Sáng ngày 7/10/2022, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị tổng kết hợp tác về sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ với Công ty Cổ phần Tập đoàn Quế Lâm và ký kết biên bản hợp tác xây dựng, mở rộng và phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn trên địa bàn tỉnh giữa UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Công ty Cổ phần Tập đoàn Quế Lâm giai đoạn 2022-2026.
Năm 2019, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Công ty Cổ phần Tập đoàn Quế Lâm đã ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư mở rộng sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Thỏa thuận hợp tác này đã góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ của tỉnh. Đồng thời, là cơ sở pháp lý để hai bên hợp tác chuyển giao, ứng dụng quy trình kỹ thuật, công nghệ hữu cơ vi sinh để sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Việc lựa chọn Công ty Cổ phần Tập đoàn Quế Lâm để hợp tác thể hiện tầm nhìn và định hướng của tỉnh là phù hợp với xu hướng và tình hình thực tiễn. Công ty Cổ phần Tập đoàn Quế Lâm có bề dày hơn 30 năm kinh nghiệm làm nông nghiệp hữu cơ với đội ngũ cán bộ nhiệt tình, có trách nhiệm và lòng quyết tâm. Công ty cũng có đủ năng lực về tài chính để đầu tư cho nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh.
Một số chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đã được hình thành trên địa bàn tỉnh như chuỗi thịt lợn hữu cơ, chuỗi lúa gạo hữu cơ...
Đến nay, đã có 42 hộ dân và 2 Hợp tác xã (HTX) đang hợp tác và phát triển tốt về chăn nuôi lợn hữu cơ, an toàn sinh học (ATSH), liên kết theo chuỗi giá trị với hơn 300 heo nái và 6.000 con heo thịt, tại thành phố Huế, thị xã Hương Trà, Hương Thuỷ, các huyện Quảng Điền, A Lưới, Phong Điền, Phú Lộc, trong đó có 2 HTX là HTX Phù Nam và HTX Hương Thọ.
Trong quá trình xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi lợn hữu cơ an toàn sinh học, Công ty cung cấp đầu vào cho nông hộ bao gồm: hướng dẫn kỹ thuật xây dựng chuồng trại, cung cấp lợn nái, thức ăn, men vi sinh, cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cho nông hộ tại chuồng, hướng dẫn nông dân mở sổ sách ghi chép tính toán kinh tế và thu mua đầu ra lợn thịt cho hộ nông dân với giá ổn định.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Quế Lâm đã hình thành tổ hợp chăn nuôi lợn hữu cơ, an toàn sinh học 4F ở xã Phong Thu, huyện Phong Điền với mục đích cung cấp lợn nái hậu bị, lợn con giống, tinh lợn giống cho các nông hộ trên địa bàn của tỉnh; điều phối sản phẩm thịt lợn trên thị trường để chuỗi cung ứng hàng hóa không bị đứt gãy; là trường học để đào tạo nông dân, công nhân và sinh viên. Từ tháng 7/2020 đến nay, tổ hợp 4 F đã lai tạo ra giống lợn có giống gen mới, với hơn 150 con heo nái cung cấp cho các nông hộ và thị trường.
Hiện nay, do nhu cầu các hộ chăn nuôi lợn hữu cơ, an toàn sinh học liên kết ngày càng tăng; xu hướng các hộ tiếp tục mở rộng, tăng đàn càng lớn nên Công ty đang xây dựng trạm sản xuất tinh lợn, hoàn thiện nhà máy thức ăn chăn nuôi công suất 50.000 tấn/năm, hiện nay nhà máy đã đưa vào hoạt động; đang xây dựng nhà máy sản xuất men vi sinh (liên kết Nhật Bản) để khép kín và chủ động trong tất cả các khâu chuỗi giá trị chăn nuôi lợn.
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh đã liên kết với các HTX, hộ nông dân ở các huyện Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền, Phú Lộc, thị xã Hương Thủy, Hương Trà và TP Huế với diện tích khoảng 300 ha, sản xuất lúa gạo hữu cơ theo chuỗi giá trị. Công ty cung cấp đầu vào (giống, phân hữu cơ vi sinh, thuốc thảo mộc) và thu mua đầu ra với giá ổn định. Công ty cũng đã đầu tư khay mạ, hệ thống máy cấy cho 3 HTX (thị xã Hương Thủy, huyện Phú Vang, huyện Quảng Điền); sân phơi 2000 m2 tại HTX Đông Vinh, huyện Quảng Điền và hệ thống máy sấy với công suất 60 tấn/ca.
Trong năm 2022 có trên 300 ha lúa sau thu hoạch của các HTX liên kết với Công ty đã đưa vào hệ thống máy sấy mang lại hiệu quả cao như: kiểm soát và ổn định chất lượng đầu vào, giảm hao hụt, hạ giá thành, không phụ thuộc vào thời tiết.
Ngoài ra, công ty đã liên kết sản xuất 200 ha ngô, đậu tương ở A Lưới, Quảng Điền, Phú Vang làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tạo chu trình khép kín để chủ động nguyên liệu cho nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi; liên kết với xã Phong Thu, Phong Điền hướng dẫn quy trình xây dựng HTX thanh trà hữu cơ đem lại giá trị cao. Năm 2022, Công ty cũng liên kết với các hộ ở Quảng Công, Quảng Ngạn trồng thử nghiệm khoai lang, dưa hấu hữu cơ đem lại hiệu quả kinh tế cho nông dân.
