Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Những quy định mới tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ về Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm
Ngày cập nhật 09/03/2018

Ngày 02/02/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP về Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm (thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 của Chính phủ), Nghị định được đánh giá là đã tạo cuộc “cách mạng” trong quản lý an toàn thực phẩm, thể hiện nỗ lực rất lớn và quyết tâm cao độ của Chính phủ, của Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ cùng nhiều cơ quan liên quan trong việc cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp, cơ sở. Nghị định đã thể hiện sự thay đổi tư duy quản lý, từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phân quyền mạnh mẽ hơn và nâng cao trách nhiệm của cơ sở lên đến 100% đối với sản phẩm của mình để bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Theo đó, một số điểm mới nổi bật của Nghị định như sau:

1. Về công bố sản phẩm: Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện tự công bố thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ chứa đựng thực phẩm, vật liệu bao gói tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm trừ các sản phẩm sau:

- Miễn thực hiện thủ tục tự công bố sản phẩm: quy định tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định.

- Phải đăng ký bản công bố sản phẩm: quy định tại Điều 6 Nghị định. Kết quả của việc đăng ký bản công bố sản phẩm: cơ quan tiếp nhận thẩm định hồ sơ và cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm.

Trường hợp cơ sở tự công bố sản phẩm: Hồ sơ tự công bố sản phẩm được lưu tại cơ sở (có thể công khai bằng nhiều hình thức) và nộp 01 bản đến cơ quan nhà nước để lưu trữ.

Như vậy, sẽ có khoảng 95% sản phẩm thực phẩm không phải tiến hành các thủ tục hành chính. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ tăng cường hậu kiểm, kiểm tra, xử phạt nếu phát hiện sai phạm, trong đó sẽ mở rộng phạm vi, nâng cao mức xử phạt theo quy định pháp luật.

2. Về đối tượng không cần phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm: mở rộng thành 10 nhóm đối tượng so với 04 nhóm đối tượng trước đây theo Nghị định 38. Cụ thể: sản xuất ban đầu nhỏ lẻ; sản xuất kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định; sơ chế nhỏ lẻ; kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ; kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn; sản xuất, kinh doanh dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm; nhà hàng trong khách sạn; bếp ăn tập thể không có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm; kinh doanh thức ăn đường phố; cơ sở đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận GMP, HACCP, ISO 22000, IFS, BRC, FSSC 22000 hoặc tương đương còn hiệu lực.

3. Về phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm: đã phân công rõ trách nhiệm quản lý của 3 Bộ gồm Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo hướng các Bộ quản lý theo nhóm ngành hàng từ đầu đến cuối. Riêng đối với cơ sở sản xuất nhiều loại thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 2 cơ quan quản lý chuyên ngành trở lên thì cơ quan quản lý sản phẩm có sản lượng lớn nhất trong các sản phẩm của cơ sở sản xuất là cơ quan quản lý. Đối với cơ sở vừa sản xuất vừa kinh doanh nhiều loại sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 2 cơ quan quản lý chuyên ngành trở lên thì tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn cơ quan quản lý chuyên ngành về an toàn thực phẩm để thực hiện các thủ tục hành chính

4. Về trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trực tiếp làm nhiệm vụ Trưởng ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm; Xây dựng ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương về an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm thực phẩm đặc thù của địa phương; tổ chức tiếp nhận và quản lý hồ sơ, cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, giấy xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi.

Ngoài ra còn có một số nội dung khác như: quy định quảng cáo thực phẩm; kiểm soát thực phẩm nhập khẩu; điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất bảo vệ sức khỏe, sản xuất kinh doanh phụ gia thực phẩm; truy xuất nguồn gốc thực phẩm....

          Nội dung chi tiết của Nghị định 15 và Nghị định 38 vui lòng tải file bên dưới./.

Tập tin đính kèm:
CHI CỤC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG NLS VÀ TS
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 5.348.857
Truy câp hiện tại 4.447