Ngày 22 tháng 7 năm 2019, tại Hội trường Chi cục Kiểm lâm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm tổ chức cứu chữa các vụ cháy lớn xảy ra năm 2019 do đồng chí Võ Văn Dự, Phó Giám đốc Sở chủ trì. Tham dự hội nghị gồm có lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm, các đơn vị trực thuộc Chi cục, lãnh đạo các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, các Công ty Lâm nghiệp và đại diện Chi cục Kiểm lâm Vùng II.
Tại hội nghị, đồng chí Võ Văn Dự - Phó Giám đốc Sở chủ trì đặt vấn đề về diễn biến các vụ cháy lớn xảy ra năm 2019 và thực tiễn công tác tổ chức cứu chữa của các lực lượng tại hiện trường, những tồn tại, vướng mắc và khó khăn trong quá trình chữa cháy để các đơn vị tham gia góp ý kinh nghiệm trong quá trình chữa cháy vừa qua, nhằm phục vụ tốt cho công tác PCCCR thời gian còn lại trong năm 2019 và trong thời gian tới.
Hội nghị đã nghe báo cáo rút kinh nghiệm do đại diện phòng Quản lý, bảo vệ rừng và BTTN, Chi cục Kiểm lâm trình bày. Hội nghị đã có 20 ý kiến phát biểu chia sẻ những kinh nghiệm chỉ huy hiện trường; đồng thời, nêu rõ các tồn tại, vướng mắc, đề xuất và kiến nghị.
Kết thúc Hội nghị, đồng chí Võ Văn Dự yêu cầu các đơn vị Kiểm lâm, chủ rừng tập trung triển khai các nội dung trọng tâm như sau:
1. Về tiếp tục triển khai công tác PCCCR từ nay đến hết năm 2019, các đơn vị thực hiện nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ và 5 sẵn sàng” trong PCCCR; các đơn vị chủ rừng tổ chức rà soát phương án PCCCR và bố trí lực lượng phương tiện tại chỗ, sẵn sàng ứng cứu khi có cháy rừng xảy ra.
Các chủ rừng phải bố trí kịp thời lực lượng, phương tiện tại chỗ để triển khai dập lửa ngay từ khi mới phát hiện; đồng thời, báo ngay cho Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm sở tại để có biện pháp hỗ trợ.
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm có trách nhiệm thông báo ngay cho Đội Cảnh sát PCCC và CNCH khu vực và báo cáo đồng thời cho Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình MTPTLNBV huyện, thị xã, thành phố và Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm để có phương án chuẩn bị lực lượng tiếp ứng nếu vụ cháy lan rộng, cháy lớn.
Lực lượng Kiểm lâm có trách nhiệm phối hợp ngay với cơ quan Công an để điều tra vụ việc, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.
2. Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền lưu động. Nội dung tuyên truyền chú trọng các Điều khoản xử phạt vi phạm hành chính, quy định tại Điều 16, 17, Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp.
3. Đối với các khu vực rừng trồng gần lăng mộ và ruộng ven rừng; đặc biệt là các khu vực rừng thông đặc dụng trên địa bàn thành phố Huế, các đơn vị Kiểm lâm và chủ rừng cử cán bộ phụ trách địa bàn nắm rõ nhân thân của các chủ lăng mộ, ngày giỗ để có kế hoạch tuyên truyền, kiểm soát, nhắc nhở thân nhân khi đến đốt hương, viếng mộ trong những ngày lễ, ngày giỗ.
4. Kiểm lâm và chủ rừng phải là lực lượng tiên phong trong chữa cháy, phân công nhiệm vụ cụ thể công việc cho từng người, từng nhóm người. Đặc biệt, các lực lượng Kiểm lâm phải hướng dẫn kỹ thuật cho lực lượng Công an, Quân đội, và người dân khi họ tham gia chữa cháy.
Về công tác chỉ huy, lực lượng Kiểm lâm phải có phân công cụ thể cho từng thành viên tham gia chỉ huy các mũi chữa cháy, kết nối thông tin kịp thời để tham mưu cho người tổng chỉ huy để chỉ huy điều hành. Trong công tác chỉ huy chữa cháy, cần chú trọng đến điều phối lực lượng, nhất là lực lượng dự phòng để thay quân và giải quyết khâu xử lý sau cháy.
Chú ý động viên nhân dân đến hiện trường không thể tham gia trực tiếp chữa cháy thì tham gia vào việc vận chuyển nước phục vụ chữa cháy.
5. Về phương tiện, dụng cụ, ngoài các phương tiện, dụng cụ đã được trang cấp, mua sắm, tùy thuộc vào từng địa bàn rừng của các đơn vị mà bố trí các loại phương tiện, dụng cụ phù hợp; bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm có kế hoạch đề xuất mua sắm một số phương tiện phục vụ chữa cháy rừng chuyên dụng, như các thiết bị và xe chữa cháy chuyên dụng, vừa phun nước, vừa phun cát để chữa cháy, thiết bị quay phim, chụp ảnh từ trên không flycam để chỉ huy chữa cháy...
6. Chi cục Kiểm lâm khẩn trương xây dựng “Quy chế phối hợp chữa cháy rừng khi xảy ra cháy lớn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế”; trong đó, thể hiện tất cả các nội dung liên quan đến chữa cháy rừng, như: Huy động lực lượng, phương tiện; cơ chế chỉ huy, chỉ đạo; công tác hậu cần, cứu thương; quy trình phát hiện cháy và báo cáo; công tác hậu cháy rừng.
7. Liên quan đến hoạt động du lịch của các Đoàn tham quan tại các khu vực rừng dễ cháy, tại Hương Trà và một số điểm du lịch khác trên địa bàn tỉnh, Chi cục Kiểm lâm tham mưu Sở Nông Nghiệp và PTNT có văn bản gửi Sở Du lịch để phối hợp tổ chức thực hiện tốt các quy định về PCCCR.
8. Chi cục Kiểm lâm tranh thủ nguồn lực của Dự án Trường Sơn Xanh để xây dựng cẩm nang về PCCCR trên địa bàn Thừa Thiên Huế trong năm tài khóa 2020./.