1. Điều kiện ao nuôi
Ao nuôi có diện tích từ 200 – 1.000 m2, có cống cấp và thoát nước riêng biết
Vị trí ao nuôi tốt nhất là gần nguồn cung cấp nước. Nước có thể ra vào thường xuyên, điều kiện thay nước dễ dàng. Chất lượng nước đảm bảo không bị ô nhiễm. Nên chọn ao ở những nơi đất có thành phần cơ giới nặng như đất sét, thịt pha sét.
Vị trí ao ở nơi thoáng mát, nhiều ánh nắng. Bờ ao và mái bờ ao phải chắc chắn không bị sạt lở, không có khe nứt, hang hốc.
Mực nước trung bình từ 60-70 cm, trong ao có thể thả bèo tây để tạo chỗ trú ẩn cho cá tránh nóng, tránh rét và làm sạch môi trường nước.
2 Chuẩn bị ao nuôi
2.1 Cải tạo ao nuôi
- Đối với ao đã nuôi: Sau vụ nuôi tháo cạn nước, xen vét bùn đáy(để lại lớp bùn từ 20-25cm), tu sửa bờ ao và cống cấp thoát nước, phát quang, chống rò rỉ. Trong điều kiện cho phép có thể cày xới và phơi đáy ao trong 5-10 ngày tạo điều kiện cho oxy thâm nhập vào đáy ao góp phần làm tăng độ màu mỡ của ao.
Diệt tạp: diệt các loại sinh vật gây hại cá còn sót lại dưới đáy ao hoặc xung quanh bờ, chủ yếu là các loài cá ăn thịt như lươn, cá rô, cá trê, cá lóc, các loại ấu trùng, côn trùng, cóc, ếch nhái. Diệt tạp bằng hạt mác, với liều lượng 1kg/1.000m2 hoặc saponin 20g/m3 nước(20kg/1.000m3).
Dọn ao và diệt tạp thường tiến hành đồng thời và làm trước khi thả cá ra ao từ 10-12 ngày. Nếu làm sớm quá thì một số chất diệt tạp chưa phân hủy hết sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cá nuôi . Nếu làm muộn thì sinh vật hại cá sẽ có điều kiện phát triển trở lại.
Bón vôi CaCO3 (vôi bột), liều lượng vôi dùng để cải tạo cho 1.000 m2 ao.
pH
|
CaCO3 (Vôi bột)
(Kg)
|
Ca(OH)2
(Vôi nông nghiệp)
|
4 - 5
|
160 - 180
|
100 - 120
|
5 - 6
|
120 - 140
|
80 - 100
|
> 6
|
80 - 100
|
40 - 60
|
Bón lót: Là biện pháp cần thiết trong khâu chuẩn bị ao nhất là với những ao nghèo chất dinh dưỡng. Mục đích của việc bón lót là cung cấp cho ao một lượng phân hữu cơ là nguồn dinh dưỡng tức thời cho các sinh vật làm thức ăn cho cá ngay khi thả xuống ao. Tùy điều kiện từng địa phương, gia đình có thể sử dụng một số loại phân như: phân lợn, gà đã ủ để bón lót tránh dùng phân có nhiều rác khó phân hủy. Lượng phân bón 20-50 kg/100m2.
Gây màu nước: Sau khi vét bùn đáy, bón vôi khử trùng, bón lót xong ta tiến hành lấy nước vào ao để đạt độ sâu 70 cm rồi tiến hành gây màu nước. Lưu ý khi lấy nước phải dùng lưới lọc để ngăn các loài địch hại. Gây màu nước thực chất là tạo môi trường thuận lợi cho tảo phát triển, tảo quang hợp mạnh sẽ cung cấp nhiều oxy cho ao nuôi:
Cách gây màu nước:
+ Nếu dùng phân chuồng đã ủ hoai để gây màu thì hòa phân với nước rồi té đều khắp ao. Lượng phân dùng khoảng 40-60 kg/100m2.
+ Nếu dùng phân xanh thì phải ngâm xuống ao sớm hơn bón phân chuồng 3-4 ngày. Bó phân xanh thành từng bó khoảng 5-10 kg. Cứ 100m2 rải 3-4 bó đều quanh ao. Cứ như vậy khoảng 7-10 ngày phân xanh phân hủy hết thì vớt đi phần cành cây không phân hủy, rồi lấy tiếp nước cho đạt yêu cầu.
