Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Trồng rừng thâm canh gỗ lớn - giải pháp phát triển rừng trồng theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 11/01/2017

Theo Kế hoạch số 204/KH-UBND ngày 28/12/2016 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về việc phát triển rừng trồng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, phấn đấu đến năm 2020 xây dựng 13.000 ha rừng trồng gỗ lớn, trong đó tỷ lệ rừng được cấp chứng chỉ FSC là 40% so với diện tích rừng gỗ lớn, tương đương 5.000 ha rừng trồng sản xuất sử dụng giống lâm nghiệp thân thiện với môi trường.

Nhằm đạt được mục tiêu nêu trên, tỉnh Thừa Thiên Huế đã thành lập Hội Chủ rừng Phát triển Bền vững tỉnh Thừa Thiên Huế (tên tiếng anh viết tắt là FOSDA) với chức năng bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của các chủ rừng hộ gia đình quy mô nhỏ trong hoạt động kinh doanh rừng bền vững; đồng thời có nhiệm vụ thúc đẩy các chủ rừng tích cực hưởng ứng tham gia vào hoạt động quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn được Hội đồng Quản trị rừng Quốc tế công nhận (tiêu chuẩn FSC). Bên cạnh đó, tỉnh đã ban hành một số chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất lâm nghiệp áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất lâm nghiệp để góp phần nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng như sử dụng cây keo lai mô trong trồng rừng thâm canh gỗ lớn, tỉa thưa rừng keo trồng bổ sung cây bản địa dưới tán rừng.

Trong năm 2016, được sự hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật từ Dự án Mây Tre Keo bền vững (thuộc Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên - WWF), các nhóm hộ và doanh nghiệp tham gia chứng chỉ rừng FSC đã vượt qua kỳ đánh giá đầu tiên của Tổ chức Tư vấn Quốc tế (GFA), trong đó 14 nhóm hộ (241 hộ thành viên) được cấp chứng chỉ FSC với diện tích là 950,96 ha, Công ty TNHH Nhà nước MTV Lâm nghiệp Tiền Phong được cấp chứng chỉ FSC với diện tích là 3.096,4 ha.

Đáng chú ý, bằng nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình Khuyến lâm Quốc gia, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức trồng mô hình rừng thâm canh gỗ lớn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế với diện tích là 55,0 ha, gồm 34 hộ tham gia thuộc 03 xã khó khăn: Hồng Hạ, Hương Nguyên (huyện A Lưới), Hồng Tiến (thị xã Hương Trà); 02 xã miền núi: Bình Thành, Bình Điền (thị xã Hương Trà) và 01 xã đồng bằng: Phường Hương Hồ (thị xã Hương Trà).

Để triển khai thực hiện mô hình này, Chi cục Kiểm lâm đã phối hợp với chính quyền địa phương và người dân khảo sát lựa chọn địa điểm thực hiện mô hình, đồng thời thiết kế các biện pháp kỹ thuật chủ yếu áp dụng cho trồng rừng thâm canh gỗ lớn với chu kỳ kinh doanh 9-12 năm, cụ thể như sau: Mật độ trồng ban đầu 1.330 cây/ha (cự ly 2,5 x 3,0m), xử lý thực bì toàn diện, hố đào 40x 40x40 cm, chăm sóc 03 năm, bón phân NPK 10-10-5, tỉa thưa 1-2 lần, mật độ rừng để lại sau các lần tỉa thưa từ 500-600 cây/ha.

Hiện trường trồng mô hình gỗ lớn ở huyện A Lưới

Trong quá trình triển khai, bước đầu còn gặp nhiều khó khăn trở ngại do thiếu quỹ đất trống sẳn có để trồng rừng, phải phụ thuộc đất trồng lại sau khai thác, mặt khác người dân chưa tích cực hưởng ứng tham gia thực hiện mô hình do chưa thực sự hiểu rõ về lợi ích từ kinh doanh rừng trồng gỗ lớn. Tuy nhiên, thông qua các lớp tập huấn, tuyên truyền và quá trình triển khai thực hiện, các hộ gia đình tham gia đã nhận thức rõ tầm quan trọng của việc trồng rừng thâm canh gỗ lớn cho hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với trồng rừng gỗ nhỏ làm nguyên liệu cho công nghiệp sản xuất giấy, lợi ích không chỉ về mặt giá trị kinh tế mà còn góp phần đáng kể trong hoạt động bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu, giảm tải quá trình sử dụng đất.

Tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng thâm canh gỗ lớn

Để đảm bảo hiệu quả khi thực hiện mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn, công tác lựa chọn cây con trồng rừng là rất cần thiết và là yếu tố quan trọng quyết định đến năng suất và chất lượng rừng trồng, cây con xuất đi trồng rừng thuộc các dòng keo lai có chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và đã chứng minh tính ưu việt tại địa phương trong thời gian qua như BV10, BV16, BV32…; ngoài ra để đảm bảo cây con giai đoạn đầu sinh trưởng và phát triển ổn định, có tỷ lệ sống cao, trong năm trồng và 03 năm chăm sóc tiếp theo, mô hình sử dụng các biện pháp xử lý thực bì toàn diện, làm đất thủ công, đào hố 40x40x40 cm, kết hợp bón phân với liều lượng 0,3kg/hố, phân bón được sử dụng cho cây trồng thuộc chủng loại phân NPK 10-10-5 có chất lượng tốt, phù hợp với chất đất và cây trồng tại địa phương.

Giao cây con, phân bón trồng rừng thâm canh gỗ lớn

Mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn là mô hình đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện cây con mới trồng và đang trong thời kỳ theo dõi, chưa có đánh giá cụ thể về tình hình sinh trưởng và phát triển so với cây trồng rừng sản xuất không thâm canh, cùng tuổi và điều kiện lập địa. Nếu thực hiện thành công sẽ tạo ra mô hình trình diễn thiết thực cho mọi tổ chức, cá nhân có nhu cầu tham quan, nghiên cứu học hỏi nhân rộng mô hình, đồng thời sẽ là động lực thúc đẩy phương thức quản lý rừng theo hướng bền vững tại địa phương và các vùng phụ cận, từng bước thay thế dần phương thức quản lý rừng truyền thống trước đây, trồng rừng với mật độ dày, chủ yếu cung cấp gỗ nhỏ, sử dụng cho công nghiệp sản xuất giấy với giá trị kinh tế thấp và không có tác dụng tích cực đến môi trường sinh thái.

Rừng mới trồng từ mô hình thâm canh gỗ lớn tại thị xã Hương Trà

Thiết nghĩ, sản xuất, kinh doanh rừng trồng cung cấp gỗ lớn đang là xu hướng trên thế giới và cũng là giải pháp quan trọng để từng bước chuyển đổi thực trạng kinh doanh lâm nghiệp hiện nay, phục vụ tái cơ cấu ngành lâm nghiệp. Nhằm phát triển trồng rừng gỗ lớn mang lại lợi ích kép về kinh tế và môi trường, ngành lâm nghiệp cần có những định hướng cụ thể từ công tác quy hoạch phát triển rừng đến công tác giống cây trồng lâm nghiệp, kỹ thuật lâm sinh và những chính sách khuyến khích hỗ trợ cho các chủ rừng trong hoạt động trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn./.

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.340.121
Truy câp hiện tại 3.106