Đoàn công tác đã đến tham quan mô hình ứng dụng công nghệ vi sinh xử lý phế phụ phẩm trong trồng trọt và chăn nuôi, thúc đẩy tăng trưởng xanh tại xã Thủy Bằng, thành phố Huế; mô hình chăn nuôi lợn thịt theo hướng hữu cơ tại xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới và mô hình nuôi cua gạch trong ao đầm gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại xã Phú Gia, huyện Phú Vang.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh đánh giá, các mô hình mà trung tâm đồng hành triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát huy hiệu quả với việc tạo ra các sản phẩm cụ thể và mang tính riêng biệt, góp phần khai thác được tiềm năng lợi thế của địa phương cũng như phù hợp với chiến lược phát triển nông nghiệp hướng đến sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn.
Ông Lê Quốc Thanh mong muốn ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế tạo điều kiện, tăng cường truyền thông, tổ chức các đợt tham quan nhằm phổ biến quy trình kỹ thuật chăn nuôi và trồng trọt để nhân rộng những mô hình khuyến nông hiệu quả; hình thành các tổ hợp tác để chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cũng như phát triển thương hiệu sản phẩm gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cũng như thay đổi tư duy sản xuất cho nông dân. “Hiện nay, về mặt quy trình công nghệ các mô hình đã hoàn thiện, kinh nghiệm sản xuất của bà con đi trước, của những người đang thực hiện mô hình đã sẵn có nên cần triển khai nhân rộng. Phương pháp là đưa người nông dân tiếp tục trao đổi với nhau, những người có kinh nghiệm chia sẻ với người ít có kinh nghiệm. Chính quyền địa phương tập hợp họ lại thành nhóm hợp tác, tổ hợp tác hoặc những hợp tác xã để lan rộng kinh nghiệm. Khi chúng ta cùng xây dựng thương hiệu chắc chắn hiệu quả sẽ tăng lên rất nhiều lần”, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết.
Được biết, tại Thừa Thiên Huế, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đang đồng hành triển khai thực hiện 6 dự án khuyến nông trung ương gồm: mô hình ứng dụng công nghệ vi sinh xử lý phế phụ phẩm trong trồng trọt và chăn nuôi, thúc đẩy tăng trưởng xanh; mô hình chăn nuôi lợn thịt theo hướng hữu cơ; mô hình nuôi cua gạch trong ao đầm gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Cùng đó là mô hình ứng dụng công nghệ CPF (Composite – polyurethane foam) trong bảo quản sản phẩm trên tàu khai thác hải sản xa bờ; mô hình vườn ươm sản xuất cây giống lâm nghiệp phục vụ trồng rừng vùng nguyên liệu và mô hình trồng thâm canh Tràm năm gân (Melaleuca quinqenervia) làm nguyên liệu chưng cất tinh dầu. Qua triển khai, các dự án đã giúp nhân dân nâng cao hiệu quả sản xuất đồng thời góp phần chuyển đổi nền nông nghiệp từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, lấy hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường, hướng đến nền nông nghiệp xanh, sạch.
Tiêu biểu như mô hình nuôi cua gạch trong ao đầm gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm được triển khai tại xã Phú Gia, huyện Phú Vang, đã giúp người dân được tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong nuôi cua, giúp người dân không lo về giá khi bán ra thị trường. Kết quả bước đầu cho thấy mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Dự kiến đến khi thu hoạch năng xuất đạt >1,5 tấn/ha, lợi nhuận dự kiến đạt 100-120 triệu đồng/ha, giá bán cua gạch cao gấp 1,5 - 2 lần so với nuôi cua thịt. Ngoài ra, việc thực hiện mô hình này đã giúp bà con nông dân chủ động được nguồn giống do sử dụng nguồn giống cua tự ương từ cua khay; phân loại và lựa chọn cua cái đủ số lượng ngay từ giai đoạn ương chuyển qua nuôi; tạo ra được sản phẩm cua gạch chất lượng, có giá bán cao gấp 1,5- 2 lần so với cua thịt nên đem lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi./.