Đến thời điểm hiện tại, dịch tả lợn châu Phi đã lan đến 19, tỉnh, thành phố (trong đó có tỉnh Thừa Thiên Huế). Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có 3 nguyên nhân chính làm bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan. Phổ biến nhất là vận chuyển, giết mổ tiêu thụ lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh, dẫn tới dịch bệnh lây lan nhanh và ở diện rộng; hai là virus dịch tả lợn châu Phi có sức đề kháng cao với môi trường, sống lâu trong các điều kiện khác nhau, triệu chứng bệnh thường gây nhầm lẫn với triệu chứng của một số bệnh thường gặp khác ở lợn nên người chăn nuôi có tâm lý chủ quan, khi phát hiện thường đã muộn; ba là sử dụng thức ăn thừa từ bếp ăn công nghiệp, nhà hàng, quán ăn và đem về cho lợn ăn ngay mà không qua xử lí nhiệt...
Sau khi phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi vào ngày 18-3 tại hộ ông Tạ Hồng Uẩn (thôn Hiền An, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền), Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã chỉ đạo lực lượng cán bộ thú y kết hợp cùng chính quyền địa phương đã triển khai thực hiện ngay việc tiêu độc khử trùng các khu vực tiêu hủy lợn bệnh, chuồng trại, lối đi của hộ dân có lợn bị tiêu hủy. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng tiến hành lập hai chốt trực ở hai đầu tuyến đường ra vào khu dân cư để kiểm soát việc vận chuyển gia súc, phòng chống dịch bệnh lây lan và thông tin đến các địa phương lân cận. Ngoài ra Tỉnh đã thành lập 7 chốt trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt các chốt ra vào QL1A đơn vị tiến hành kiểm tra lâm sàng, tiêu độc khử trùng nhằm đảm bảo những con lợn nhập về lò mổ không có dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm để phòng ngừa
.
Theo ông Nguyễn Văn Hưng - Chi cục Trưởng Chi Cục Chăn Nuôi Thú Y Thừa Thiên Huế: Để phòng chống dịch bệnh các hộ dân chủ động bảo vệ đàn lợn của mình, phải thường xuyên vệ sinh tiêu độc khử trùng, phun thuốc sát trùng chuồng nuôi (2 ngày/lần), nếu phát hiện lợn chết thì phải báo ngay cho cơ quan chức năng. Đặc biệt, Người dân là phải tuân thủ và thực hiện tốt nguyên tắc “5 không” (không giấu dịch, không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt). Ngoài ra, tăng cường việc tiêm phòng các loại vắc xin, ngành Thú y tỉnh đã tăng cường các biện pháp tiêu trùng khử độc, trong đó đã phân bổ trên 17 tấn hóa chất Benkocid về cho các địa phương. Ông cũng cho biết bệnh dịch tả lợn châu Phi là một bệnh hoàn toàn không lây cho người. Bệnh chỉ lây trên lợn với nhau và các loại lợn. Người dân có thể yên tâm ăn thịt lợn rõ nguồn gốc, an toàn thực phẩm thì chúng ta có thể tiêu thụ.
UBND tỉnh, Sở NNPTNT cũng chỉ đạo các địa phương, đặc biệt là các cơ quan truyền thông, báo chí trên địa bàn tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đến cộng đồng dân cư để người dân không tham gia các hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu vào trong tỉnh tiêu thụ; không mua bán, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn không có nguồn gốc rõ ràng, chưa qua kiểm dịch thú y để hạn chế phát sinh và lây lan dịch bệnh.