Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Chương trình khuyến nông tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025
Ngày cập nhật 02/04/2021

Ngày 31/3/2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 673/QĐ-UBND về việc phê duyệt Chương trình khuyến nông tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, dự kiến kinh phí thực hiện Chương trình là hơn 123 tỷ đồng, huy động từ nguồn vốn của Khuyến nông Trung ương, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; kinh phí thực hiện chính sách quản lý và sử dụng đất trồng lúa; ngân sách địa phương và kinh phí đóng góp của các doanh nghiệp, Hợp tác xã, các tổ chức và người dân. Đối tượng nhận chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, mô hình sản xuất có hiệu quả, công nghệ trong nông nghiệp bao gồm: Nông dân, chủ trang trại sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; Tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp và các tổ chức khác hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Mục tiêu của Chương trình nhằm thúc đẩy ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, các mô hình sản xuất có hiệu quả vào sản xuất nông nghiệp, thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của nông sản; cải thiện và nâng cao đời sống của nông dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, sản xuất gắn với thị trường thông qua các hoạt động khuyến nông; góp phần thực hiện Chương trình hành động số 69-CTr/TU ngày 03/02/2020 của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Các nhiệm vụ, nội dung hoạt động cụ thể gồm:
- Công tác thông tin tuyên truyền, tham quan, học tập: Hằng năm xây dựng từ 2-3 chuyên mục, 10-15 bản tin phát trên sóng truyền hình; xây dựng 3-4 đĩa hình hướng dẫn kỹ thuật, đưa 1-2 tin/tháng trên Website của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông. Tổ chức Hội nghị giới thiệu các mô hình Khuyến nông có hiệu quả hằng năm, tham dự các Hội thảo Khuyến nông đô thị do Câu lạc bộ khuyến nông đô thị toàn quốc tổ chức. Tổ chức các Hội thi Trái ngon Thanh Trà Huế toàn tỉnh theo quy chế đã được phê duyệt. Tổ chức các Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp, các Hội thảo chuyên đề, các cuộc Tọa đàm khuyến nông; tạo cơ hội liên kết một cách hiệu quả giữa bà con nông dân với các nhà khoa học, nhà quản lý, các chuyên gia; giải đáp cho người nông dân, chủ trang trại về các vấn đề kỹ thuật, về những chính sách phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới…
- Công tác tập huấn, đào tạo: Hằng năm tổ chức 7-8 lớp tập huấn cho cán bộ khuyến nông tỉnh, huyện, cán bộ Hợp tác xã, tổ hợp tác và các chủ trang trại. Tập trung vào các nội dung chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới; về tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi; về tiêu thụ sản phẩm; về phương pháp khuyến nông. Lồng ghép với hoạt động xây dựng mô hình trình diễn để mở các lớp tập huấn cho cán bộ cơ sở, nông dân tham gia mô hình, các hội viên... theo các giai đoạn phát triển cây trồng vật nuôi. Nội dung chủ yếu là hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Hằng năm tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình khuyến nông có hiệu quả ở trong và ngoài tỉnh.
- Xây dựng mô hình trình diễn; hỗ trợ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, giống cây trồng vật nuôi mới: Tập trung vào các chương trình nông nghiệp, cây trồng, vật nuôi chủ lực có thế mạnh của tỉnh, các tiến bộ kỹ thuật mới đặc biệt là các tiến bộ kỹ thuật về công nghệ sinh học, phương pháp canh tác mới, cơ giới hóa; liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi nhằm nâng cao giá trị sản phẩm; sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. 
Xây dựng các mô hình áp dụng các giống lúa mới có triển vọng. Với mục tiêu đánh giá được tiềm năng về năng suất, triển vọng về chất lượng, khả năng thích ứng với ngoại cảnh, sâu bệnh hại… của các giống lúa mới; xác định mức độ  phù hợp của các giống lúa mới với điều kiện đất đai, thời tiết khí hậu, trình độ canh tác của từng vùng, từng địa phương. Hằng năm bố trí với quy mô khoảng 100ha. Các biện pháp kỹ thuật tổng hợp xử lý rơm rạ sau thu hoạch. Áp dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh sản xuất lúa chất lượng. Xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ lúa. Mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, tăng năng suất, hiệu quả sản xuất lúa tại các xã khó khăn. Mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng lúa an toàn, lúa hữu cơ.
Xây dựng các mô hình ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất và chế biến lạc, thúc đẩy phát triển sản xuất lạc theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Tiếp nhận và trồng thử nghiệm các giống sen mới có triển vọng, đánh giá kết quả để ứng dụng vào sản xuất đại trà.
Mô hình trồng thử nghiệm một số loại cây ăn quả mới : Ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để xây dựng các mô hình trồng cây ăn quả giống mới có giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng địa phương. 
Mô hình thâm canh cây Thanh Trà theo hướng bền vững và an toàn dịch bệnh: Ứng dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật và áp dụng công nghệ mới để xây dựng các mô hình sản xuất Thanh Trà an toàn, chất lượng nhằm thay đổi nhận thức về sản xuất cho người nông dân, hướng đến nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn sản phẩm, hiệu quả và phát triển bền vững. 
Mô hình Nhà lưới thông minh, ứng dụng công nghệ IoT và trí tuệ nhân tạo trong giám sát và tương tác tự động. 
Mô hình nâng cao chất lượng bò lai bằng các giống bò cao sản. Chương trình Thụ tinh nhân tạo trâu, bò. Mô hình chế biến rơm cuộn làm thức ăn nuôi trâu bò: Phối hợp rơm với thức ăn tinh và phụ phẩm khác thành thức ăn đảm bảo dinh dưỡng để phát triển chăn nuôi trâu bò, góp phần thúc đẩy hoạt động thu gom rơm bằng máy cuộn rơm.  Mô hình nuôi lợn nái an toàn sinh học, góp phần phục hồi và phát triển đàn lợn sau dịch tả lợn Châu Phi, chủ động cung ứng giống tốt, an toàn dịch bệnh để phát triển chăn nuôi lợn thịt thương phẩm trên địa bàn. Mô hình nuôi gà an toàn sinh học gắn với xây dựng thương hiệu; tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, đầu ra ổn định và đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch cho người tiêu dùng. 
Các mô hình nâng cao chất lượng sản phẩm và giá trị kinh tế trong nuôi trồng thủy sản nước lợ mặn theo hướng an toàn và phát triển bền vững; góp phần cơ cấu đối tượng nuôi có giá trị kinh tế; tạo nguồn cung thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, tạo thêm nghề mới có thu nhập cao, ổn định cho bà con ở các địa phương ven biển và đầm phá. Mô hình nuôi ốc Hương theo hướng an toàn sinh học, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Thử nghiệm mô hình nuôi cá Nâu thương phẩm theo hướng an toàn từ nguồn giống sinh sản nhân tạo. Mô hình nuôi cá Dìa bán thâm canh theo hướng an toàn và gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm ở vùng trung và cao triều.  Mô hình nuôi thủy sản sinh thái trong rừng ngập mặn gắn với liên kết tiêu thu sản phẩm.  Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát đảm bảo an toàn thực phẩm tại một số tỉnh ven biển miền Trung. Mô hình nuôi Cua gạch trong ao đầm gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Các mô hình phát triển nuôi thủy đặc sản nước ngọt có giá trị kinh tế theo hướng an toàn và gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Mô hình thử nghiệm ương giống cá Chình bằng nguồn nước tự chảy ở các huyện miền núi.  Mô hình nuôi cá Chình thương phẩm tại các huyện miền núi. Mô hình nuôi cá Leo bằng lồng trên hệ thống hồ chứa và sông ngòi theo hướng an toàn ở các huyện A Lưới,  Phú Lộc; các thị xã Hương Trà, Hương Thủy. Mô hình nuôi thủy đặc sản nước ngọt ở miền núi gắn với phát triển du lịch sinh thái.  Mô hình ao nuôi tôm thẻ thông minh, ứng dụng công nghệ IoT và trí tuệ nhân tạo trong giám sát và tương tác tự động
Mô hình thu gom rơm bằng máy cuốn rơm: Ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, tiết kiệm chi phí nhân công và thu gom rơm kịp thời vụ; nâng cao giá trị gia tăng của sản xuất lúa; góp phần phát triển chăn nuôi; hạn chế việc đốt đồng gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Mô hình ứng dụng mạ khay máy cấy.
 
