Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Một số giải pháp xây dựng mô hình cơ sở an toàn dịch bệnh động vật ở trang trại chăn nuôi
Ngày cập nhật 30/01/2017

Trong những năm gần đây tình hình dịch bệnh xảy ra hết sức phức tạp, đặc biệt dịch cúm gia cầm, dịch Lở mồm long móng (LMLM), Dịch tả lợn (DTL), đã và đang xảy ra tại một số địa phương trong nước. Để khống chế và thanh toán các bệnh nhằm hướng tới nền chăn nuôi bền vững, an toàn, đáp ứng yêu cầu của hội nhập cần phải xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật (ATDBĐV).

Thời gian qua, một số trang trại chăn nuôi đã thực hiện việc xây dựng cơ sở ATDBĐV song do triển khai thực hiện chưa đầy đủ về cơ sở pháp luật và các giải pháp nên gặp rất nhiều khó khăn.

Thực hiện Luật Thú y và Thông tư số 14/2016/TT-BNNPTNT ngày 02/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT Quy định về vùng, cơ sở ATDB động vật. Để xây dựng được các mô hình cơ sở ATDBĐV một cách bài bản, đủ điều kiện, tiêu chuẩn được thẩm định và công nhận nhằm triển khai nhân ra diện rộng, góp phần vào công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, phát triển chăn nuôi bền vững trên địa bàn tỉnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thừa Thiên Huế đã xây dựng mô hình cơ sở ATDBĐV đối với 11 trang trại chăn nuôi thuộc địa bàn các huyện, thị xã Hương Trà, Phú Vang, Hương Thủy, Nam Đông và bước đầu đã thẩm định cấp Giấy chứng nhận ATDBĐV cho 4 cơ sở. Các giải pháp thực hiện để xây dựng mô hình cơ sở ATDBĐV cho các trang trại chăn nuôi bao gồm:

I. Tổ chức, chỉ đạo

- Bám sát các văn bản chỉ đạo của tỉnh về việc xây dựng cơ sở ATDBĐV như Kế hoạch số 1037/KH-UBND ngày 17/5/2016  của UBND tỉnh Về việc phê duyệt Chương trình phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở gia súc, gia cầm, thủy sản nuôi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2016-2020, Kế hoạch số 76/KH-SNNPTNT ngày 26/01/2015 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc kiểm tra định kỳ các bệnh đối với cơ sở chăn nuôi gia súc giống, gia cầm giống, Kế hoạch số 262/KH-CCTY ngày 13/6/2016 của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh về việc Kiểm tra định kỳ đối với cơ sở chăn nuôi gia súc giống, gia cầm giống, quản lý lợn đực giống kết hợp với xây dựng cơ sở ATDBĐV năm 2016.

- Các nội dung xây dựng cơ sở ATDBĐV và các hồ sơ, thủ tục liên quan để đăng ký chứng nhận cơ sở ATDBĐV theo Thông tư số 14/2016/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

- Người chăn nuôi thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch bệnh động vật, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y đặc biệt phải chấp hành việc tiêm phòng bắt buộc các loại vắc xin theo Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT Quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn, Thông tư số 09/2016/TT-BNNPTNT ngày 01/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT Quy định về kiểm soát giết mổ, kiểm tra VSTY, Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT Quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn.

- Có sổ theo dõi tình hình chăn nuôi, xuất nhập, tiêm vắc xin phòng các bệnh của gia súc, gia cầm, tình hình dịch bệnh, điều trị, lấy mẫu xét nghiệm và sổ theo dõi khách tham quan theo quy định.

II. Kỹ thuật chăn nuôi và Thú y

1. Về chăn nuôi

- Người chăn nuôi từng bước thay đổi phương thức chăn nuôi, chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi theo hướng quy mô trang trại tập trung, công nghiệp, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học.

- Quy hoạch khu vực chăn nuôi trang trại theo hướng an toàn sinh học để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm….

- Áp dụng qui trình chăm sóc, nuôi dưỡng theo từng đối tượng gia súc, gia cầm, nguyên tắc chăn nuôi “cùng vào và cùng ra” để chăn nuôi có hiệu quả và đảm bảo được an toàn dịch bệnh.

2. Công tác phòng chống dịch bệnh

a) Công tác chống dịch

- Khai báo dịch bệnh: các cơ sở chăn nuôi theo dõi tình hình chăn nuôi, dịch bệnh. Khi thấy động vật mắc bệnh hoặc chết do nghi mắc bệnh truyền nhiễm phải báo ngay cho Thú y xã, phường hoặc cơ quan Thú y gần nhất và UBND xã đồng thời phải thực hiện “5 không”.

- Báo cáo tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm định kỳ và đột xuất. Không đưa gia súc, sản phẩm gia súc có nhiễm mầm bệnh ra ngoài ổ dịch. Theo dõi tất cả các gia súc, gia cầm xuất ra khỏi cơ sở ATDB trước khi dịch xảy ra trong thời gian tối thiểu bằng thời gian nung bệnh của mỗi bệnh. Điều tra nguồn gốc, nguyên nhân, mầm bệnh gây ra ổ dịch. Áp dụng các biện pháp dập dịch: tiêu hủy con vật mắc bệnh, vệ sinh tiêu độc, tiêm phòng vắc xin khẩn cấp, cách tiến hành tiêm phòng tùy theo từng bệnh để thực hiện.

b) Công tác phòng bệnh

- Về tiêm phòng:

+ Phải chấp hành việc tiêm phòng bắt buộc các loại vắc xin theo Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT Quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn.

