Ngày nay, yêu cầu về chất lượng sản phẩm thuỷ sản ngày càng khắt khe do các thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản,…đã và đang áp dụng các rào cản kĩ thuật hoặc các rào cản chất lượng sản phẩm. Nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) là một hoạt động sản xuất nông nghiệp đặc thù. Hầu hết mỗi hộ nuôi đều tiến hành nuôi thuỷ sản trên các ao riêng nhưng đều phụ thuộc vào một môi trường và nguồn nước chung. Nuôi tôm thành công hay thất bại không chỉ phụ thuộc vào khả năng quản lý, kỹ thuật nuôi, nguồn lực của hộ gia đình mà còn bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác như: thị trường, công tác quy hoạch, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, mẫu thuẫn và xung đột giữa các ngành, cộng đồng trong xã hội.
Hiện có khoảng hơn 800 tổ chức “nghề cá cộng đồng” góp phần cùng nhà nước quản lý thủy sản ngày càng tốt hơn. Tại các nước đang phát triển, nghề cá cộng đồng được thừa nhận là một phương thức quản lý hiệu quả, ít tốn kém. Đối với Việt Nam nói chung và TT Huế nói riêng, phương thức quản lý nghề cá dựa vào c ộng đồng hay đồng quản lý là rất cần thiết. Do đó, Hội nghề cá tỉnh TT Huế được thành lập năm 2003 và cho đến nay đã có 76 Chi Hội nghề cá (CHNC) với hơn 6.000 hội viên. Trong đó có 50 CHNC vừa khai thác vừa nuôi trồng tại đầm phá, 13 CHNC khai thác biển, 13 CHNC còn lại là chuyên NTTS với nhiều quy mô liên thôn, trọn thôn hoặc bộ phận ngư dân trong cùng một khu vực sản xuất.
Phần lớn các mô hình đã hình thành, đạt hiệu quả trên các phương diện: bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, giảm thiểu phương tiện khai thác hủy diệt, chia sẽ kinh nghiệm trong NTTS, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân, cải thiện sinh kế hướng đến phát triển bền vững.
Mặc dù phát triển quản lý dựa vào cộng đồng là hoạt động hết sức cần thiết, nhất là trong nuôi trồng thuỷ sản nước lợ, là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần phát triển NTTS bền vững, giảm gánh nặng quản lý cho nhà nước và chính quyền các cấp, hoạt động kinh tế có thể mang lại lợi nhuận cao nhưng cũng đang phải đương đầu với nhiều rủi ro và đòi hỏi phải bỏ ra một lượng vốn đầu tư rất lớn. Các hộ NTTS trong một tiểu vùng phụ thuộc chặt chẽ vào nhau, nếu giữa họ không có tính cộng đồng, không đoàn kết thì việc sản xuất sẽ gặp rất nhiều rủi ro và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, dịch bệnh lây lan là rất lớn.
Tuy nhiên, việc quản lý dựa vào cộng đồng đang gặp phải rất nhiều khó khăn. Thứ nhất, thiếu sự quy hoạch trong sản xuất của một số địa phương. Thứ 2, việc quản lý dựa vào cộng đồng phát huy sức mạnh khi có người cán bộ có kinh nghiệm và năng động trong việc thuyết phục, hướng dẫn và lãnh đạo các thành viên hay hội viên trong cộng đồng nhưng hiện nay đang còn thiếu đội ngũ cán bộ cơ sở, cán bộ trong cộng đồng có đủ năng lực. Thứ 3, chính quyền các cấp có quan tâm đến phát triển quản lý dựa vào cộng đồng nhưng hầu hết cán bộ quản lý chỉ mang tính kiêm nhiệm.
Việc quản lý nuôi thủy sản dựa vào cộng đồng phát huy hiệu quả khi có sự phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan. Một số khuyến nghị để phát huy tốt quản lý NTTS dựa vào cộng đồng: Thứ nhất, nâng cao năng lực cho cán bộ và người sản xuất trong cộng đồng vì phát triển quản lý NTTS dựa vào cộng đồng là rất cần thiết nhưng hiện tại, các địa phương chưa triển khai được vì gặp hạn chế rất lớn về năng lực tổ chức và thực hiện. Thứ hai, mỗi hội viên đều có đóng góp quỹ hàng năm để duy trì các hoạt động của CHNC, tuy nhiên chính quyền địa phương các cấp nên xem xét trích quỹ cho các hoạt động phát triển quản lý cộng đồng từ nguồn thu ngân sách từ NTTS vì muốn duy trì nguồn thu ổn định thì phải có sự tái đầu tư. Thứ ba, để hoạt động quản lý dựa vào cộng đồng cần linh hoạt tiếp thu ý kiến của các thành viên trong nhóm, tổ, CHNC nhằm điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp với tình hình cụ thể tại cộng đồng. Và cuối cùng, nên hình thành mạng lưới và lập webside về đồng quản lý hay quản lý dựa vào cộng đồng trong lĩnh vực thủy sản nói chung và NTTS nói riêng.