Theo đó, Quỹ cấp xã được thành lập ở những xã có đủ 2 tiêu chí sau: Có diện tích đất lâm nghiệp từ 500 ha trở lên, riêng các phường có rừng thuộc thành phố Huế không giới hạn diện tích; Có nguồn thu theo quy định tại các Điểm c, d, Khoản 3, Điều 3, Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 08 tháng 02 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng; các nguồn thu khác liên quan đến công tác bảo vệ và phát triển rừng theo quy định của pháp luật, ( Nguồn hỗ trợ, đóng góp của chủ rừng khi khai thác, kinh doanh gỗ, lâm sản; các tổ chức, cá nhân kinh doanh cảnh quan, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái và các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài khác; Tiếp nhận nguồn thu đối với rừng trồng được đầu tư, hỗ trợ bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và các nguồn khác (nếu có) theo quy định hiện hành).
Quỹ bảo vệ và phát triển rừng cấp xã là một tổ chức tài chính nhà nước, hạch toán độc lập, hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp có thu, trực thuộc UBND xã. Trụ sở làm việc của Quỹ được đặt tại Văn phòng UBND xã; Quỹ được sử dụng con dấu của UBND xã và được mở tài khoản tại Kho Bạc Nhà nước. Bộ máy tổ chức của Quỹ cấp xã do Chủ tịch UBND cấp xã bổ nhiệm, hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm.
UBND tỉnh cũng quyết định chọn thí điểm 6 xã để lập Quỹ bảo vệ và phát triển rừng cấp xã, gồm: xã Bình Điền (TX Hương Trà) có gần 8,5 ngàn ha rừng; xã Hồng Thủy (huyện A Lưới) có gần 9 ngàn ha rừng; xã Xuân Lộc (huyện Phú Lộc) có gần 4 ngàn ha rừng; xã Phong Mỹ (huyện Phong Điền) có hơn 33 ngàn ha rừng; xã Hương Lộc (huyện Nam Đông) có 6,3 ngàn ha rừng và xã Phú Sơn (TX Hương Thủy) có 2,7 ngàn ha rừng.
Đối với 6 xã chọn làm thí điểm do Chủ tịch UBND tỉnh Quyết định thành lập.Sau khi sơ kết rút kinh nghiệm của 6 xã chọn làm điểm, tiến hành nhân rộng, Chủ tịch UBND cấp huyện ra quyết định thành lập quỹ cấp xã.