò trung tâm trong tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, xác định thị trường,… Chính điều này cũng giúp tác động đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, thu hút lao động chuyển dịch cơ cấu lao động từ lĩnh vực nông, lâm, thủy sản sang công nghiệp, dịch vụ.

Như vậy, để xây dựng nông thôn mới rất cần “bàn tay” của doanh nghiệp nhằm tăng giá trị lao động, giá trị sản xuất ở khu vực nông thôn. Theo báo cáo của 11 xã thí điểm mô hình xây dựng nông thôn mới của Trung ương cho thấy, nơi nào thu hút được doanh nghiệp về đầu tư thì nơi đó kinh tế phát triển nhanh, thu nhập của người dân được nâng cao. Như tại xã Tân Hội (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng), trong những năm qua, các doanh nghiệp đã đầu tư tại địa phương, xây dựng vùng sản xuất rau, quả nguyên liệu, phục vụ chế biến và xuất khẩu. Tại xã Tân Thịnh (huyện Lạng Giang, Bắc Giang) Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam đầu tư vùng sản xuất nguyên liệu thuốc lá, hợp đồng thu mua sản phẩm cho nông dân, xây dựng mối liên kết doanh nghiệp - nông dân trong phát triển kinh tế.

Với những địa phương có lợi thế phát triển các khu công nghiệp, đưa doanh nghiệp về đầu tư xây dựng khu công nghiệp, phát triển ngành nghề công nghiệp như may mặc, chế biến, gia công sản xuất,… cũng là hướng phát triển vừa giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn, vừa góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động. Tại Nam Định đã có 50 doanh nghiệp dệt may trong, ngoài tỉnh và nước ngoài đầu tư xây dựng nhà xưởng, gắn bó lâu dài với địa bàn nông thôn. Doanh nghiệp nhỏ thì thu hút từ 300 đến 500 lao động, còn doanh nghiệp lớn, như Công ty Cổ phần May Sông Hồng đang tạo việc làm cho gần 2.000 lao động nông thôn huyện Xuân Trường (Nam Định), bước đầu giải quyết được bài toán thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa thành thị và nông thôn, bài toán “ly nông bất ly hương” của lao động nông thôn.

Vẫn còn nhiều vướng mắc cho doanh nghiệp khi đầu tư vào khu vực nông thôn

Sau 5 năm triển khai thực hiện, Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới vẫn còn những hạn chế, đó là: Chương trình chưa đạt được mục tiêu tới năm 2015 có 20% xã đạt tiêu chí nông thôn mới như Nghị quyết Trung ương 7, Khóa X đã đề ra (hiện mới đạt 14,5%). Trong khi đó, các xã mới chỉ tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là làm đường giao thông nhưng các nội dung về phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức. Đặc biệt, nhiều địa phương đã chú trọng thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới do cấp xã đảm nhận nhưng chưa chú trọng đúng mức thực hiện các nội dung ở cấp thôn và hộ gia đình. Ngoài ra, có sự chênh lệch lớn về kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền. Trong khi số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới Đông Nam Bộ là 34%, Đồng bằng sông Hồng là 23,5% thì miền núi phía Bắc và Tây Nguyên mới chỉ đạt khoảng 7%. Còn một số địa phương chạy theo thành tích nên có biểu hiện huy động quá sức dân, hoặc nợ đọng xây dựng cơ bản không có khả năng trả, hoặc khi đánh giá chất lượng tiêu chí còn tình trạng xuê xoa…

Phân tích về nguyên nhân của những hạn chế trên, có thể thấy, do xuất phát điểm của đa số các xã còn thấp, trong khi nguồn lực của cả Nhà nước, người dân còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng cũng như nhu cầu phát triển của ngành nông nghiệp nước nhà. Đối với khối doanh nghiệp, sở dĩ chưa thu hút được lực lượng này đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn là bởi vì:

Một là, do kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn còn yếu kém, nghèo nàn, lạc hậu, môi trường kinh doanh còn nhiều điểm chưa thuận lợi; khả năng quản lý nguồn nhân lực và tiếp cận thị trường còn hạn chế, dịch vụ logistic(2) chậm phát triển,… nên chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp khi muốn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Hai là, đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn lợi nhuận thấp, nhiều rủi ro, giá trị gia tăng trong sản phẩm nông nghiệp hàng hóa (cả tiêu thụ trong nước và xuất khẩu) vẫn còn thấp, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Hiện nay, số lượng doanh nghiệp tập trung ở khu vực thành thị chiếm tỷ lệ cao, số lượng doanh nghiệp ở khu vực nông thôn chiếm khoảng trên 30%, trong khi đó, sự hỗ trợ của Nhà nước và các chính sách bảo hiểm chưa bảo đảm cho nhà đầu tư thấy được cơ hội đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn so với các ngành khác.