Hình thành chuỗi siêu thị và kết nối, tiêu thụ sản phẩm.
Công ty đã xây dựng hệ thống tiêu thụ và phát triển thị trường trên toàn quốc hướng vào các trường học, nhà trẻ, bệnh viện, các khu công nghiệp. Hai mặt hàng chủ lực là thịt lợn hữu cơ, gạo hữu cơ của Huế đã có mặt ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và một số thành phố trên cả nước.
Tại Thừa Thiên Huế đã xây dựng và đi vào hoạt động 2 siêu thị nông sản hữu cơ Quế Lâm, đã phối hợp với huyện Quảng Điền xây dựng và đưa vào hoạt động một của hàng nông sản hữu cơ và huyện A Lưới đang xây dựng 1 quầy bán hàng nông sản hữu cơ tại chợ A Lưới, sắp đưa vào hoạt động; cùng các huyện, thị xã liên kết với Công ty đang xúc tiến chọn địa điểm và đối tác để xây dựng chuỗi cửa hàng để cung cấp nông sản sạch cho người dân trên địa bàn, đồng thời cùng giải quyết nông sản hữu cơ cho nông dân. Với sự ra đời của các siêu thị và mô hình liên kết sản xuất nông sản hữu cơ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã được các tỉnh bạn đến tham quan, học tập nhân rộng mô hình ở địa phương.
UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý rơm rạ, các phụ phẩm trong trồng trọt, chất thải trong chăn nuôi để chế biến phân hữu cơ vi sinh tại nhà, gia trại, trang trại nhằm bảo vệ môi trường sinh thái; tuyên truyền các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân sử dụng các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ vào các bữa ăn gia đình và các bếp ăn tập thể nhằm bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng. Từ năm 2020 đến nay, công ty đã phối hợp với các HTX xử lý rơm, rạ sau thu hoạch vụ Đông Xuân ngay trên đồng ruộng bằng chế phẩm vi sinh Quế Lâm đã được hội đồng khoa học nghiệm thu đánh giá kết quả rất tốt. Ngoài ra, đã xây dựng hàng trăm mô hình ở các huyện, thị xã xử lý rác thải hữu cơ, phân gia súc, gia cầm bằng chế phẩm vi sinh thành phân hữu cơ vi sinh dùng để bón cho cây trồng, đặc biệt trong đó có phường Kim Long và xã Thuỷ Bằng đã triển khai các nhiều hộ dân xử lý rác thải, phân gia súc thành phân hữu cơ vi sinh.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Hoàng Hải Minh đánh giá cao những kết quả đạt được trong thời gian hợp tác vừa qua. Kết quả bước đầu đã nói lên được định hướng đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ của tỉnh là phù hợp với xu hướng và tình hình thực tiễn, đồng thời cho thấy tiềm năng và dư địa để phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn trên địa bàn tỉnh còn rất lớn, cần được tiếp tục đầu tư hợp tác để khai thác hiệu quả hơn nữa các tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Tại hội nghị đã diễn ra lễ ký kết biên bản hợp tác xây dựng, mở rộng và phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn giữa UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Công ty Cổ phần Tập đoàn Quế Lâm giai đoạn 2022-2026.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung hợp tác giai đoạn 2022-2026, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ban ngành liên quan, UBND các địa phương, Công ty Cổ phần Tập đoàn Quế Lâm bám sát các nội dung, nhiệm vụ đã xác định trong biên bản hợp tác để phối hợp triển khai, trong đó cần chú trọng vào công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về vị trí, vai trò của nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn.
Hợp tác mở rộng và phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp hữu cơ gồm: Chuỗi giá trị sản xuất các loại gia súc, gia cầm theo hướng hữu cơ và hữu cơ (lợn, bò gà,…); Chuỗi giá trị sản xuất lúa theo hướng hữu cơ và hữu cơ; Chuỗi giá trị cây thanh trà và các loại cây ăn quả khác theo hướng hữu cơ và hữu cơ; Chuỗi giá trị các loại rau, củ quả theo hướng hữu cơ và hữu cơ; Chuỗi giá trị các loại ngô, đậu tương theo hướng hữu cơ và hữu cơ để làm thức ăn chăn nuôi; Chuỗi giá trị sản xuất thủy sản theo hướng hữu cơ và hữu cơ.
Hợp tác đẩy mạnh tiêu thụ nông sản hữu cơ như xây dựng cửa hàng, siêu thị để giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, tối thiểu mỗi huyện, thị xã, thành phố có 1-2 cửa hàng, siêu thị. Bên cạnh đó, hợp tác xây dựng thôn, làng, bản kiểu mẫu về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn tiến tới xây dựng xã kiểu mẫu về sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Tại hội nghị, 8 tập thể và 9 cá nhân đã vinh dự nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vì đã có thành tích xuất sắc trong hợp tác liên kết mở rộng sản xuất kinh doanh nông nghiệp hữu cơ tại tỉnh Thừa Thiên Huế.