Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Sự cần thiết của việc xây dựng hệ thống Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 18/06/2021

Việc thành lập Văn phòng Thừa phát lại là cần thiết, sẽ góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, đồng thời đáp ứng yêu cầu chính đáng của tổ chức, công dân, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, giảm tải công việc cho hệ thống ngành Tòa án và Thi hành án dân sự.

Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã xác định rõ việc xã hội hóa trong hoạt động thi hành án dân sự: “Nghiên cứu thực hiện và phát triển các loại hình dịch vụ từ phía Nhà nước để tạo điều kiện cho các đương sự chủ động thu thập chứng cứ chứng minh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình… từng bước thực hiện việc xã hội hóa và quy định những hình thức, thủ tục để giao cho tổ chức không phải là cơ quan Nhà nước thực hiện một số công việc thi hành án”.

Thể chế hoá chủ trương của Đảng về xã hội hóa một số hoạt động thi hành án dân sự và tống đạt văn bản của Tòa án, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có quy định về tổ chức, hoạt động Thừa phát lại:

- Luật Thi hành án dân sự năm 2008; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2015;

- Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại, cụ thể tại khoản 2 Điều 21 quy định: “Căn cứ vào các tiêu chí quy định tại khoản 1 Điều này, Sở Tư pháp phối hợp với các sở, ban, ngành xây dựng Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại ở địa phương trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.”

Kế hoạch số 83/KH-UBND ngày 16 tháng 3 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nêu rõ nhiệm vụ xây dựng Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030.

Thừa Thiên Huế đang chủ động, tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số

54-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 10 tháng 12 năm 2019 về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu cụ thể:

Đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; Đảng bộ, chính quyền và toàn hệ thống chính trị vững mạnh; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân đạt mức cao.

Tầm nhìn đến năm 2045, Thừa Thiên Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á.

Vì vậy, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh ngày càng năng động, phát triển. Theo đó, các quan hệ xã hội diễn ra cũng có xu hướng ngày càng đa dạng, phức tạp, phát sinh nhiều mâu thuẫn, tranh chấp. Các khiếu kiện hành chính, tranh chấp dân sự, kinh tế, lao động xảy ra có chiều hướng tăng về số lượng, phức tạp, đa dạng hơn về nội dung.

Từ tình hình trên, trong giai đoạn hiện nay, việc thành lập Văn phòng Thừa phát lại là cần thiết, sẽ góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, đồng thời đáp ứng yêu cầu chính đáng của tổ chức, công dân, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, giảm tải công việc cho hệ thống ngành Tòa án và Thi hành án dân sự.

Về hoạt động tống đạt các loại văn bản của Tòa án và cơ quan Thi hành án dân sự

a) Trong lĩnh vực xét xử

- Giai đoạn năm 2018-2020, Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Thừa Thiên Huế thụ lý 11.353 vụ, việc; giải quyết 10.962 vụ, việc các loại, đạt tỷ lệ 96.6% (Hình sự giải quyết 2.689/2.712 vụ; dân sự, hôn nhân gia đình giải quyết 8.170/8.524 vụ, hành chính giải quyết 103/117 vụ). So với giai đoạn năm 2015-2017 thụ lý tăng 1.612 vụ, việc, tăng 17% (giai đoạn năm 2015-2017 giải quyết 9.350 vụ, việc)

Theo quy định của pháp luật và thực tiễn hoạt động tố tụng cho thấy, thủ tục giải quyết một vụ án, Tòa án phải thực hiện tống đạt trung bình khoảng 10 loại giấy tờ, văn bản như: thông báo thụ lý vụ kiện, giấy mời lấy lời khai, thông báo hòa giải, quyết định khẩn cấp tạm thời, thông báo đo đạc, thẩm định, giấy triệu tập đương sự, quyết định đưa vụ án ra xét xử, quyết định, bản án và các văn bản tố tụng khác của Tòa. Tính trung bình một năm Tòa án nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh tống đạt khoảng hơn 36.500 văn bản, giấy tờ các loại.

b) Trong lĩnh vực thi hành án

Giai đoạn năm 2018 - 2020, Cục Thi hành án dân sự tỉnh thụ lý 838 vụ việc; các Chi cục thi hành án dân sự của các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh thụ lý 12.968 vụ việc; cơ quan Thi hành án dân sự các cấp đã tống đạt khoảng 29.336 quyết định, văn bản, giấy tờ về thi hành án. So với giai đoạn 2015-2017, số lượng giấy tờ tống đạt tăng khoảng 3.336 văn bản, tăng 12,83% (giai đoạn năm 2015-2017 tống đạt 26.000 quyết định, văn bản, giấy tờ về thi hành án).

