- Chăm sóc tốt tôm cá mới thả nuôi, duy trì mực nước ao nuôi cao hơn 1m để chống nóng cho tôm, cá vào những ngày nhiệt độ cao.
- Đối với các ao có độ sâu lớn cần tăng cường sục khí cho ao nuôi để tránh hiện tượng nước trong ao nuôi bị phân tầng.
- Cần quản lý chặt chẽ việc cho ăn, tránh dư thừa quá nhiều thức ăn vừa gây lãng phí vừa làm ô nhiễm ao nuôi. Sử dụng các chế phẩm sinh học để phân hủy bùn đáy ao nuôi, kết hơp bón thêm zeolite để hấp thu khí độc.
- Thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường để có biện pháp xử lý kịp thời.
- Vào những ngày có mưa giông, cần tăng cường kiểm tra môi trường nước và có biện pháp xử lý như: tăng cường sục khí sau mưa, thay bớt nước mặt, trước và sau khi mưa, bón vôi để nâng cao và ổn định pH và độ kiềm cho ao nuôi.
- Trong tháng 4 thời tiết chuyển mùa dễ xuất hiện bệnh đốm trắng trên tôm sú và tôm chân trắng vì vậy bà con cần tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi. Khi có dịch bệnh xảy ra tuyệt đối không xả nước thải từ ao nuôi dịch bệnh ra môi trường xung quanh, báo ngay với chính quyền và các cơ quan quản lý tại địa phương khi có dịch bệnh xảy ra.
- Tháng 4 vào mùa vụ sinh sản các đối tượng thủy đặc sản vì vậy các hộ nuôi cần tăng cường chăm sóc nuôi vỗ bố mẹ để tuyển chọn ếch tham gia sinh sản. Đối với các hộ nuôi thương phẩm cần tranh thủ chuẩn bị bể, lồng nuôi và liên hệ con giống để thả cho kịp thời vụ.
- Đối với cá nuôi lồng nhất là cá Trắm cỏ và cá Điêu hồng người nuôi cần phòng bệnh tốt cho cá để phòng các bệnh như đốm đỏ, xuất huyết. Người nuôi cần trộn thêm vitamin C,E và men tiêu hóa vào thức ăn cho cá để tăng cường sức đề kháng. Thường xuyên treo túi vôi vào các góc lồng để phòng bệnh, di chuyển các lồng cá bị bệnh ra xa các lồng cá khỏe. Thường xuyên vệ sinh làm sạch lồng đảm bảo lưu thông dòng chảy trong lồng.