Thừa Thiên Huế đang trải qua những ngày nắng nóng gay gắt, tác động lớn cuộc sống, sức khỏe của người dân. Trước tình hình diễn biến bất thường của thời tiết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang tích cực chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động triển khai các biện pháp phòng tránh thiệt hại về vật nuôi, cây trồng, rừng và các đối tượng sản xuất nông nghiệp…
Trước nguy cơ đàn gia súc, gia cầm bị dịch bệnh, chết do nắng nóng oi bức, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đang phân công cán bộ kiểm tra, hướng dẫn chủ nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng; tiêm phòng bổ sung các loại vaccine cho đàn gia súc, gia cầm nuôi mới, hoặc chưa được tiêm trong vụ Xuân. Vệ sinh, tiêu độc khử trùng định kỳ hàng tháng, trong đó công tác tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi, các cơ sở giết mổ, nơi chôn hủy động vật mắc bệnh và những nơi có nguy cơ dịch bệnh cao được lực lượng thú y, địa phương tăng cường triển khai thường xuyên. Thực hiện tốt công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, đảm bảo cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Đồng thời kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh, đặc biệt các bệnh dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, viêm da nổi cục trâu, bò và cúm gia cầm để chủ động phát hiện và xử lý, không để lây lan ra diện rộng.
Hướng dẫn các cơ sở áp dụng biện pháp làm mát khu vực chăn nuôi, chuồng trại cao thoáng, sạch sẽ, che hướng nắng; Để quạt khi nhiệt độ cao trên 36oC hoặc phun nước lên mái chuồng để hạ bớt nhiệt; giản mật độ nuôi. Chế biến, dự trữ thức ăn để cho ăn bổ sung; tăng cường khẩu phần thức ăn xanh và các loại thức ăn giàu vitamin, giàu đạm; giảm tinh bột, mỡ, đường, áp dụng khẩu phần ăn làm giảm tăng nhiệt cơ thể cho vật nuôi. Cung cấp đủ nước sạch cho gia súc, gia cầm uống, không làm ẩm ướt nền chuồng. Lắp các thiết bị van nước tự động để luôn cấp đủ nước sạch cho gia súc, gia cầm uống nếu có điều kiện. Đối với trâu, bò, dê nên chăn thả ở những nơi có đầy đủ bóng mát và nước uống sạch; không chăn thả hoặc làm việc vào lúc nhiệt độ cao áp dụng biện pháp đi sớm về sớm, đi trể về trể, đặc biệt chú ý chăm sóc gia súc non. Nếu có điều kiện nên di chuyển đàn gia súc đến nơi có nguồn nước và bổ sung thức ăn tại chuồng.
Bên cạnh những nguy cơ thiệt hại về đàn vật nuôi, cây trồng… với tình hình nắng nóng gay gắt trong những ngày qua, nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất lớn. Để chủ động ngăn chặn xảy ra cháy rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế đang yêu cầu các chủ rừng tăng cường lực lượng trực chòi canh, tuần tra, kết hợp với sử dụng công nghệ để nắm bắt diễn biến rừng nhằm chủ động phát hiện sớm các vụ cháy để có biện pháp xử lý kịp thời; đặc biệt yêu cầu người dân tạm dừng đốt thực bì trong thời gian này.
Do cháy rừng phần lớn xảy ra đối với diện tích rừng trồng nên Chi cục Kiểm lâm tỉnh đang tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên cập nhật đưa ra mức cảnh báo, yêu cầu các chủ rừng phải đề cao cảnh giác, không để vì chủ quan gây cháy rừng, nhất là những hành vi đốt thực bị tự phát, hay đốt vàng mã ở khu vực nghĩa trang nằm đan xen với diện tích rừng. Các đơn vị liên quan đã chuẩn bị sẵn sàng phương tiện phòng cháy chữa cháy để chủ động dập tắt những đám cháy nhỏ ban đầu; đồng thời sẵn sàng huy động, phối hợp với các lực lượng khác khi có xảy ra cháy lớn theo phương châm “4 tại chỗ và 5 sẵn sàng.”