Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thành công nhờ sử dụng giống lúa Ma Lâm 48 ở HTX NN số 1 Thị trấn Sịa- Quảng Điền
Ngày cập nhật 22/09/2016

Tình trạng thoái hóa các giống lúa đang sản xuất đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế cùng với những tác động của biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp, tình hình sâu bệnh hại ngày càng tăng, đất đai bị nhiễm phèn, nhiễm mặn… đã ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất lúa. Việc tìm ra các giống lúa mới phù hợp với điều kiện của từng địa phương, cho năng suất cao, chất lượng tốt để thay thế dần những bộ giống cũ đang là vấn đề hết sức cần thiết cho ngành nông nghiệp tỉnh hiện nay.

HTX nông nghiệp  Số 1 Thị trấn Sịa - huyện Quảng Điền có diện tích canh tác lúa  hàng năm khoảng 180 ha, cơ cấu chủ yếu là các giống Khang Dân, TH5, HT1; là những giống đang có những biểu hiện thoái hóa, nhiễm sâu bệnh. Để đánh giá khả năng thích ứng của giống Ma lâm 48 với điều kiện tự nhiên, tập quán canh tác của địa phương, vụ Hè Thu 2016 Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã kết hợp với HTX bố trí  khảo nghiệm sản xuất giống lúa này với quy mô diện tích 05 ha, có 50 hộ tham gia thực hiện mô hình.

Xứ đồng Ruộng Vại – vùng được chọn triển khai thực hiện mô hình có đường giao thông đi lại dễ dàng, hệ thống thủy lợi chủ động. Những năm trước đây trên vùng đất này được bố trí gieo cấy giống lúa TH5,  vụ Đông Xuân thường bị đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông gây hại; vụ Hè Thu thì rầy, nhện gié; các bệnh khô vằn, lem lép gây hại nặng. Ngoài ra, do nằm trong khu vực gần cồn mộ nên bị chuột phá hại khá nặng. Mục đích của việc đưa giống Ma Lâm 48 vào sản xuất thử là khai thác đặc điểm thời gian sinh trưởng ngắn phù hợp cho việc chạy lũ cuối vụ, khả năng chịu phèn, có thể sản xuất trên chân đất cát, cạn đất; ít nhiễm rầy…của giống.

 Trong vụ Hè Thu  này, mô hình được bố trí gieo cấy trên 2 chân đất khác nhau, loại có tầng đất mỏng và đất sâu bùn, kết quả cho thấy ở cả 2 chân đất cây lúa đều sinh trưởng, phát triển tốt. Thực tế cho thấy, năng suất đạt trên toàn vùng khá cao, bình quân đạt được 60 tạ/ha và khả năng chống chịu điều kiện ngoại cảnh, sâu bệnh hại của giống được đánh giá khá tốt.

Mặc khác, thông qua việc thực hiện mô hình khảo nghiệm sản xuất giống Ma Lâm 48, với các hoạt động tập huấn, hướng dẫn, chỉ đạo trực tiếp trên đồng ruộng; đã chuyển giao được những tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa đến với bà con nông dân, đã giúp cho bà con từ bỏ thói quen gieo trồng lượng giống khá nhiều (từ 6-8 kg giống/sào), bón phân không đúng liều lượng, phun thuốc hóa học không đảm bảo “bốn đúng”… dẫn đến chi phí sản xuất cao, hiệu quả sản xuất đạt được thấp. Ngoài việc áp dụng để thực hiện ngay trong vụ này, đây sẽ là những kinh nghiệm hữu ích, định hướng cho bà con thực hiện cho cả các vụ sau. Ông Nguyễn Đình Hợp, là một trong 50 hộ dân có ruộng được chọn thực hiện mô hình khảo nghiệm sản xuất giống lúa Ma Lâm 48 cho biết: “Những năm trước với 3,5 sào ruộng của gia đình thường gieo trồng giống lúa TH5, năng suất chỉ đạt 2,5 tạ/sào. Vụ Hè Thu năm nay, được HTX hỗ trợ giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật để gieo trồng giống lúa mới này, chúng tôi thấy khâu chăm sóc thì tương đối dễ, ít sâu bệnh; năng suất đạt được lại khá cao, với giống Ma Lâm 48 này, gia đình tôi thu hoạch được 3 tạ/sào. Vụ tới đây, tôi sẽ đưa giống này vào gieo trồng tiếp, nếu tiếp tục được mùa, nhất định tôi sẽ trồng thay thế giống TH5”.

Thực tế, giống Ma lâm 48 đã được đưa vào khảo nghiệm sản xuất nhiều vụ ở một số HTX trên địa bàn huyện Quảng Điền và đạt được kết quả rất khả quan. Nhưng với HTX NN Số 1 Thị trấn Sịa, đây là vụ đầu tiên Trung tâm Khuyến nông Thừa Thiên Huế bố trí mô hình này. Ông Nguyễn Ngọc Quy, giám đốc HTX đánh giá:“So với giống TH5 thì giống Ma lâm 48 có ưu điểm là bộ rễ chắc, ăn sâu vào đất, cứng cây, khả năng chống đổ ngã tốt bên cạnh đó khả năng chống chịu sâu bệnh tốt hơn và gạo ăn cũng rất ngon, chắc chắn chúng tôi sẽ tiếp tục bố trí sản xuất thử trong vụ Đông Xuân để lấy kết quả mở rộng sản xuất”

Trong buổi hội nghị tổng kết mô hình, chứng kiến những gương mặt phấn khởi cùng những ý kiến đánh giá khách quan của bà con nông dân, chúng tôi thật sự thấy vui mừng, mừng cho bà con được mùa, mừng cho những đóng góp của chúng tôi được bà con tiếp nhận và khẳng định sẽ phát huy. Những kết quả đó đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho bà con nông dân của địa phương; góp phần phát triển sản xuất lúa theo hướng bền vững ./.

Trung tâm Khuyến nông
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.266.911
Truy câp hiện tại 3.472