FRICS được Chính phủ Nhật Bản, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA giao nhiệm vụ phối hợp với Tổng cục Phòng chống thiên tai thực dự án Vận hành hồ chứa trong tình huống khẩn cấp và quản lý lũ hiệu quả bằng hệ thống thông tin quản lý thiên tai toàn diện tại Thừa Thiên Huế.
Dự án được thực hiện từ năm 2018 đến năm 2023. Tổng vốn của dự án: 18,5 triệu USD, trong đó: Vốn ODA không hoàn lại của Nhật Bản: 16,7 triệu USD, Vốn đối ứng: 1,8 triệu USD. Chủ dự án: Tổng cục Phòng chống thiên tai. Mục tiêu của dự án: tập trung vào việc nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo lũ trên lưu vực sông Hương, tỉnh Thừa Thiên Huế sử dụng công nghệ quan trắc đo mưa Radar XBand, mô hình mô phỏng lũ RRI, đo mực nước và lưu lượng tự động, giám sát vận hành hồ chứa tự động và số liệu được xử lý bằng hệ thống phần mềm chuyên dụng.
Ảnh: Toàn cảnh buổi làm việc
Tại buổi làm việc, Chủ tịch FRICS cho biết, do đại dịch Covid 19 nên đã phần nào làm ảnh hưởng chậm lại tiến độ của dự án so với kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, với sự nỗ lực không ngừng, cùng nhau vượt qua đại dịch Covid 19 của các chuyên gia Nhật Bản FRICS, cán bộ và nhân viên dự án nhiệt tình, có trách nhiệm với công việc; Văn phòng JICA Hà Nội, Tổng cục Phòng chống thiên tai, các Bộ ngành trung ương, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã hỗ trợ tối đa cho dự án, đến nay dự án đã hoàn thành khoảng 98% khối lượng công việc và dự kiến bàn giao đưa vào vận hành cuối năm 2022.
Ông Nunomura nhấn mạnh, trên cương vị Chủ tịch Trung tâm Thông tin lưu vực sông Nhật Bản, ông sẽ nỗ lực tiếp tục hỗ trợ cho tỉnh tăng cường hệ thống cảnh báo sớm cho vùng hạ du để cung cấp thông tin cho nhân dân trong các tình huống khẩn cấp bão, lũ và vận hành hồ chứa, góp phần tích cực vào sự phát triển mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam-Nhật Bản trong thời gian đến.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương chân thành cám ơn sự giúp đỡ của Chính phủ và nhân dân Nhật Bản, tổ chức JICA và các đối tác Nhật Bản đã luôn quan tâm hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian qua trong các lĩnh vực phát triển KTXH, Giao thông, GD&ĐT, Y tế, xóa đói giảm nghèo, phát triển lâm nghiệp, giảm nhẹ thiên tai...vv.
Đối với dự án, tỉnh Thừa Thiên Huế đã hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho dự án hoạt động, đã bố trí kinh phí vốn đối ứng, phòng làm việc, hỗ trợ các thủ tục xây dựng, đăng ký ODA cho chuyên gia, trong giai đoạn dịch covid 19 căng thẳng tỉnh đã quan tâm, ưu tiên tiêm phòng Vaccine covid 19 cho các chuyên gia và nhân viên đang làm việc phục vụ dự án.
Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh dự án vận hành hồ chứa trong tình huống khẩn cấp là Dự án thí điểm của Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ áp dụng tại Việt Nam với nhiều mô hình, công nghệ mới, kính đề nghị FRICS khẩn trương hoàn thiện dự án để đưa vào vận hành trong mùa mưa lũ năm 2022 và đề xuất với JICA tiếp tục quan tâm hỗ trợ nâng cao năng lực cho cán bộ nhân viên vận hành hệ thống tại Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
Quan tâm đào tạo chuyển giao chuyên sâu cho các cán bộ để đọc các kết quả Radar; phần mềm mô phỏng lũ ngập lũ RRI; đào tạo duy tu, bão dưỡng, vận hành hệ thống, trạm khí tượng thuỷ văn; Quan tâm hỗ trợ việc bảo hành, duy tu, bảo dưỡng các thiết bị dự án sau khi bàn giao và đưa vào sử dụng.
Ảnh: Đoàn chuyên gia chụp ảnh lưu niệm với Chủ tịch UBND tỉnh và các cán bộ Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh
Dự án Vận hành hồ chứa trong tình huống khẩn cấp và quản lý lũ hiệu quả bằng hệ thống thông tin quản lý thiên tai toàn diện tại Thừa Thiên Huế là dự đầu tiên tại Việt Nam về đầu tư trang thiết bị hiện đại để hỗ trợ công tác vận hành liên hồ chứa nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.