Về tình hình sâu bệnh, theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh; trên cây lúa, bệnh đạo ôn lá đang gây hại trên các giống lúa nhiễm bệnh Xi23, IR38, Nếp địa phương, diện tích lúa nhiễm bệnh 1.248 ha, tỷ lệ bệnh 3-5%, bệnh cấp 1-3, diện tích nhiễm nặng 11,65 ha, tỷ lệ bệnh 20-30%, bệnh cấp 5-7, cục bộ gây cháy chòm ở vùng cát ven đầm phá không chủ động nước, ruộng khô nước (Quảng Thái, Quảng Công, Quảng Ngạn - Quảng Điền; Phú Diên, Vinh Xuân, Vinh Thanh - Phú Vang; Điền Môn, Điền Hương - Phong Điền;.). Chuột gây hại trên diện rộng, diện tích bị hại trên 1.262 ha lúa, tỷ lệ hại 3-10%, trong đó gây hại nặng 56 ha, tỷ lệ hại 30-70%. Các đối tượng sâu bệnh hại lúa khác như sâu cuốn lá, sâu năn, bệnh đốm nâu,…gây hại cục bộ.
Qua kiểm tra thực tế cho thấy, các địa phương đã thực hiện tốt việc phun trừ bệnh đạo ôn trên diện tích lúa nhiễm bệnh, tổ chức diệt chuột vào giai đoạn đầu vụ có hiệu quả, đã hạn chế được thiệt hại do sâu bệnh gây ra. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương chưa tích cực trong chỉ đạo, việc phòng trừ mang tính tự phát, thiếu đồng bộ, nên diện tích, mức độ gây hại của bệnh đạo ôn, chuột ngày càng nặng hơn.
Trong thời gian tới, diễn biến thời tiết cùng với việc chăm sóc bón phân của bà con nông dân là điều kiện phù hợp để bệnh đạo ôn gia tăng mức độ gây hại; thuận lợi cho chuột sinh sản gia tăng mật độ, tiếp tục gây hại nặng trên lúa từ giai đoạn đứng cái làm đòng cho đến trỗ chín.
Nhằm hạn chế những thiệt hại do sâu bệnh gây ra cho sản xuất lúa trong vụ Đông Xuân 2012-2013, Sở Nông nghiệp & PTNT đề nghị:
1. UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế chỉ đạo các phòng Nông nghiệp và PTNT, phòng Kinh tế triển khai thực hiện các nội dung sau:
- Đối với bệnh đạo ôn, diễn biến thời tiết hiện nay rất thuận lợi cho bệnh phát triển (ngày nắng đêm sương mù và xen kẽ có các đợt không khí lạnh tăng cường), tập trung huy động mọi nguồn lực, chỉ đạo phun trừ dứt điểm bệnh đạo ôn lá bằng các loại thuốc có hoạt chất Isoprothiolane (Fuji-one 40 EC, Fuan 40EC...) lần thứ nhất, sau 5- 7 ngày tiếp tục phun lại lần 2, để đảm bảo khống chế bệnh hoàn toàntrước khi lúa chuyển sang giai đoạn làm đòng. Đối với diện tích nhiễm bệnh ở các vùng không chủ động nước cần đưa nước vào ruộng để phun trừ bệnh đạo ôn có hiệu quả. Lưu ý khuyến cáo cho nông dân phun đủ lượng nước theo yêu cầu.
- Đối với chuột hại: Hiện nay chuột đang ở giai đoạn cặp đôi sinh sản và sống trong hang, việc phòng trừ bằng bã sinh học không có hiệu quả cao; cần tổ chức diệt chuột bằng biện pháp thủ công như đào bắt, đặt bẫy…. Theo dự báo, các lứa chuột con sẽ trưởng thành trong vòng 20-30 ngày tới, trùng với giai đoạn lúa đứng cái, chuẩn bị làm đòng, cần phát động diệt chuột đồng loạt từng đợt, với thời gian kéo dài từ 5-7 ngày/đợt trước thời điểm này để hạn chế mật độ.
- Phối kết hợp chặt chẽ với hệ thống BVTV, khuyến nông, các HTX...tăng cường giám sát đồng ruộng, điều tra dự tính dự báo các đối tượng sâu bệnh khác (rầy, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh khô vằn...) kịp thời, chính xác và thông báo chỉ đạo phòng trừ ngay khi bệnh mới chớm xuất hiện, sâu tuổi còn non và có nguy cơ ảnh hưởng đến năng suất.
- Tham mưu cho UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế chỉ đạo các địa phương tổ chức kiểm tra việc kinh doanh thuốc BVTV trên địa bàn nhằm ngăn chặn việc bán thuốc không đúng chủng loại, thuốc quá hạn dùng và kém phẩm chất.
2. Chi cục Bảo vệ thực vật chỉ đạo các Trạm BVTV bố trí cán bộ phụ trách địa bàn cụ thể tăng cường điều tra, theo dõi, dự tính dự báo, nắm chắc tình hình diễn biến, sự phân bố và dự báo khả năng phát sinh gây hại của bệnh đạo ôn, chuột hại; xây dựng phương án diệt chuột cộng đồng và đề xuất UBND cấp huyện chỉ đạo các địa phương thực hiện.
3. Trung tâm Khuyến Nông-Lâm-Ngư phối hợp với Chi cục BVTV, Trạm Khuyến Nông-Lâm-Ngư các Huyện, Thị xã tổ chức tuyên truyền, tập huấn hướng dẫn nông dân kỹ thuật phòng trừ có hiệu quả.
Trên đây là một số công việc cần quan tâm trong thời gian tới. Sở Nông nghiệp & PTNT đề nghị UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế, chỉ đạo các phòng Nông nghiệp & PTNT, phòng Kinh tế kết hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện tốt.