- Đối với những ao mới đào: Nếu ao mới đào chưa nuôi cá, cho nước vào ngâm 2-3 ngày rồi xả hết nước ngâm và tháo rửa nhiều lần, ít nhất 2-3 lần để rửa ao. Sau đó tiến hành các bước cải tạo ao như với ao đã nuôi ở trên.
2. Chọn giống và thả giống: Giống được mua tại những cơ sở chuyên sản xuất giống nhân tạo cá chạch bùn. Khi mua cần chú ý chọn mua ở những địa chỉ tin cậy, đảm bảo chất lượng như: cá khỏe mạnh, cỡ đồng đều, trọng lượng cá 2g/con(500 con/kg), màu sắt sáng bóng, không mất nhớt, bơi lội hoạt bát, không bị trầy xước.
3. Mật độ thả nuôi: 30 con/m2 hoặc 10-15 kg cá chạch giống/100m2 ao.
Thời gian thả: nên thả vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát.
Cách thả giống: Nếu cá được vận chuyển bằng túi nilong bơm oxi, trước khi thả phải ngâm túi chứa cá vào ao từ 15-20 phút để tránh sốc do nhiệt độ. Sau đó mở miệng túi châm nước ao vào khoảng 1/3 lượng nước trong túi để cân bằng các yếu tố môi trường
4. Cho ăn và chăm sóc
- Thức ăn: Có thể sử dụng nhiều loại thức ăn khác nhau như: khô đậu, cám gạo, nhộng tằm, thức ăn chế biến, thức ăn công nghiệp, cá tạp, ốc xay. Khuyến cáo nên dùng thức ăn công nghiệp dạng viên nổi dùng cho cá chạch có hàm lượng đạm từ 30-35%.
- Lượng thức ăn: 5-8% trọng lượng thân. Hệ số tiêu tốn thức ăn 1,7kg thức ăn sẽ cho ra 1 kg cá chạch thương phẩm có trọng lượng 25-30 con/kg (trung bình 30-40 g/con).
- Thời gian cho ăn: Cho ăn 1-2 lần/ngày vào sáng sớm và chiều tối. Tuy nhiên cá có tập tính ăn chủ yếu vào ban đêm, nên lượng thức ăn cho ăn vào chiều tối chiếm 70-80% lượng thức ăn trong ngày.
Khi cho cá ăn cần áp dụng quy tắc 3 xem và 4 định, cụ thể:
- 3 xem: Xem thời tiết, xem môi trường ao nuôi và xem sức khỏe của cá.
- 4 định: Định thời gian, định số lượng, định chất lượng và định vị trí.
5. Thu hoạch
Khi cá chạch đạt giá trị thương phẩm 30-40 con/kg tiếng hành thu hoạch, trước khi xuất bán 1 ngày không cho cá ăn, dừng dùng kháng sinh trước khi xuất bán 15 ngày. Đánh bắt cẩn thận không để xây xát, cho vào thùng xốp, cho ít nước để cá không bị khô da.
6. Phòng bệnh và trị bệnh
Phòng bệnh: Cá chạch ít bị bệnh, tuy nhiên nếu để nước ô nhiễm nhiều ngày thì cũng dễ bị bệnh. Cá chạch có thể bị nấm, đốm đỏ lở loét, bệnh đường ruột... Để phòng bệnh nên trộn thêm vitamin C, men tiêu hóa vào thức ăn, với liều lượng 3-5g/kg thức ăn, định kỳ cho ăn 2 lần/tháng, mỗi lần 3-5 ngày liên tục. Chú ý thay nước định kỳ không để nước ô nhiễm.
Trị bệnh: Khi phát hiện cá chạch bị nấm có thể tắm bằng các loại hóa chất sau: Nước muối 2-3% trong vòng 7-10 phút; hoặc KMnO4 liều lượng 20g/m3 nước, thời gian 10-15 phút.
Trộn kháng sinh vào thức ăn cho ăn: Doxycyline 0,2-0,3g/kg thức ăn; Oxytetracyline 2-4g/kg thức ăn, cho ăn 5-7 ngày liên tục.