Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Một số giải pháp phát triển nông nghiệp thông minh tại tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022-2026 định hướng 2030
Ngày cập nhật 23/05/2022

Phát triển nền nông nghiệp thông minh có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, góp phần ổn định đời sống cho người dân trên địa bàn tỉnh gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn và tái cơ cấu toàn diện ngành nông nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nâng cao năng lực, khả năng tổ chức sản xuất, sức cạnh tranh trong chế biến, tiêu thụ của tỉnh.

Bắt nguồn từ chính thực tiễn, định hướng chung của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, mục tiêu của phát triển nông nghiệp thông minh giai đoạn 2020 - 2030 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và phát huy tiềm năng thế mạnh về nông nghiệp nông minh của địa phương, góp phần định vị và nâng cao thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của tỉnh trên bản đồ nông nghiệp. Bên cạnh đó, nông nghiệp thông minh đang là xu thế phát triển và sẽ phát triển nhanh trong thời gian tới do đảm bảo cung cấp được các sản phẩm có chất lượng, tốt hơn cho sức khỏe con người và cho xã hội.

Phát triển nền nông nghiệp thông minh có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, góp phần ổn định đời sống cho người dân trên địa bàn tỉnh gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn và tái cơ cấu toàn diện ngành nông nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nâng cao năng lực, khả năng tổ chức sản xuất, sức cạnh tranh trong chế biến, tiêu thụ của tỉnh.

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2013 - 2021; Sản xuất nông lâm ngư nghiệptrên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có những bước phát triển khá toàn diện, nông nghiệp và kinh tế nông thôn chuyển biến rõ rệt theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị nông sản; an ninh lương thực của tỉnh luôn đảm bảo; kết cấu hạ tầng nông nghiệp,nông thôn được đầu tư đồng bộ và ngày càng hoàn thiện hơn làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc; đời sống vật chất văn hóa và tinh thần được nâng cao, tình hình an ninh trật tự được cũng cố và giữ vững.

Nhiều chỉ tiêu quan trọng đã đạt và vượt mục tiêu đề ra đến năm 2021, cụ thể: Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp bình quân giai đoạn 2008-2018 đạt trên 3,5%/năm (kế hoạch đến năm 2022 đạt 3-4%). Sản lượng lương thực có hạt đã đạt 34,1 vạn tấn (chỉ tiêu 31-32 vạn tấn), sản lượng thóc đạt 33,4 vạn tấn (chỉ tiêu 32 vạn tấn); Sản lượng thủy sản đạt 55.230 tấn; Diện tích trồng rừng hàng năm đạt 5.670 ha (mục tiêu đề ra 4.000 - 4.500 ha), độ che phủ rừng đạt 57,5%. Đầu tư hạ tầng cơ sở có trọng điểm theo hướng ưu tiên phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập thực tế của người dân, đảm bảo an sinh xã hội. Vì vậy, khu vực nông thôn ngày càng khởi sắc, góp phần đẩy nhanh tiến trình CNH-HĐH đất nước.

Nông nghiệp tuy có tăng trưởng, nhưng thiếu bền vững, khả năng cạnh tranh thấp. Cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn có chuyển dịch nhưng còn chậm; Năng suất, chất lư­ợng, khả năng cạnh tranh của nhiều sản phẩm còn thấp; bảo quản, chế biến sau thu hoạch chưa phát triển. Phần lớn nông sản tiêu thụ và xuất khẩu ở dạng sơ chế, thô nên giá trị gia tăng rất thấp, chưa có thương hiệu; Việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật vệ sinh ATTP chưa được coi trọng; tổn thất sau thu hoạch cả về số lượng và chất lượng còn lớn.

Đầu t­ư phát triển kết cấu hạ tầng chư­a đáp ứng đ­ược yêu cầu chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Sản xuất phần lớn chưa có liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Công nghiệp và dịch vụ phát triển chậm, chưa thúc đẩy chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế và lao động ở nông thôn.

Quan hệ sản xuất chậm đổi mới: Các công ty đã chuyển thành Công ty cổ phần và Công ty TNHHNN MTV. Tuy nhiên, việc đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động vẫn còn hạn chế;HTX nông nghiệp và các hình thức hợp tác trong sản xuất nông nghiệp vẫn ở quy mô nhỏ; chất lượng, hiệu quả hoạt động của nhiều HTX, tổ hợp tác thấpchưa cao; các hình thức liên kết trong sản xuất còn ít, chưa hiệu quả và còn nhiều hạn chế.