+ Các cơ sở chăn nuôi chủ động tự sắp xếp qui trình tiêm phòng các loại vắc xin phù hợp với đặc điểm sinh lý, lứa tuổi của gia súc, gia cầm  đặc biệt đối với các bệnh đăng ký chứng nhận ATDBĐV và các bệnh tiêm phòng bắt buộc phải đạt tỷ lệ cao ≥ 90% so với tổng đàn nuôi.

+ Khi tiêm phòng phải báo cáo cho Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, thị xã để được giám sát; đây là cơ sở để làm các thủ tục xuất gia súc, gia cầm ra khỏi cơ sở chăn nuôi sau này.

+ Tiêm phòng phải có Giấy chứng nhận tiêm phòng hoặc các loại giấy tờ khác liên quan chứng minh gia súc, gia cầm của cơ sở chăn nuôi được tiêm phòng.

- Áp dụng các biện pháp phòng khác: thường xuyên áp dụng các biện pháp ngăn chặn để mầm bệnh không xâm nhập vào do các yếu tố lây lan như gió, nguồn nước, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật, đi lại của con người, giao thông, dụng cụ... Vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, khu vực xung quanh và thực hiện các biện pháp an toàn sinh học để tránh lây nhiễm.

3. Công tác kiểm dịch, và kiểm tra vệ sinh Thú y (VSTY)

- Khi cơ sở chăn nuôi muốn xuất gia súc, gia cầm ra khỏi tỉnh phải đăng ký kiểm dịch với Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, thị xã để được hướng dẫn và làm các thủ tục kiểm dịch xuất tỉnh.

- Nếu cơ sở chăn nuôi ATDBĐV không có dịch, trong khi đó các khu vực xung quanh có dịch thì cơ sở chăn nuôi vẫn được phép vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra khỏi vùng dịch theo quy định tại Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn và theo hướng dẫn của Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y.

- Động vật mẫn cảm với bệnh đăng ký công nhận an toàn khi đưa vào cơ sở chăn nuôi phải đáp ứng một trong các yêu cầu sau đây:

+ Có nguồn gốc từ vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh đăng ký chứng nhận an toàn;

+ Đã được kiểm tra, xét nghiệm và có kết quả của Phòng thử nghiệm được chỉ định đủ năng lực xét nghiệm bệnh đăng ký chứng nhận an toàn (sau đây gọi chung là Phòng thử nghiệm được chỉ định) xác nhận không mang tác nhân gây bệnh hoặc không có kháng thể do nhiễm bệnh tự nhiên đối với bệnh đăng ký chứng nhận an toàn;

+ Đã được phòng bệnh bằng vắc xin đối với bệnh đăng ký chứng nhận an toàn và còn miễn dịch bảo hộ.

- Kiểm tra thường xuyên các điều kiện VSTY đối với cơ sở chăn nuôi (điều kiện chuồng nuôi, hố khử trùng, hố xử lý phân, hầm biogas,...)

4. Chẩn đoán, xét nghiệm

- Định kỳ hàng năm tiến hành khảo sát, đánh giá sự lưu hành của virut đối với bệnh đăng ký an toàn và các bệnh truyền lây sang người.

- Kiểm tra huyết thanh học để đánh giá bảo hộ sau tiêm phòng vắc xin định kỳ hàng năm đối với các bệnh đã đăng ký theo qui định của ngành thú y.

- Lấy mẫu kiểm tra vệ sinh thú y nguồn nước và thức ăn sử dụng trong chăn nuôi theo qui định.

III. Cơ chế, chính sách

1. Kinh phí thực hiện các nội dung của cơ sở ATDBĐV

- Về kinh phí vắc xin và tiền công tiêm phòng, kinh phí lấy mẫu xét nghiệm: các trang trại chăn nuôi tự đóng góp 100% kinh phí.

- UBND tỉnh, huyện, xã xây dựng dự toán ngân sách hàng năm phục vụ cho các hoạt động trên địa bàn huyện trong đó có một phần ngân sách dành cho hoạt động phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trong đó có nội dung xây dựng cơ sở ATDBĐV.

2. Cơ chế, chính sách

- Các cơ sở ATDBĐV được hưởng các quyền lợi theo quy định tại khoản 2 Điều 17, khoản 2 Điều 39 và khoản 2 Điều 55 của Luật thú y:

+ Được ưu tiên trong việc lựa chọn cung cấp con giống, động vật và sản phẩm động vật.

+ Tổ chức, cá nhân khi vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đăng ký kiểm dịch với cơ quan thú y địa phương và trong thời hạn 1 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đăng ký kiểm dịch, cơ quan thú y địa phương cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch.

- Đối với cơ sở an toàn dịch bệnh động vật trên cạn: được phép vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra khỏi vùng dịch theo quy định tại Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn và theo hướng dẫn của Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y.

- Được xem xét cấp chứng nhận đạt Quy phạm thực hành chăn nuôi tốt Việt Nam (VietGAHP) hoặc Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt Việt Nam (VietGAP) khi có yêu cầu.

- Được ưu tiên tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm.

- Hỗ trợ giết huỷ gia súc, gia cầm mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thực hiện theo Quyết định số 719/QĐ-TTg ngày 05/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; Quyết định số 1442/QĐ-TTg ngày 23/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 719/QĐ-TTg ngày 05/6/2008; Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg ngày 31/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; Quyết định số 49/2012/QĐ-TTg ngày 08/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ Sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh./.

Trần Quốc Sửu - Chi cục Chăn nuôi và Thú y
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.373.382
Truy câp hiện tại 814