Số liệu trên cho thấy, khối lượng văn bản phải tống đạt của Tòa án, cơ quan Thi hành án dân sự rất lớn. Do vậy, việc giao Thừa phát lại thực hiện tống đạt giấy tờ, văn bản sẽ góp phần giảm bớt áp lực công việc tại Tòa án và cơ quan Thi hành án dân sự; đảm bảo tuân thủ chặt chẽ yêu cầu của thủ tục tố tụng trong công tác xét xử của Tòa án và công tác thi hành án của cơ quan Thi hành án dân sự. Trong một số trường hợp, việc giao các văn bản cho Thừa phát lại tống đạt còn là căn cứ để xác định thời hạn kháng cáo, thời hiệu yêu cầu thi hành án, thời hạn để thực hiện các thủ tục: lựa chọn tổ chức thẩm định giá, tổ chức đấu giá, thẩm định giá lại, thời gian đưa tài sản ra đấu giá…

Việc tống đạt giấy tờ, văn bản có liên quan đến việc xét xử và thi hành án có ý nghĩa rất quan trọng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên theo quy định của pháp luật. Như vậy, việc giao Thừa phát lại thực hiện tống đạt giấy tờ, văn bản đảm bảo tuân thủ chặt chẽ yêu cầu của thủ tục tố tụng, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình giải quyết các vụ việc thụ lý tại Tòa án, cơ quan Thi hành án dân sự đạt hiệu quả.

c) Về công tác thi hành các bản án, quyết định của Tòa án

Số lượng án của ngành Tòa án hàng năm đều tăng, tính chất các vụ án ngày càng phức tạp, nhất là các tranh chấp có liên quan đến đất đai, từ đó phát sinh nhiều vấn đề khiếu nại, tố cáo, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự của địa phương. Giai đoạn năm 2018-2020 cơ quan Thi hành án dân sự hai cấp đã tiếp nhận 12.738 bản án, quyết định của Tòa án; tiến hành xác minh điều kiện thi hành án khoảng 13.620 lượt.

Với sự ra đời của Văn phòng Thừa phát lại, người dân có quyền lựa chọn dịch vụ thi hành án dân sự tốt nhất, đáp ứng nhu cầu của người dân trong việc thực thi bản án, quyết định của Tòa án một cách nhanh chóng, chính xác, kịp thời.

d) Đối với việc lập vi bằng

Thực tiễn cho thấy, việc người dân tự thu thập chứng cứ chứng mình trong các vụ, việc khá khó khăn, phức tạp; hơn nữa, nhiều người không hiểu biết chuyên sâu về pháp luật nên không thể thực hiện đúng nghĩa vụ cung cấp chứng cứ theo quy định. Chính vì vậy, việc xác lập chứng cứ chứng minh thông qua hoạt động lập vi bằng của Thừa phát lại sẽ tạo thêm một công cụ pháp lý để người dân, tổ chức tự bảo vệ mình trong quá trình đàm phán, ký kết, thực hiện các giao dịch dân sự, hạn chế tranh chấp, rủi ro về pháp lý trong các giao dịch dân sự, cũng như xác lập các chứng cứ để bảo vệ mình trong quá trình hòa giải, thương lượng hoặc xét xử; hỗ trợ cơ quan công chứng khi thực hiện công chứng các giao dịch và đặc biệt là nguồn cung cấp chứng cứ trong hoạt động tố tụng tại Tòa án; tạo cơ sở để cơ quan tài phán xem xét, giải quyết vụ việc một cách khách quan, đúng pháp luật.