Ba là, hệ thống chính sách chưa thực sự đồng bộ, chậm sửa đổi, bổ sung như: Luật Đất đai, Luật Ngân sách, Nghị định số 210/2013/NĐ-CP, ngày 19-12-2013 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Nghị định 42 về bảo vệ đất lúa; các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành về các tiêu chí (cơ sở văn hóa, an ninh trật tự…); công tác điều phối Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới còn nhiều lúng tùng, một số nơi phó mặc cho ngành nông nghiệp; năng lực cán bộ cơ sở còn hạn chế, thiếu một số kỹ năng cơ bản để phát triển Chương trình hiệu quả; huy động nguồn lực (nhất là nguồn lực từ ngân sách Trung ương) cho Chương trình chưa tương xứng với mục tiêu; chưa có cơ chế lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn trên cùng địa bàn; vốn thực hiện Chương trình còn hạn chế về cơ chế huy động vốn ngoài ngân sách chưa phát huy được tác dụng nên chưa thu hút được doanh nghiệp chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới.

Bốn là, trong nhiều năm, Nhà nước liên tục kêu gọi liên kết 4 nhà “Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp”. Tuy nhiên, thực tế sản xuất và kinh doanh nông sản cho thấy, sự phối hợp này chưa tốt dẫn đến tình trạng “được mùa mất giá” hay hiện tượng thương lái ép giá nông dân… Phát triển nông nghiệp còn thiếu quy hoạch, nôn nóng chạy theo các lợi ích kinh tế trước mắt, tự phát chuyển đổi mục đích sử dụng đất, gây lãng phí đất và nhiều tác động xấu đến môi trường.

Cần một hệ thống giải pháp đồng bộ

Nông thôn là một thị trường rộng lớn và đầy tiềm năng. Làm thế nào để thu hút được các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đang là đòi hỏi và nỗ lực từ phía các cơ quan quản lý và chính bản thân các doanh nghiệp. Để xây dựng nông thôn mới, trong thời gian tới cần thực hiện một hệ thống giải pháp đồng bộ nhằm phát huy mạnh mẽ vai trò của doanh nghiệp trong phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020.

Thứ nhất, cần thay đổi trong tư duy và chương trình hành động về nông nghiệp, nông thôn, trong đó Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, doanh nghiệp là trung tâm, nhà khoa học là đồng hành, nông dân là chủ thể.

Thứ hai, xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, ký kết hợp đồng cung ứng vật tư, bao tiêu sản phẩm với hộ nông dân, hợp tác xã theo mô hình cánh đồng lớn; tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp nhận công nghệ mới, ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản; khai thác tối đa tiềm năng lợi thế của mỗi vùng, miền và nâng cao chuỗi giá trị nông sản.

Thứ ba, cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách đồng bộ, trong đó tập trung tháo gỡ về chính sách đất đai, vốn, thuế, bảo hiểm trong nông nghiệp, tăng cường nguồn lực cho Chương trình nông thôn mới và tái cơ cấu đầu tư công để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn…; quy trình thủ tục thông thoáng, nhất quán, đột phá; có cơ chế hợp đồng ràng buộc về sự đóng góp, chia sẻ rủi ro, trách nhiệm cam kết,… để huy động nguồn lực của xã hội, nhất là từ các doanh nghiệp; nâng cao chất lượng bộ máy quản lý nhà nước về nông nghiệp, nông thôn bảo đảm đáp ứng yêu cầu của xây dựng nông thôn mới.

Thứ tư, các địa phương sớm hoàn thành cơ bản hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu ở các xã (nhất là giao thông, điện, thủy lợi, nước sạch, trường học, nhà văn hóa, trạm y tế) nhằm bảo đảm kết nối hiệu quả với hệ thống hạ tầng ở các huyện, tỉnh, đặc biệt tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc vận chuyển hàng hóa, thông thương với thị trường; công khai, minh bạch các quy hoạch, đề án, dự án nhằm kêu gọi đầu tư; đơn giản hóa các thủ tục đầu tư, trình tự đầu tư, thanh quyết toán vốn,…

Thứ năm, tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân, các ngành, các cấp, các doanh nghiệp đóng góp sức lực, của cải của mình vào sự nghiệp xây dựng nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói chung và Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nói riêng. Từ đó phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, biết dựa vào dân, khơi dậy tinh thần tự lực, huy động được nguồn lực trong nhân dân, nguồn lực trong doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn./.

------------------------------------------

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr. 138-139

(2) Theo Điều 133 Luật Thương mại, dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi mã ký hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao

Văn phòng Điều phối tỉnh (tổng hợp)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 5.348.857
Truy câp hiện tại 1.987