Tham dự Hội nghị có các thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh và Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh; Đại diện Lãnh đạo các sở, ngành liên quan; Đại diện Lãnh đạo UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững các huyện, thị xã, thành phố Huế; các đơn vị phối hợp bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; Các đơn vị vũ trang trực tiếp được huy động chữa cháy rừng, Chi cục Kiểm lâm, Lãnh đạo các đơn vị chủ rừng Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tuyến.
Đ/c Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đ/c Nguyễn Đại Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở chủ trì Hội nghị
Đ/c Nguyễn Đại Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở trình bày báo cáo tại Hội nghị.
Thời gian qua, công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng năm 2020 và 7 tháng đầu năm 2021 đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Các khu rừng tự nhiên xung yếu cơ bản được kiểm soát và hạn chế được tình trạng chặt phá rừng, ổn định độ che phủ rừng của tỉnh, hiện đạt mức 57,38%. Đã triển khai tốt 65/2015/CT-UBND, tạo ra hiệu ứng xã hội rõ rệt, nên hiện nay diện tích lấn chiếm rừng, đất rừng đã giảm hẳn.
Công tác PCCCR đã được quan tâm và chủ động theo phương châm 4 tại chỗ và 5 sẵn sàng; tuy nhiên, do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, cộng thêm thảm thực bì dưới tán rừng thông dày đặc, đã xảy ra cháy lớn các vụ cháy rừng vừa qua, đặc biệt vụ cháy rừng từ ngày 28-30/6/2021 tại khu vực phường Phú Bài, Thủy Phương, Thủy Châu, thị xã Hương Thủy gây thiệt hại lớn 265,7ha.
Ngành Lâm nghiệp đã tiếp tục áp dụng thành thạo công nghệ thông tin để theo dõi diễn biến tài nguyên rừng qua ảnh viễn thám, nhập và truyền dữ liệu trực tuyến, truy xuất báo cáo, góp phần tiết kiệm nguồn nhân lực, thời gian, minh bạch hoá kết quả giám sát rừng. Cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban, ngành đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nhận thức sâu sắc giá trị và vai trò của rừng trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Nhờ đó, các hành vi xâm hại rừng phần lớn đều đã phát hiện kịp thời và xử lý; công tác phối kết hợp giữa các lực lượng trong công tác QLBVR-PCCCR cũng đã triển khai đồng bộ, đem lại hiệu quả cao; nạn phá rừng tự nhiên đã được ngăn chặn; nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng, môi trường sinh thái được bảo vệ tốt hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác QLBVR-PCCCR cũng còn nhiều tồn tại, các vụ cháy rừng lớn xảy ra trong thời gian vừa qua đã gây thiệt hại lớn về kinh tế và môi trường; công tác quản lý rừng bền vững chưa được quan tâm đúng mức, nạn phá rừng, lấn chiếm rừng vẫn còn xảy ra; việc phối hợp giữa các đơn vị trong chữa cháy rừng còn chưa được nhịp nhàng.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận những kết quả đạt được về công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng trong thời gian qua của Ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các ngành liên quan, chính quyền địa phương các cấp và các đơn vị chủ rừng.
"Trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng gay gắt đến đời sống của người dân, vì vậy các ban ngành, đơn vị, địa phương phải cùng chung tay vì nhiệm vụ QLBVR-PCCCR, bảo vệ môi trường sinh thái", Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Đ/c Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Để tăng cường công tác QLBVR và PCCCR trong thời gian đến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các địa phương, chủ rừng và các ngành tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ của toàn thể xã hội đối với công tác QLBVR-PCCCR. Nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong hoạt động quản lý nhà nước về rừng và đất rừng. Rà soát lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để kịp thời bổ sung đảm bảo thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ và 5 sẵn sàng”.
Phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô; bố trí lực lượng trực các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ cháy rừng để kiểm soát người ra vào rừng và sử dụng lửa. Ngành Lâm nghiệp phối hợp với ngành Thông tin và truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền công tác QLBVR-PCCCR, quán triệt các nội dung chính sách pháp luật về Lâm nghiệp; tổ chức tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ. Chỉ đạo các đơn vị chủ rừng thực hiện nghiêm trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật, không để rừng bị lấn, bị chiếm, đặc biệt là rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, phòng hộ. Đặc biệt là công tác cảnh báo, phát hiện sớm các đám cháy; phối hợp tốt với các đơn vị quân đội, công an, chính quyền địa phương triển khai chữa cháy có hiệu quả.
Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh chủ động các phương án tác chiến hỗ trợ chữa cháy rừng, đồng thời sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy rừng khi có yêu cầu; đồng thời, phối hợp huy động lực lượng, phương tiện theo Quy chế phối hợp.
Các sở ngành liên quan phối hợp với ngành Nông nghiệp và PTNT nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn lực cho công tác bảo vệ rừng, PCCCR, đặc biệt là công tác PCCCR trên diện tích rừng thông dễ cháy và xây dựng các bể chứa nước cố định ở trong rừng, các công trình đường ranh cản lửa phục vụ công tác PCCCR.
Dịp này, UBND tỉnh đã tặng bằng khen cho 11 tập thể và 41 cá nhân đã có thành tích trong công tác chữa cháy rừng./.
Hồ Thị Như Trang