Trên cơ sở những hoạt động được thực hiện thành công của pha I (giai đoạn từ 2013 đến 11/2016), Dự án “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam” (gọi tắt là FCPF) tiếp tục nhận được sự tài trợ từ Quỹ Đối tác Các-bon trong Lâm nghiệp thông qua Ngân hàng Thế giới (gọi là Dự án FCPF-2), thực hiện từ 12/2016 đến 12/2019.
Mục tiêu cụ thể của Dự án là hỗ trợ nâng cao năng lực tổ chức và kỹ thuật cho các cơ quan liên quan ở Trung ương và sáu tỉnh thuộc Chương trình giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế) nhằm chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+. Qua đó rút ra các bài học kinh nghiệm, góp phần xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống tổ chức và năng lực kỹ thuật đảm bảo việc quản lý điều phối và vận hành hiệu quả các chương trình, dự án về REDD+ tại Việt Nam.
Trong năm 2018 với mục tiêu Nâng cao nhận thức REDD+ cho người dân các xã trong vùng giảm phát thải, Ban quản lý Dự án tỉnh Thừa Thiên-Huế tiếp tục tổ chức các đợt truyền thông trên địa bàn tỉnh. Tính đến tháng 7/2018, đã tổ chức được 3 cuộc Hội thảo truyền thông với sự tham gia của hơn 120 đại biểu (trong đó tỷ lệ phụ nữ tham gia trên 30% ). Các đại biểu là cán bộ từ các phòng, ban của UBND cấp huyện, cấp xã, các tổ chức dân sự tại địa phương (Hội thanh niên, Ban Dân tộc…) và người dân của 21 xã, thị trấn trên địa bàn huyện A Lưới.
Nội dung truyền thông tập trung vào 4 chủ đề:
1. Rừng và biến đổi khí hâu, REDD+ và dự án FCPF-2
2. Những hoạt động REDD+ tại tỉnh năm 2017 và định hướng trong thời gian tới
3. Giới thiệu về Chương trình Giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ER-P), PRAP và biện pháp can thiệp cho từng địa phương
4. Giới thiệu FLEGT (Thực thi lâm luật, quản trị và thương mai lâm sản), những hình thức vi phạm lâm luật và quy định xử phạt
Dự án FCPF-2 đặc biệt coi trọng sự tham gia của phụ nữ, người dân tộc thiểu số trong các hoạt động
Sau khi được nghe các bài trình bày về các chủ đề trên, các đại biểu tập trung phần lớn thời gian cho thảo luận, xoay quanh vấn đề biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng như thế nào đến địa phương, những nguyên nhân mất rừng-suy thoái rừng, những hoạt động có thể tham gia vào việc giảm phát thải,…:
Kết thúc hội thảo, các đại biểu đã nhận thức hiểu rõ hơn các nguyên nhân gây nên biến đổi khí hậu, hậu quả của nó đối với môi trường, đời sống của người dân và cộng đồng, những nguyên nhân gây mất rừng, suy thoái rừng được phân tích kỹ và đồng thời có ý thức hơn trong việc tham gia quản lý, bảo vệ rừng nhằm góp phần giảm phát thải tại địa phương với mục tiêu giảm thiểu biến đổi khí hậu và thực hiện REDD+. Qua hội thảo các thành viên nhất trí sẽ tuyên truyền lại nội dung Hội thảo cho những người khác trong cộng đồng để mọi người đều biết.
Trong thời gian tới, Dự án sẽ tiếp tục tổ chức 7 hội thảo truyền thông tại các huyện Nam Đông, Phú Lộc, Phong Điền và thị xã Hương Trà, Hương Thủy để tiếp tục nâng cao năng lực cho người dân, cộng đồng về bảo vệ môi trường, tài nguyên rừng, chống biến đổi khí hậu và hỗ trợ thực thi REDD+./.
REDD+ (Reduce Emissions from Deforestation and forest Degradation) là một sáng kiến nhằm cung cấp hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển để giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ hệ thống khí hậu toàn cầu qua 5 hoạt động: giảm phát thải từ mất rừng, giảm phát thải từ suy thoái rừng, bảo tồn trữ lượng các-bon rừng, quản lý rừng bền vững và tăng trữ lượng các-bon rừng.
|