Trong khuôn khổ hoạt động của dự án “Tích hợp các phương pháp tiếp cận dựa vào hệ sinh thái và quản lý rủi ro lũ lụt để phát triển đô thị thích ứng và bền vững ở miền trung Việt Nam” (Dự án) do Đại học Huế phối hợp với các đối tác từ Cộng hòa liên bang Đức tổ chức.
Sáng ngày 26/7/2022 tại Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, đoàn công tác của Dự án đã đến tham quan và làm việc với Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh nhằm tìm hiểu các vấn đề liên quan đến nguy cơ ngập lụt trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, từ đó tăng khả năng thích ứng của khu dân cư đô thị bền vững theo không gian và thời gian.
Trong thời gian qua, thiên tai trên thế giới và Việt Nam ngày càng diễn biến khốc liệt, cực đoan, khó lường, gây thiệt hại lớn về người và tài sản lại thêm hậu quả sau đại dịch Covid 19, lạm phát gia tăng ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phục hồi kinh tế thế giới trong đó có Việt Nam. Tại Thừa Thiên Huế, do có vị trí đặc biệt về địa lý và yếu tố địa hình nên hàng năm thường chịu ảnh hưởng của nhiều loại thiên tai như: bão, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất ..., gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Đặc biệt là lũ lụt là thiên tai có cường suất lớn, sức tàn phá ác liệt, hàng năm gây nhiều thiệt hại về người và của cho tỉnh Thừa Thiên Huế.
Trong những năm trở lại đây, Công các Phòng chống thiên tai luôn được Nhà nước, Chính phủ, các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương quan tâm chỉ đạo, đầu tư nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Cùng với sự đầu tư của nhà nước, việc tham gia tích cực của các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, người dân, phát huy sức mạnh, tinh thần trách nhiệm của xã hội trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã góp phần giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.
Dự án tích hợp các phương pháp tiếp cận dựa vào hệ sinh thái và quản lý rủi ro lũ lụt để phát triển đô thị thích ứng và bền vững ở miền trung Việt Nam có mục tiêu giảm nhẹ thiên tai lũ lụt hiện tại và trong tương lai thông qua việc áp dụng các giải pháp giảm nhẹ và thích ứng dựa và tự nhiên và khung quan lý tổng hợp và bền vững.
Qua quá trình làm việc, Văn phòng đề nghị Dự án tiếp tục quan tâm hỗ trợ một số nội dung như sau:
+ Hỗ trợ nghiên cứu sử dụng các mô hình toán, bộ cung cụ nghiên cứu, đánh giá, rà soát các quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị đề xuất các giải pháp nhằm hạn chế ngập lụt đô thị trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp hiện nay.
+ Sử dụng mô hình mô phỏng lũ, đề xuất phương án thoát lũ khu vực phía Đông Nam thành phố Huế; khu vực hạ du sông Bồ để làm cơ sở bố trí hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng thoát nước đảm bảo phù hợp.
+ Hỗ trợ tỉnh xây dựng kịch bản vỡ đập và bản đồ ngập lụt vùng hạ du các hồ chứa nước hệ thống lưu vực sông Hương; đảm bảo an toàn công trình hiện tại và trong tương lai.
+ Nghiên cứu đánh giá tác động môi trường và sự biến động vùng hạ du sau khi xây dựng đưa vào vận hành các công trình thủy lợi, thủy điện thượng nguồn ảnh hưởng đến xói lở bờ biển, ổn định cửa biển, cũng như khả năng thoát lũ trong điều kiện biến đổi khí hậu.
+ Nghiên cứu cải tiến hệ thống quan trắc lũ, ngập úng đô thị - cung cấp thông tin và cảnh báo kịp thời, trực tiếp cho các cộng đồng địa phương, đơn vị cung cấp dịch vụ khẩn cấp, phương tiện truyền thông, mạng xã hội.
+ Thí điểm ứng dụng thiết bị cảnh báo lũ cho vùng hạ du (ví dụ như hệ thống phát thanh thông minh, cảnh báo ngập lụt tự động).
+ Hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực cho Đại học Huế và các đại học thành viên; các cán bộ làm công tác phòng chống thiên tai các cấp; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác phòng, chống thiên tai; xây dựng, chia sẻ thông tin dữ liệu phục vụ phòng chống thiên tai theo thời gian thực.
Kết thúc buổi làm việc, Văn phòng đã dẫn đoàn tham quan, giới thiệu trụ sở Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh và hệ thống thiết bị hỗ trợ cho công tác Phòng Chống thiên tai và TKCN tỉnh tại Văn phòng./.