Nông thôn đã có bước chuyển biến, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở nông thôn có cải thiện, nhưng so với mặt bằng chung thì nông thôn vẫn nghèo và phát triển chậm, thu nhập của người dân nông thôn vẫn còn thấp; tỷ lệ người nghèo giảm đáng kể trong thời gian qua nhưng vẫn còn cao và thiếu bền vững, dễ tái nghèo, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.

Ô nhiễm môi trường tăng: Tình trạng sản xuất thâm canh, sử dụng quá nhiều phân bón, hóa chất, thuốc bảo vệ, các vùng chăn nuôi, nuôi thủy sản tập trung,...tạo ra chất thải, dư lượng các chất độc hại trong nông sản thực phẩm, làm tăng khả năng dịch bệnh trên gia súc, thủy sản; tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, đặc biệt ở các làng nghề và chư­a có giải pháp hữu hiệu để khắc phục.

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh: Chưa có quy hoạch khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với cơ sở hạ tầng thiết yếu đảm bảo (giao thông, thủy lợi, điện, …) để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, HTX và nông hộ cùng tham gia đầu tư để từ đó hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi vốn lớn, trong khi nguồn lực tài chính của người dân còn hạn chế; sản xuất nông nghiệp lại thường có độ rủi ro cao nhất là về thời tiết, khí hậu khắc nghiệt ở miền Trung nên tỉnh chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.

Thực hiện cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ và thu hút đầu tư vào nông nghiệp: Qua thực tế triển khai vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập; một số cơ chế chính sách khi đưa vào thực tiễn gặp vướng mắc về thủ tục, đất đai; việc triển khai chính sách tới doanh nghiệp, người dân còn chậm trễ… đã làm ảnh hưởng tới kết quả và tiến độ thực hiện. Các chính sách hỗ trợ của Trung ương chưa tiếp cận đến số đông các doanh nghiệp và người dân, chủ yếu một số doanh nghiệp có năng lực và quy mô lớn mới tham gia để được hỗ trợ theo các chính sách này.

Đối với chính sách hỗ trợ của UBND tỉnh đã được ngành nông nghiệp phối hợp với các cấp, các ngành ở địa phương để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân chưa mạnh dạn đầu tư (do chính sách hỗ trợ sau đầu tư nên người dân có tâm lý băn khoăn không biết có được hỗ trợ hay không); Mặc khác công tác tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ thực hiện chính sách ở các địa phương chưa được quan tâm đúng mức.

Một số giải phápphát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh trong thời gian tới:

(1) Điều chỉnh bổ sung vào Quy hoạch tổng thể khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Tổ chức dồn điền đổi thửa, tập trung ruộng đất; khuyến khích người dân cho thuê đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp trong các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; rà soát, chuyển đổi mục đích sử dụng diện tích đất lúa kém hiệu quả để triển khai xây dựng các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định.

(2) Xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp để sớm hình thành các vùng có quỹ đất tập trung có quy mô lớn đối với từng lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp làm cơ sở cho việc thu hút, kêu gọi đầu tư.

(3) Hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; phát triển nguồn nhân lực, phát triển thị trường đối với tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư xây dựng khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (theo Điều 9, Điều 10 Nghị định số 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản quy định hiện hành). Ưu tiên triển khai các nhiệm vụ đào tạo phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp tại khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

(4) Hỗ trợ các hình thức hợp tác, liên kết tổ chức sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa người sản xuất, các trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã với doanh nghiệp để tăng cường năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo các quy định hiện hành. Hỗ trợ xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm của khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

(5) Tăng cương thu hút vốn đầu tư bằng nhiều kênh khác nhau trong đó tập trung vào các loại hình doanh nghiệp, chú trọng đến nguồn vốn trong dân còn rất lớn để đảm bảo phát triển nhanh và bền vững khu vực nông thôn. Tiếp tục hoàn chỉnh, bổ sung các chính sách đặc thù để thu hút các doanh nghiệp có điều kiện về vốn, công nghệ đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

(6) Tạo điều kiện thuận lợi về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài để các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân yên tâm đầu tư phát triển nông nghiệp.

(7) Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, cản trở, khắc phục hạn chế về thị trường, về cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp./.

Nguyễn Phước Thọ
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.351.041
Truy câp hiện tại 9.194