Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, tính đến thời điểm năm 2018, toàn tỉnh có 56 hồ chứa thủy lợi, 06 hồ thủy điện đã đưa vào vận hành với tổng dung tích khoảng 2 tỷ m3, công suất lắp máy 330,2 MW.
Thực hiện vận hành hồ chứa, các chủ đập đã cập nhật phương án phòng chống lụt bão bảo đảm an toàn đập trình Bộ Công thương phê duyệt đối với các hồ thủy điện công suất trên 30MW; cập nhật, bổ sung phương án phòng chống lụt bão đảm bảo an toàn đập và phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du trình UBND tỉnh phê duyệt; thành lập Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão công trình; xây dựng, rà soát và ký Quy chế phối hợp giữa Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh với các nhà máy thủy điện; có phương án dự trữ vật tư, phương tiện tại các cụm công trình đầu mối.
Đối với các hồ chứa nước thủy lợi, thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ năm 2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, Công ty TNHHNNMTV QLKTCT thủy lợi tỉnh tiến hành thực hiện kiểm tra toàn diện và đánh giá công tác vận hành điều tiết các hồ chứa nước trên địa bàn quản lý.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, phân tích những khó khăn, bất cập hiện nay trong công tác quản lý an toàn đập thủy điện; công nghệ quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn; xây dựng và triển khai thực hiện các phương án phòng chống lụt bão gắn an toàn đập và vùng hạ du.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho biết, hiện nay, công tác dự báo thời tiết có vai trò quan trọng trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện các phương án phòng chống lụt bão. Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh tăng cường các bản tin cảnh báo, dự báo thời tiết để từ đó chủ động trong phòng tránh, xử lý khi có tình huống xảy ra.
Đối với các chủ hồ đập, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đề nghị các chủ đập thủy điện xây dựng phương án ứng phó sự cố vỡ đập; các chủ đập tăng cường bố trí đầy đủ vật tư dự trữ, nguồn điện dự phòng tại đầu mối để chủ động xử lý khi có tình huống; đầu tư lắp đặt camera để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành cũng như cần tổ chức các đợt diễn tập phòng chống lụt bão cho cán bộ, nhân viên tại các công trình thủy điện. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các chủ đập thủy điện cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để làm tốt công tác phòng chống lụt bão, đảm bảo an toàn hồ đập các công trình thủy điện trước mùa mưa lũ năm 2018. Qua đó xử lý kịp thời các sự cố do thiên tai gây ra, giảm thiểu đến mức thấp nhất những mất mát về người và tài sản.