Kết quả cụ thể của Chương trình sẽ góp phần để đạt mục tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân năm giai đoạn 2021-2025 từ 2,5-3%. Đến năm 2025 có trên 90% cán bộ làm công tác khuyến nông cấp huyện, xã; 100% khuyến ngư viên cơ sở và hộ tham gia thực hiện mô hình được tham gia các lớp đào tạo, tập huấn. Các mô hình khuyến nông đạt năng suất, chất lượng và giá trị tăng thêm tối thiểu từ 10-25% so với sản xuất truyền thống và đáp ứng các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đến năm 2025, diện tích lúa chất lượng cao đạt tối thiểu 50% diện tích gieo cấy lúa toàn tỉnh; tỷ lệ đàn bò lai đạt trên 85%, đàn lợn nạc đạt hơn 95% tổng đàn; diện tích nuôi tôm trên cát ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 200ha.
 
Một số hình ảnh về các mô hình Khuyến nông thời gian qua
 
 
Mô hình cải tạo đàn bò bằng giống bò Senepol.
 
Mo hình 3 giảm 3 tăng" trong sản xuất lúa
Mo hình 3 giảm 3 tăng trong sản xuất lúa
 
Mô hình thu gom rơm bằng máy cuốn rơm phục vụ sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường
 
Mô hình Nuôi xen ghép cá Bống bớp với tôm sú theo hướng an toàn
 

Mô hình nuôi gà lai lông màu cho vùng khó khăn năm 2019

 

Mô hình thâm canh bưởi thanh trà đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm

 

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.265.260
Truy câp hiện tại 457