Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Hội nghị thông qua các Đề án quy hoạch một số lĩnh vực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT
Ngày cập nhật 04/09/2015

Chiều ngày 1 tháng 9 năm 2015, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức Hội nghị thông qua các Đề án rà soát bổ sung quy hoạch chăn nuôi đến năm 2020, Đề án phát triển vật nuôi chủ lực giai đoạn 2015-2020, Đề án phát triển cây trồng chủ lực giai đoạn 2015 – 2020. Tham dự Hội nghị có Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Lãnh đạo các phòng, các đơn vị liên quan trực thuộc Sở, đại diện Lãnh đạo và Phòng Nông nghiệp và PTNT các Huyện, Thị xã, Thành phố.

Mục tiêu của các Đề án (theo các dự thảo):
Đề án soát bổ sung quy hoạch chăn nuôi
- Phân tích, rà soát, đánh giá những nét chính về tình hình triển khai thực hiện Quyết định số 803/QĐ-UBND ngày 27/3/2007 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển chăn nuôi tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2015 và đánh giá lại thực trạng, tiềm năng phát triển chăn nuôi của tỉnh;
- Lập bổ sung quy hoạch tổng thể định hướng phát triển chăn nuôi theo địa bàn trong toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020;
- Từ kết quả quy hoạch, tiếp tục triển khai thực hiện các Đề án, Dự án đã được phê duyệt và xây dựng một số Chính sách, Chương trình, Đề án trọng điểm để ưu tiên phát triển sản xuất từng loại vật nuôi trên mỗi vùng, địa bàn của tỉnh.
Đề án phát triển vật nuôi chủ lực
- Phát triển số lượng, nâng cao chất lượng đàn bò, lợn, gia cầm và ong, trong đó phát triển mạnh chăn nuôi theo quy mô trang trại, gia trại, công nghiệp; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào chăn nuôi nhằm cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thịt, trứng trong tỉnh và tham gia thị trường ngoại tỉnh;
- Nâng cao hiệu quả và tăng giá trị sản xuất chăn nuôi; tăng tỷ trọng giá trị sản xuất chăn nuôi so với giá trị sản xuất nông nghiệp lên 40% năm 2020;
- Chủ động kiểm soát và khống chế được các dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm gia súc, gia cầm và mật ong.
- Phấn đấu đến 2020 đạt chỉ tiêu số lượng đàn vật nuôi chủ lực toàn tỉnh là:
+ Tổng đàn bò có 29.200 con; trong đó tổng đàn bò lai có 15.400 con, chiếm 52,74% tổng đàn;
+ Tổng đàn lợn có 296.000 con; trong đó tổng đàn lợn nạc (≥75% máu ngoại) có 170.800 con, chiếm 57,7% tổng đàn lợn. Đàn lợn nuôi theo quy mô trang trại, gia trại, công nghiệp chiếm trên 40% tổng đàn;
+ Tổng đàn gia cầm có 3.369.000 con (trong đó: tổng đàn gà có 2.246.000 con, chiếm 66,67% tổng đàn gia cầm; tổng đàn vịt, ngang ngỗng có 1.123.000 con); Đàn gia cầm nuôi theo quy mô trang trại, gia trại, công nghiệp chiếm trên 35% tổng đàn;
+ Ong nuôi có 5.500 đàn; trong đó chủ yếu là ong Ý và các giống mới có năng suất và chất lượng mật cao;
- Tổng sản lượng thịt hơi: 44.874 tấn (trâu 1.314 tấn, bò 1.752 tấn, lợn 31.968 tấn, gia cầm: 9.703 tấn, dê 137 tấn). Sản lượng mật ong ước đạt 200 tấn (bình quân 35 kg/đàn/năm);
- Sản lượng trứng khoảng 68,9 triệu quả, trong đó 42,4 triệu quả trứng gà, vịt và 106 triệu quả trứng chim cút (04 quả trứng cút ≈ 01 quả trứng gà, vịt);
- Giá trị sản lượng: Ước tính  khoảng 3.560 tỷ đồng.
Đề án phát triển cây trồng chủ lực
- Xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất tạo ra hàng hóa, trên cơ sở phát huy các lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của sản phẩm cây trồng chủ lực, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
- Nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, tăng thu nhập và mức sống của người nông dân, tạo sự chuyển biến nhanh hơn ở các vùng đồng bào dân tộc, để phù hợp với nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa, phát triển cây trồng gắn với bảo vệ tài nguyên đất, nước,... giữ vững môi trường và cân bằng sinh thái.
- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng phát triển nền nông nghiệp sinh thái sạch với công nghệ cao, áp dụng công nghệ sinh học vào sản xuất theo hướng hiện đại, đảm bảo có hiệu quả, an toàn vệ sinh thực phẩm, phát triển theo hướng bền vững.
Đến năm 2020 đạt các chỉ tiêu sau:
- Diện tích cây lúa nước ổn định trên 53.000 ha/năm, trong đó lúa chất lượng đạt trên 17.000 ha; Ngô đạt 1.700 ha; Lạc trên 3.100 ha; sắn công nghiệp trên  6.500 ha; Cây rau , củ, quả an toàn đạt 600 ha; Thanh trà đạt 980 ha; Cây cao su 13.500 ha (diện tích trông mới chủ yếu ở huyện A Lưới và Phong Điền).
- Sản lượng lúa chất lượng 100.000 tấn/năm; Ngô 7.000 tấn/năm; Sắn công nghiệp 152.000 tấn/năm; Rau an toàn 6.200 tấn/năm; Thanh trà 14.000 tấn/năm; Cao su 100.000 tấn/năm, chú trọng một số vùng sản xuất gạo hữu cơ, gạo đặc sản của Huế.
Kết thúc Hội nghị Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT yêu cầu các phòng, các Đơn vị trực thuộc liên quan tiếp tục nghiên cứu, sớm hoàn thiện các đề án trên để trình UBND tỉnh phê duyệt.
(các số liệu trên mang tính tham khảo, đang còn tiếp tục rà soát, sửa đổi)

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.356.929
Truy câp hiện tại 15.500