Thừa Thiên Huế là một tỉnh có chiều dài bờ biển 128 km, do yếu tố địa hình và vị trí đặc biệt về địa lý nên hàng năm thường chịu ảnh hưởng của nhiều loại thiên tai như bão, lũ, lũ quét, dông lốc, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất đá và sói lở bờ sông, bờ biển. Đặc biệt, trong năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều đợt mưa lớn, lốc xoáy, dông sét và động đất ở huyện miến núi A Lưới.
Trước tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, tỉnh Thừa Thiên Huế đã quán triệt thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương về công tác phòng chống thiên tai cũng như chủ động, tích cực triển khai các phương án ứng phó thiên tai của tỉnh. Tỉnh đã tập trung kiện toàn ban Chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp, chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng chống thiên tai; thường xuyên kiểm tra, đánh giá hiện trạng để củng cố, tu bổ và xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai; nghiêm túc vận hành điều tiết các hồ chứa nước theo quy trình đã được phê duyệt; thành lập quỹ phòng chống thiên tai của tỉnh và tổ chức diễn tập các phương án phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã khẩn trương triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lụt theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ. Đến tháng 6/2016 đã có 1.648 nhà ở của nhân dân được cải tạo sửa chữa và xây dựng mới, đạt 43% so với số lượng nhà đã được phê duyệt của tỉnh.
Để triển khai có hiệu quả hơn công tác phòng, chống thiên tai trong thời gian tới, nhất là chủ động đối phó và khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống của nhân dân trước tình hình thiên tai và biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục đầu tư gần 3.000 tỷ đồng cho các chương trình dự án nâng cấp để biển, chương trình đảm bảo hồ chứa và các dự án chống sạt lở bờ sông, bờ biển (nâng cấp hơn 136 km để biển; sửa chữa và nâng cấp 20 hồ chứa thủy lợi; nâng cấp khu neo đậu tránh trú bão Phú Hải, Phú Thuận, cảng cá Thuận An và cửa biển Tư Hiền...). Trước mắt đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ 51 tỷ dồng cho triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống hạn, xâm nhập mặn đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiêp hè thu 2016; đề nghị Cục phòng chống thiên tai hỗ trợ xây dựng bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai, phân cấp độ rủi ro thiên tai cho tỉnh...
Toàn cảnh buổi làm việc
Tại buổi làm việc, ý kiến các thành viên trong đoàn cho rằng với điều kiện đặc thù về địa lý, khí hậu và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tỉnh Thừa Thiên Huế cần chú trọng xây dựng các phương án phòng chống các loại hình thiên tai cũng như nâng cao năng lực nhận thức cho cộng đồng về nguy cơ rủi ro thiên tai. Đồng thời, cần quan tâm hơn nữa công tác đảm bảo các hồ chứa thủy điện, thủy lợi, hệ thống đê kè bờ biển và các vùng xung yếu; lưu ý chất lượng các công trình xây dựng nhà tránh trú bão, lụt và tăng cường trang bị phương tiện thông tin cho tàu thuyền của ngư dân...
Đánh giá cao công tác chủ động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian qua, Thứ trưởng Lê Quang Hùng đề nghị, thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục chủ động hơn trong việc triển khai các phương án phòng chống thiên tai; quan tâm đầu tư hệ thống quan trắc nhằm phục vụ tốt cho công tác dự báo và cảnh báo thiên tai; vận hành nhịp nhàng và điều tiết điều hòa liên hồ chứa đảm bảo cắt lũ về mùa mưa bão cũng như đảm bảo cho công tác chống hạn phục vụ sản xuất. Hiện tượng lốc xoáy, dông sét xuất hiện ngày càng nhiều, vì vậy tỉnh cần nghiên cứu để có hướng dẫn cụ thể về xây dựng các công trình dân dụng nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.
Về những kiến nghị của tỉnh, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai sẽ có ý kiến đối với Chính phủ và các bộ, ngành hữu quan để sớm hỗ trợ tỉnh thực hiện một số nội dung cấp thiết trong công tác phòng chống thiên tai.