Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Xử lý rơm rạ sau thu hoạch
Ngày cập nhật 05/07/2017

Với lượng rơm rạ khô sau mỗi vụ thu hoạch đạt khá lớn, nếu biết sử dụng hợp lý  là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp và mang lại hiệu quả cao. 

Thừa Thiện Huế có diện tích gieo cấy lúa trong vụ Đông Xuân hàng năm khoảng 28.000 ha.  Do vụ Hè Thu tiến hành ngay sau thu hoạch lúa vụ Đông Xuân, thời gian chuẩn bị đất quá ngắn, đất không được làm kỹ, rơm rạ vụ trước chưa kịp phân hủy, trong điều kiện yếm khí sẽ tạo ra các chất độc  như H2S ức chế sự phát triển, thậm chí làm thối rễ, dẫn đến cây lúa không hút được chất dinh dưỡng, bị suy yếu; những nơi ảnh hưởng nặng làm lúa bị chết, phải gieo sạ lại, gây thiệt hại như trễ thời vụ, tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến vụ sau. Mặc dù đây là nguồn phụ phẩm có thể mang lại lợi ích, song giá trị thực của nó thường bị bỏ qua do chi phí quá lớn cho các công đoạn thu gom, vận chuyển nên sau mỗi vụ thu hoạch có khoảng 80% lượng rơm rạ bị đốt hủy gây ô nhiễm môi trường, làm tăng phát thải khí nhà kính, đặc biệt gây mất cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng.

Với lượng rơm rạ khô sau mỗi vụ thu hoạch đạt khá lớn, nếu biết sử dụng hợp lý  là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp và mang lại hiệu quả cao. Những năm gần đây,  nông dân nhiều địa phương xử lý rơm, rạ bằng cách đốt ngay tại ruộng hoặc vứt, đổ rơm, rạ xuống kênh mương, gây ảnh hưởng lớn đến môi trường, tắc nghẽn dòng chảy, ảnh hưởng đến việc bảo đảm an toàn giao thông… Nhiều địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xử phạt…, tuy nhiên, đây là những biện pháp thụ động, chưa giúp người dân thay đổi hành vi của mình. Vì vậy, việc xử lý và sử dụng hiệu quả nguồn rơm, rạ sau thu hoạch đang là vấn đề cấp bách được nhiều địa phương, đơn vị quan tâm.

       Vụ Hè Thu 2017, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai mô hình “Áp dụng các biện pháp canh tác tổng hợp để xử lý rơm rạ sau thu hoạch vụ Đông Xuân” tại các hợp tác xã Siêu Quần, xã Phong Bình, huyện Phong Điền; HTX Phú Thanh 2, xã Phú Thanh, huyện Phú Vang và HTX Phù Nam, phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy. Ngoài các giải pháp canh tác như làm đất sớm, cày bừa kỹ, thì việc đưa chế phẩm phân bón hữu cơ vi sinh có chứa vi sinh vật Trichoderma đã giúp phân hủy nhanh gốc rơm rạ ngay trên đồng ruộng. Mục tiêu của mô hình  nhằm giúp bà con nông dân giải quyết được nguồn phế phẩm rơm rạ sau thu hoạch; tạo ra nguồn phân bón hữu cơ ngay trên đồng ruộng từ đó phần nào giảm bớt lượng phân bón vô cơ giúp giảm chi phí sản xuất, góp phần tăng năng suất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong sản xuất lúa.

         Bước đầu triển khai mô hình cho thấy một số kết quả như: cùng một thời gian gặt và làm đất nhưng tỷ lệ hoai mục của rơm rạ trong mô hình đạt khá hơn so với ruộng không sử dụng chế phẩm; mặt nước trên ruộng trong hơn ít xuất hiện váng đỏ do phèn; đặc biệt bộ rễ lúa phát triển mạnh, bám sâu vào đất là điều kiện thuận lợi để cây hút dinh dưỡng từ bên ngoài và hạn chế đỗ ngã. Và trong thời gian tới chúng tôi sẽ phối hợp cùng bà con nông dân tiếp tục theo dõi đồng ruộng để có đánh giá chính xác hơn về hiệu quả mà mô hình đem lại.

        Quá trình thực hiện mô hình sẽ giúp người dân mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, nâng cao được nhận thức trong việc bảo vệ môi trường, sử dụng có hiệu quả các nguồn lợi sẵn có phục vụ sản xuất; giảm chi phí đầu tư và nâng cao hiệu quả, cải thiện đời sống./.

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.270.793
Truy câp hiện tại 5.403