Kết quả hoạt động của Thừa phát lại tại tỉnh trong thời gian từ tháng 5/2019 đến tháng 4/2021

Theo Quyết định số 95/QĐ-BTP ngày 16 tháng 01 năm 2019 của Bộ Tư pháp phê duyệt Đề án thành lập Văn phòng Thừa phát lại của tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2019-2020, tỉnh Thừa Thiên Huế được phép thành lập 01 Văn phòng Thừa phát lại tại thành phố Huế, Sở Tư pháp đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép thành lập Văn phòng Thừa phát lại Tuấn Dũng và đi vào hoạt động kể từ tháng 5/2019.

Kết quả hoạt động:

- 06 tháng cuối năm 2019: lập 25 vi bằng; thực hiện tống đạt: 0;

- Năm 2020: lập 48 vi bằng; thực hiện tống đạt: 08 văn bản của Tòa án;

- 4 tháng đầu năm 2021: lập 24 vi bằng; thực hiện tống đạt: 0

Mục tiêu của việc xây dựng, phát triển hệ thống Thừa phát lại

Đảm bảo tổ chức thực hiện chế định Thừa phát lại đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; có quy hoạch phát triển và giải pháp thực hiện phù hợp, bảo đảm cho Văn phòng Thừa phát lại có thể hoạt động, phát triển bền vững.

Huy động tối đa các nguồn lực xã hội tham gia thực hiện chế định Thừa phát lại, nhằm giảm áp lực công việc, giảm chi ngân sách và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp mà trực tiếp là Tòa án và cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Thừa Thiên Huế

Lộ trình xây dựng hệ thống Thừa phát lại

Để đảm bảo thực hiện đúng lộ trình và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đồng thời tính đến nhu cầu tống đạt giấy tờ, văn bản, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án cũng như nhu cầu thi hành án dân sự của tổ chức và cá nhân. Lộ trình phát triển tổ chức Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh được thực hiện như sau:

a) Trong giai đoạn 1 (2021 - 2025), phấn đấu khuyến khích thành lập 03 Văn phòng Thừa phát lại tại thành phố Huế, thị xã Hương Thủy, huyện Phú Lộc, hoặc địa bàn khác nếu có nhu cầu và đáp ứng đủ điều kiện thành lập Văn phòng Thừa phát lại.

- Trong 03 năm (2018-2020), số vụ việc thụ lý giải quyết của Tòa án nhân dân thành phố Huế là 5.103 vụ, chiếm 44,5% tổng số án được thụ lý giải quyết trong toàn tỉnh; Tòa án nhân dân thị xã Hương Thủy là 1.154 vụ, chiếm 10,2%; Tòa án nhân dân huyện Phú Lộc là 1.088 vụ, chiếm 9,6 %.

 - Số lượng án phải thi hành tại thành phố Huế là 4.980 vụ việc, chiếm tỷ lệ  36,1% tổng số vụ việc thi hành án trong toàn tỉnh; thị xã Hương Thủy là 1.664 vụ việc chiếm tỷ lệ 12%, tại huyện Phú Lộc là 1.654 vụ việc, cũng chiếm gần 12%.

Do vậy, việc thành lập Văn phòng Thừa phát lại tại thành phố Huế, thị xã Hương Thủy và huyện Phú Lộc trong giai đoạn 1 (2021 - 2025) là phù hợp, đảm bảo sự phát triển ổn định của Văn phòng. 

b) Trong giai đoạn 2 (2026 - 2030), phấn đấu khuyến khích phát triển thêm 03 Văn phòng Thừa phát lại tại địa bàn thị xã Hương Trà, huyện Phú Vang, huyện A Lưới, hoặc địa bàn khác nếu có nhu cầu và đáp ứng đủ điều kiện thành lập Văn phòng Thừa phát lại.

Như vậy, phấn đấu đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 07 Văn phòng Thừa phát lại.

Từ năm 2030, tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại đã được thành lập; tổ chức rà soát, đánh giá kết quả thực hiện Đề án; tiến tới thực hiện chủ trương phát triển, thành lập Văn phòng Thừa phát lại đủ về số lượng theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP để đáp ứng nhu cầu của nhân dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế là 10 Văn phòng.

Trần Xuân Triều
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.297.305
Truy câp hiện tại 1.243