Ngày 19/10/2020, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tổ chức Hội nghị Tổng kết sản xuất trồng trọt và bảo vệ thực vật năm 2020. Đến dự và chỉ đạo Hội nghị có ông Hồ Vang – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT; Đại diện Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Sở: Văn Phòng, phòng Kế Hoạch-Tài chính, Phòng Thanh Tra; Chi cục Kiểm Lâm; Chi cục Chăn nuôi- Thú y; Chi cục Thủy Lợi; Trung tâm Khuyến nông; Cục Thống kê tỉnh; Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp Huế; Công ty TNHHNN 1 TV Khai thác Công trình Thủy lợi; phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, phòng Kinh tế thị xã, thành phố Huế; Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị xã. Công ty Cổ phần Giống cây trồng vật nuôi; Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp; Công ty TNHH 1 TV Quế Lâm Miền Trung; Đại diện Lãnh đạo các Công ty, Chi nhánh kinh doanh thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh.
Năm 2020, thời tiết khí hậu diễn biến phức tạp, trong vụ Đông Xuân đã xảy ra 2 đợt mưa lớn vào các ngày từ 12-13/4/2020 và từ 24-26/4/2020 gây đổ ngã 16.198,78 ha lúa, diện tích rau màu bị thiệt hại 210,47 ha. Vụ Hè Thu thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao, một số diện tích lúa khô hạn thiếu nước phải bỏ hoang không sản xuất được, các đối tượng sinh vật gây hại trên cây lúa như bọ phấn, sâu cuốn lá, lem lép hạt gia tăng hơn so với cùng kỳ năm trước. Các đối tượng dịch hại mới lần đầu tiên xuất hiện như bệnh khảm lá sắn, rệp sáp bột hồng, sâu keo mùa thu, ... Tuy nhiên nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND Tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thị xã, thành phố, của các ban ngành đơn vị và sự tích cực của bà con nông dân trong sản xuất đã đảm bảo được năng suất, sản lượng theo kế hoạch đề ra. Diện tích lúa chất lượng cao tăng 203,55 ha so với năm 2019, một số giống lúa có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu đổ ngã như ĐT100, HN6, …, chống chịu nắng nóng, nhiệt độ cao, hạn chế bệnh lem lép như HG12, … Nhiều ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, mô hình 3 giảm 3 tăng; mô hình xử lý rơm rạ sau thu hoạch bằng chế phẩm Trichoderma; sản xuất VietGAP, hữu cơ, …, cơ giới hóa trong sản xuất như làm đất, thu hoạch, máy cuộn rơm, máy cấy lúa, máy phun thuốc bảo vệ thực vật không người lái, … được triển khai áp dụng đã góp phần giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu qủa kinh tế, hạn chế đốt rơm rạ, bảo vệ môi trường. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng được quan tâm chỉ đạo đã chuyển đổi 777,5 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng một số cây trồng khác hiệu quả hơn; diện tích sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn 8.458 ha (tăng 3.065,8 ha so với 2019), trong đó liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm 3.894 ha; Kết quả công tác khảo nghiệm giống lúa đã chọn được 17 giống lúa có tiềm năng về năng suất, chất lượng, chống chịu điều kiện ngoại cảnh bất lợi và sinh vật gây hại để đưa vào sản xuất thử năm 2021.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác chỉ đạo sản xuất trồng trọt và bảo vệ thực vật vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Diện tích các loại cây trồng còn phân tán, nhỏ lẻ, diện tích canh tác bình quân trên hộ thấp nên khó hình thành vùng sản xuất tập trung theo quy mô lớn. Một số địa phương chưa có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng kịp thời, đặc biệt đối với các vùng đất thiếu nước, hạn hán nên hiệu quả của công tác chuyển đổi chưa cao. Doanh nghiệp tiêu thụ các loại nông sản phẩm trên địa bàn Tỉnh chưa nhiều nên sản phẩm chưa có đầu ra ổn định, giá các mặt hàng nông sản còn ở mức thấp, bấp bênh (mủ cao su, sắn,...) trong khi giá thuê công lao động, giá các loại vật tư (phân bón, thuốc BVTV,...) vẫn còn ở mức khá cao nên gây khó khăn và hạn chế trong việc đầu tư sản xuất của người nông dân. Chính sách và cơ chế cho sản xuất hữu cơ chưa đầy đủ, việc thực hiện sản xuất hữu cơ theo đúng quy trình còn gặp nhiều khó khăn (do tập quán canh tác, sử dụng phân bón, thuốc BVTV,…). Mặt khác chưa có nhiều tổ chức chứng nhận cho sản phẩm hữu cơ nên đã ảnh hưởng tới tâm lý của người sản xuất và tiêu dùng.
Kết luận Hội nghị, ông Hồ Vang chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp trong năm 2021: Tập trung chỉ đạo khắc phục thiệt hại do lũ lụt, kiểm tra và có kế hoạch tu sửa đê bao ngăn mặn, kênh mương nội đồng; rà soát giống lúa để chuẩn bị gieo cấy vụ Đông Xuân 2020-2021. Tiếp tục triển khai, thực hiện chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025. Triển khai thực hiện Kế hoạch số 74/KH-UBND ngày 07 tháng 3 năm 2020 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc triển khai các hoạt động hợp tác với Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Kế hoạch số 176/KH-UBND ngày 27 tháng 7 năm 2020 của UBND tỉnh về việc triển khai các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn với Trường Đại học Nông lâm Huế nhằm thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh Thừa Thiên Huế theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, trong đó tập trung kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu bưởi Thanh Trà; lúa chất lượng cao; trồng Sen lấy hạt đến năm 2025. Mở rộng, đa dạng các sản phẩm sản xuất theo hướng công nghệ cao, hữu cơ, VietGAP, đăng ký nhãn hiệu, phát triển thương hiệu một số sản phẩm trồng trọt. Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa và liên kết sản xuất tiêu thụ để gia tăng giá trị. Tiếp tục mở rộng diện tích các giống lúa chất lượng đã qua khảo nghiệm trong năm 2020. Đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất như làm đất, thu hoạch, máy cuộn rơm, máy cấy, máy bay phun thuốc BVTV không người lái, ... Tăng cường công tác điều tra, dự tính dự báo tình hình sinh vật gây hại để có biện pháp quản lý, phòng trừ. Quan tâm chỉ đạo bệnh khảm lá sắn, chủ động nguồn giống sạch bệnh để trồng niên vụ 2021. Tiếp tục bố trí các mô hình quản lý an toàn dịch hại tổng hợp (IPM); mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tăng năng suất, hiệu quả sản xuất lúa trên đất nhiễm chua, phèn; mô hình sử dụng chế phẩm Metarhizium phòng trừ rầy gây hại trên cây lúa; ... phục vụ công tác điều tra dự tính dự báo và chỉ đạo sản xuất./.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thừa Thiên Huế