Theo kế hoạch, mục đích công tác hậu kiểm năm 2018 là:
1. Kiểm soát bảo đảm an toàn thực phẩm các khâu sản xuất, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường, chú trọng hậu kiểm đối với các cơ sở có sản phẩm công bố (tự công bố, đăng ký bản công bố sản phẩm), cơ sở sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh thực phẩm. Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng kế hoạch hậu kiểm bảo đảm mục tiêu 100% sản phẩm lưu thông trên thị trường phải được kiểm tra, giám sát 1 lần/ năm về công bố sản phẩm và chỉ tiêu an toàn.
2. Tuyên truyền chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm, trách nhiệm của cơ sở/ người sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong bảo đảm an toàn thực phẩm; phổ biến, hướng dẫn thực hiện có hiệu quả Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.
3. Công tác hậu kiểm phải ngăn chặn được cơ bản tình trạng sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn; phát hiện, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm về an toàn thực phẩm và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định.
Trong đó, trọng tâm nội dung hậu kiểm là:
1. Hậu kiểm về công bố sản phẩm
2. Hậu kiểm về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm.
3. Hậu kiểm đối với thực phẩm nhập khẩu.
4. Hậu kiểm về ghi nhãn thực hiện theo quy định tại Chương VII Nghị định số 15/2018/NĐ-CP
5. Hậu kiểm về quảng cáo.
6. Hậu kiểm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng phụ gia thực phẩm được thực hiện theo quy định tại Chương X Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.
7. Hậu kiểm về truy xuất nguồn gốc thực phẩm thực hiện theo quy định tại Chương XI Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.
8. Đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố: Tập trung hậu kiểm việc chấp hành các quy định chung về bảo đảm an toàn thực phẩm, các yêu cầu về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm; việc sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm; kiểm soát bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể khu công nghiệp, trường học, các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, khu du lịch, lễ hội, sự kiện lớn và thức ăn đường phố./.